[ad_1]
Kongo Gumi được thành lập năm 578 để xây chùa Shitenno-ji – một công trình kiến trúc quốc gia khổng lồ.
Theo Toshio Goto – Giáo sư tại Đại học Kinh tế Nhật Bản, Kongo Gumi được coi là công ty lâu đời nhất Nhật Bản còn hoạt động. Kongo Gumi được thành lập năm 578 để xây chùa Shitenno-ji – một công trình kiến trúc quốc gia khổng lồ, theo lệnh Thái tử Shotoku. Ban đầu, công ty này chỉ là một nhóm 3 thợ mộc được Thái tử mời sang từ Baekje – một vương quốc cổ ở phía tây nam Bán đảo Triều Tiên – để xây đền.
Kongo Gumi tồn tại được lâu nhờ nhiều yếu tố. Sự hiện diện của Shitenno-ji đóng vai trò lớn. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Hidekazu Sone – Giáo sư tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Shizuoka – người chuyên nghiên cứu các công ty lâu đời nhận định: “Có cả lý do liên quan đến kỹ năng và quản trị nữa”.
Về kỹ năng, Kongo Gumi có các nhóm thợ độc lập với kỹ năng riêng biệt. Họ hiện có 8 nhóm, gấp đôi so với thời Đại chiến Thế giới II kết thúc. Các nhóm này cùng đảm nhận một dự án, nhưng cũng cạnh tranh với nhau. Việc này giúp họ cải thiện và chia sẻ kỹ năng tốt hơn. “Duy trì cách thức này trong thời gian dài đã giúp năng lực cốt lõi của Kongo Gumi được cải thiện”, Sone nói.
Kongo Gumi từng là công ty gia đình, nhưng sau đó, họ đã tránh được việc mắc kẹt trong truyền thống thừa kế. Trong thời kỳ Edo (1603 – 1868), công ty này bị đe dọa bởi các nhóm thợ mộc xây chùa khác. Để tồn tại trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt, Kongo Gumi phải chọn các lãnh đạo là những thợ mộc lành nghề và có năng lực lãnh đạo.
Các tài liệu từ thời Edo cho thấy công ty này không chọn con cả của nhà Kongo lên kế nghiệp nếu không có năng lực lãnh đạo. Có nhiều trường hợp, người được chọn làm chỉ huy nhóm thợ mộc bị cách chức sau khi không thể chứng minh năng lực. Còn nếu gia tộc không có con trai, con gái có thể lấy một người có khả năng thành lãnh đạo làm chồng.
Kongo Gumi tồn tại được lâu đến vậy cũng là nhờ biết điều chỉnh theo thời thế. Thay đổi lớn nhất là năm 2006, khi họ được hãng xây dựng Takamatsu mua lại. Chủ tịch Kongo Gumi Kenichi Tone – người được điều sang từ Takamatsu cho biết chìa khóa để tái cấu trúc thành công là “biến Kongo Gumi thành một công ty bình thường”.
Nguồn tiền để xây chùa thường được huy động từ tiền công đức trong rất nhiều năm, có thể kéo dài 5-10 năm. Trong các dự án xây chùa, việc xây dựng bị trì hoãn thường được bỏ qua. Tuy nhiên, Takamatsu không hài lòng với cách công ty này đang vận hành. Việc quản lý chi phí và quy trình gần như là không thể. Kongo Gumi rất tự hào về địa vị của mình và coi doanh thu “sẽ tự nhiên đến” nếu họ làm việc.
Sau khi sáp nhập vào Takamatsu, Kongo Gumi bắt đầu công khai số liệu tài chính cho các nhân viên. Họ cũng chia sẻ kế hoạch xây dựng cho nhân viên và soạn ra các hướng dẫn, quy trình cho quản trị kinh doanh. Các biện pháp cũng được áp dụng để quản trị chi phí nghiêm ngặt. Công ty này còn học tập Takamatsu, chỉ định nhóm quản trị chi phí phụ trách đặt đơn cho các nguyên liệu, như gỗ.
Dù vậy, Takamatsu chưa từng thay đổi cách các thợ thủ công của Kongo Gumi làm việc. Việc xây chùa chiền vẫn chủ yếu được làm bằng tay và theo cách hoàn toàn khác các công trình xây dựng khác. Ví dụ, khi thời tiết xấu kéo dài, các thợ mộc dành nhiều ngày mài sắc cưa và bào. Lúc khác, họ lại dành thời gian hoàn thiện tỉ mỉ các chi tiết nhỏ.
Vì thế, Kongo Gumi luôn duy trì được tay nghề và mối quan hệ với khách hàng. Cái tên của họ cũng là bảo chứng cho kinh nghiệm kéo dài hàng thế kỷ.
Doanh thu hàng năm của công ty này vào khoảng 4 tỷ yen (38 triệu USD). Con số này dao động qua mỗi năm, do các dự án lớn không phải luôn có. Bên cạnh đó, từ năm ngoái, Kongo Gumi đối mặt với tình hình mới và nhiều thách thức do Covid-19 gây ra. Nhiều dự án xây đền và điện thờ bị hoãn lại.
Dù vậy, công ty này đã có lãi và tài chính ổn định khi về với Takamatsu. Họ hiện có khoảng 110 nhân viên, tăng so với 80 khi được mua lại. Lực lượng lao động hiện tại của Kongo Gumi cũng chỉ có một người từ nhà Kongo. Đó là con gái của người đứng đầu gia tộc đời thứ 40.
Dù gia đình Kongo không còn tham gia quản lý công ty, họ vẫn được coi là biểu tượng của Kongo Gumi, nhờ tầm quan trọng với các thợ mộc xây chùa và Shitenno-ji.
Hà Thu (theo Nikkei)
[ad_2]