Bà Suu Kyi bị tuyên án 4 năm tù

[ad_1]

Cựu cố vấn nhà nước Myanmar Suu Kyi bị tuyên án 4 năm tù vì kích động bất đồng chính kiến ​​chống quân đội và vi phạm quy định phòng Covid-19.

Bà Aung San Suu Kyi, 76 tuổi, “bị kết án hai năm tù theo điều 505 (b) và hai năm tù theo luật thiên tai”, phát ngôn viên chính quyền quân đội Zaw Min Tun hôm nay cho biết.

Cựu tổng thống Win Myint cũng bị tuyên án 4 năm tù với tội danh tương tự. Zaw Min Tun cho biết hai người chưa bị đưa đến nhà tù.

“Họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc khác từ những nơi họ đang ở” tại thủ đô Naypyidaw, Zaw Min Tun nói, song không cung cấp thêm chi tiết.

Bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar năm 2017. Ảnh: Reuters.

Bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar năm 2017. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 10, U Win Htein, từng được mệnh danh là “cánh tay phải” của bà Suu Kyi, bị kết án 20 năm tù vì tội phản quốc. Ông là cựu nghị sĩ quốc hội đầu tiên thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi bị giới chức Myanmar kết án. Người đàn ông 80 tuổi này từng là một tù nhân chính trị bị kết án nhiều lần khi vận động phản đối quân đội Myanmar kiểm soát quyền lực.

Quân đội Myanmar tiến hành đảo chính hồi tháng 2 sau khi cáo buộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và bà Suu Kyi gian lận bầu cử tháng 11/2020. Kể từ đó, Suu Kyi bị quản thúc tại nhà. Những lần trình diện trước tòa án đặc biệt tại thủ đô Naypyidaw là cơ hội duy nhất để cựu lãnh đạo Myanmar kết nối với thế giới bên ngoài.

Khoảng 10 người sống trong căn nhà nơi bà Suu Kyi bị quản thúc, gồm cả bảo vệ và đầu bếp. Bà đã được tiêm vaccine Covid-19 hồi tháng 7.

Ngoài những cáo buộc nhập khẩu và sở hữu bộ đàm bất hợp pháp, vi phạm quy định phòng Covid-19, bà còn bị nghi nhận hối lộ và vi phạm đạo luật bí mật nhà nước, tội danh có thể bị kết án 14 năm tù. Các luật sư của bà Suu Kyi bác bỏ tất cả cáo buộc.

Nếu bị kết tội trong mọi cáo buộc, bà Suu Kyi sẽ phải đối mặt hàng chục năm tù.

Một nguồn tin cho biết Suu Kyi ngày 26/10 ra điều trần trước tòa án đặc biệt do chính quyền quân sự tổ chức ở thủ đô Naypyidaw, nhưng truyền thông không được tham dự. Chính quyền quân sự Myanmar cũng yêu cầu đội ngũ pháp lý của Suu Kyi không cung cấp thông tin cho truyền thông.

Theo chính quyền quân sự Myanmar, hơn 70 quân nhân và 93 cảnh sát nước này đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ sau đảo chính. Trong khi đó, một nhóm quan sát địa phương nói rằng hơn 1.300 người dân ở Myanmar đã thiệt mạng và hơn 10.000 người bị bắt hậu đảo chính.

Huyền Lê (Theo AFP)

[ad_2]