Cách tránh ‘bỗng dưng mất tiền’ với thẻ thanh toán online

[ad_1]

Chủ động tạm khoá chức năng thanh toán online hoặc đặt hạn mức giao dịch nhỏ là cách đơn giản nhưng hữu hiệu ngừa rủi ro với thẻ trực tuyến.

Thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Thay vì quẹt thẻ trực tiếp các cửa hàng, người dùng sẽ “quẹt thẻ” trực tuyến tại các trang web, ứng dụng với chức năng thanh toán online của các thẻ Visa/Master Card Debit (ghi nợ) hoặc Credit (ghi có).

Người dùng chỉ cần nhập thông tin thẻ vào các trang web, ứng dụng là có thể thực hiện giao dịch. Vì thế, nếu nắm được thông tin thẻ, kẻ gian có thể “thay” chủ thẻ mua sắm, thanh toán hóa đơn, dịch vụ… Gần đây nhất, nhiều khách hàng Techcombank báo bị mất hàng chục triệu đồng qua các giao dịch thanh toán trực tuyến, thanh toán qua ví điện tử.

Hiện tại, đa số loại thẻ được phát hành đã mặc định bật chức năng thanh toán trực tuyến. Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó tổng giám đốc Samcombank cho rằng khách hàng có thể chủ động kiểm soát thanh toán trực tuyến để tăng độ bảo mật cho thẻ, không cần phải đến khi nghi ngờ mới thao tác tắt dịch vụ này.

“Phần đông nhà băng đều có chức năng quản lý thẻ trên ứng dụng của mình. Mỗi ứng dụng đều có tính năng và thao tác khác nhau để giúp khách hàng linh hoạt trong vấn đề sử dụng thẻ”, ông nói thêm.

Để kiểm soát dịch vụ thanh toán trực tuyến, người dùng có thể chủ động khóa hẳn dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch. Khi khóa dịch vụ, thẻ ngân hàng chỉ có thể thanh toán trực tiếp tại cửa hàng. Dù kẻ gian có được thông tin thẻ cũng không thể sử dụng tại các trang web, ứng dụng. Nhưng điểm linh hoạt là người dùng có thể tuỳ biến khoá hoặc mở dịch vụ này bất cứ khi nào mình có nhu cầu, phần đông các ngân hàng phát triển mạnh ứng dụng ebanking đều có sẵn tính năng này trên app.

Một cách khác để không cần khoá hẳn chức năng thanh toán online của thẻ là bạn thiết lập một hạn mức giao dịch để kiểm soát số tiền tối đa được phép chi ra cho mỗi lần giao dịch và mỗi ngày. Người dùng có thể tự tính toán số tiền trung bình bản thân thường chi tiêu để đưa ra hạn mức phù hợp. Trong trường hợp bị đánh cắp thông tin tài khoản, số tiền bị mất sẽ ít hơn so với thông thường.

Chủ thẻ có thể tắt dịch vụ thanh toán trực tuyến trên ứng dụng. Ảnh: Tất Đạt

Chủ thẻ có thể tắt dịch vụ thanh toán trực tuyến trên ứng dụng. Ảnh: Tất Đạt

Theo khảo sát của VnExpress, có nhiều phương thức để người dùng khóa dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch trực tuyến.

Thứ nhất, khách hàng có thể gọi lên tổng đài hỗ trợ của mỗi nhà băng để yêu cầu khóa dịch vụ hoặc thay đổi hạn mức giao dịch. Phương pháp khóa dịch vụ thanh toán trực tuyến qua tổng đài được các ngân hàng khuyến khích hàng đầu mỗi khi chủ thẻ phát hiện các giao dịch bất thường xuất hiện.

Thứ hai, khách hàng có thể kiểm soát thanh toán trực tuyến trên trang web Internet Banking hoặc ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng. Chức năng này thường nằm ở phần “dịch vụ thẻ” hoặc “quản lý thẻ”. Màn hình sẽ hiển thị danh sách thẻ đang sử dụng. Khách hàng chọn loại thẻ đang dùng và chọn “khóa/mở thanh toán trực tuyến” để khóa dịch vụ hoặc thực hiện điều chỉnh hạn mức giao dịch. Hệ thống có thể yêu cầu xác nhận bằng mã OTP được gửi về điện thoại để hoàn tất.

Tuy nhiên không phải nhà băng nào cũng trang bị thao tác này trên trang web và ứng dụng. Về việc này, lãnh đạo một nhà băng cho rằng phụ thuộc vào sự quan tâm, mức độ sẵn sàng cung cấp dịch vụ của ngân hàng với các chủ thẻ. Hiện nay, việc phát hành thẻ rất dễ dàng, không còn là lợi thế cạnh tranh giữa các ngân hàng. Vấn đề mấu chốt nằm ở dịch vụ chăm sóc và bảo vệ quyền lợi khách hàng khi sử dụng thẻ.

Thứ ba, khách hàng có thể khóa dịch vụ và điều chỉnh hạn mức giao dịch trực tuyến tại quầy giao dịch của ngân hàng. Cách này thường áp dụng cho những ai không sử dụng Internet Banking hoặc Mobile Banking. Một số nhà băng còn cho phép chủ thẻ bật, tắt dịch vụ này tại các máy rút tiền (ATM), máy nộp tiền (CDM).

Ngoài tự kiểm soát dịch vụ thanh toán trực tuyến, người dùng có thể chủ động tránh thiệt hại khi sử dụng thẻ ngân hàng bằng nhiều cách. Chủ thẻ tuyệt đối không tiết lộ mã bảo mật CVV được in phía sau đối với thẻ thanh toán quốc tế và mã PIN đối với thẻ nội địa. Không cung cấp thông tin tên truy cập và mật khẩu ngân hàng điện tử cho người khác. Quan trọng không kém, người dùng không được tiết lộ mã OTP cho bất kỳ ai khác qua bất kỳ phương tiện nào. Ngoài ra, chỉ truy cập vào các trang web chính thống của ngân hàng và chỉ liên kết tài khoản với đơn vị trung gian uy tín.

Tất Đạt

[ad_2]