‘Bức tường khép kín’ trên Internet của Trung Quốc

[ad_1]

Chen Channing, sống tại Thâm Quyến, thường nhận được đường link chứa mã giảm giá của Taobao – nền tảng mua sắm của Alibaba – qua dịch vụ nhắn tin WeChat của Tencent. Anh nhận ra một số mã không thể mở trực tiếp từ WeChat mà phải sao chép rồi dán vào trình duyệt ngoài. “Thực sự bất tiện. Tất cả những gì tôi cần là một tin nhắn trong ứng dụng để mở mọi liên kết. Sao các nhà phát triển lại khiến mọi thứ trở nên khó khăn như vậy?”, Chen nói.

Chen là một trong số một tỷ người dùng Internet ở Trung Quốc đang đối mặt với sự phức tạp khi sử dụng các nền tảng và dịch vụ trực tuyến do các công ty khác nhau nắm giữ. Việc người dùng ứng dụng này không thể liên kết với các dịch vụ của ứng dụng khác được gọi là “bức tường khép kín” trên Internet của Trung Quốc.

Trước đây, chính quyền Bắc Kinh dùng biện pháp này như một lá chắn bảo vệ các công ty trong nước khỏi sự cạnh tranh của các hãng công nghệ quốc tế như Google, Facebook. Tuy nhiên, các công ty lớn như Tencent, Alibaba cũng dùng “bức tường khép kín” để ngăn người dùng đến với dịch vụ của đối thủ, hình thành các hệ sinh thái độc quyền.

Wei Shilin, đối tác cấp cao của công ty luật Dentons, cho rằng sự độc quyền làm tăng chi phí giao dịch và về lâu dài sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ngành thương mại điện tử.

Một người dùng quét mã WeChat Pay để thanh toán. Ảnh: Reuters

Một người dùng quét mã WeChat Pay để thanh toán. Ảnh: Reuters

Năm nay, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu ra quy định mới với các ông lớn công nghệ nhằm loại bỏ hoạt động độc quyền, tăng cường bảo mật dữ liệu cá nhân và tăng tính cạnh tranh trên không gian mạng. Cụ thể, các công ty Internet phải thay đổi thuật toán để người dùng có thể truy cập liên kết bên ngoài từ ứng dụng.

Những doanh nghiệp lớn như Tencent, Alibaba và ByteDance đều cam kết tuân thủ. Ví dụ, trước đây, Alibaba chỉ cho phép người dùng Taobao thanh toán bằng Alipay thuộc sở hữu của công ty. Gần đây, họ chấp thuận cả WeChat Pay, dịch vụ do Tencent cung cấp. Tuy nhiên, WeChat vẫn chặn các liên kết mua sắm dẫn đến Taobao ngay trước khi Ngày độc thân bắt đầu.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng quy định trong việc phá vỡ các bức tường vẫn chưa rõ ràng, như các nền tảng nên mở rộng liên kết với ai và mở rộng đến mức độ nào.

Theo SMPC, các công ty công nghệ đang tìm cách đáp ứng yêu cầu của chính phủ, đồng thời vẫn giúp nền tảng của mình ổn định. “WeChat có lượng người dùng lớn và lưu lượng truy cập khổng lồ, nhưng Tencent có thể không sẵn sàng chia sẻ với Alibaba. Ai cũng muốn ăn miếng lớn, nhưng rốt cuộc sự cân bằng mới mang về lợi ích cao nhất”, Wei Shilin nhận định.

Nhiều ứng dụng của Alibaba vẫn còn phải chờ Tencent phê duyệt để có thể đưa WeChat Pay vào mục cách thức thanh toán. Chủ tịch Martin Lau của Tencent cho biết việc mở cửa sẽ nảy sinh vấn đề như thư rác, vi phạm bản quyền nội dung… “Chúng tôi thấy những vấn đề này rất phức tạp, cần được thảo luận và giải quyết theo thời gian. Đây không phải ưu tiên quan trọng trong định hướng phát triển của công ty”, ông Lau nói.

Ngược lại, Alibaba tin kết nối và sự cởi mở là nền tảng của hệ sinh thái điện tử lành mạnh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra điểm chung với các đồng nghiệp trên nền tảng thanh toán điện tử để phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc tốt hơn”, người phát ngôn của Alibaba cho biết.

Michael Norris, Giám đốc nghiên cứu tại AgencyChina, cho biết việc Tencent do dự trong liên kết với Alibaba là do công ty này muốn bảo vệ nền tảng Pinduoduou – đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Taobao. Trái lại, Alibaba lại muốn có lượng người dùng lớn từ WeChat và ứng dụng này là môi trường giao dịch tiềm năng.

“Bức tường khép kín” không chỉ có ở Trung Quốc, Apple là công ty tiêu biểu với hệ sinh thái đóng. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo nhà chức trách cũng cần cẩn thận vì việc phá bỏ có thể lại tạo ra vấn đề độc quyền mới. Ví dụ, khi người dùng không cần chuyển đổi qua lại giữa Alipay và WeChatPay, họ có thể chỉ chọn dùng một ứng dụng duy nhất.

“WeChat Pay hoạt động tốt hơn khi ngoại tuyến, trong khi Alipay thống trị phân khúc trực tuyến. Nếu không có bức tường nào ngăn cách, nhiều người tiêu dùng sẽ chỉ dùng một hệ sinh thái duy nhất để làm mọi việc”, Ivan Platonov, Giám đốc nghiên cứu tại EqualOcean, cảnh báo.

[ad_2]