‘Áp lực khiến tôi nhiều đêm không ngủ’

[ad_1]


Dịch leo thang, ca tử vong tăng cao. Quyết định giãn cách 19 tỉnh, thành, điều quân vào Nam… là những thời khắc được Bộ trưởng Y tế
Nguyễn Thanh Long nhìn nhận “áp lực nhất”, trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress.

– Với tư cách là Bộ trưởng Y tế, ông nhận định Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ dịch bệnh thế giới?

– Để biết Việt Nam ở đâu trên bản đồ dịch bệnh thế giới, một trong những chỉ số đánh giá là tỷ lệ mắc và tử vong trên một triệu dân. Về tỷ lệ
mắc, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia, vùng lãnh thổ; tỷ lệ tử vong đứng thứ 133/223.

Về năng lực chống dịch, khó có thể so sánh giữa các nước và vùng lãnh thổ vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Đợt dịch thứ tư, số ca nhiễm tăng cao
trong thời gian ngắn. Năng lực ứng phó ban đầu của một số tỉnh thành, trong đó có TP HCM gặp khó khăn, nhưng sau đó đã được cải thiện. Số phòng
xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, năng lực lấy mẫu, cách ly đều tăng nhanh. Mô hình tháp điều trị 3 tầng được triển khai ở tất cả tỉnh thành có
dịch; trung tâm hồi sức tích cực (ICU) được thiết lập ở nhiều nơi.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Phạm Chiểu

– Nhìn lại 5 tháng đợt dịch thứ tư, thời điểm nào khiến ông áp lực nhất?

Áp lực lớn nhất khiến tôi nhiều đêm trăn trở không thể ngủ là khi số ca bệnh tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng nhanh. Có thời điểm,
ca tử vong lên đến 300-400 mỗi ngày, thực sự là áp lực vô cùng lớn, không chỉ với tôi mà với cả lãnh đạo Chính phủ. Chúng tôi đưa ra mục tiêu tối
thượng ở thời điểm đó là phải cố gắng giảm được ca tử vong ở TP HCM cũng như một số địa phương.

Thứ hai là phải đưa ra hoặc tham mưu những quyết định trong thời khắc cực kỳ khó khăn. Đó là việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại
19 tỉnh, thành phố phía Nam. Địa bàn rộng lớn như vậy sẽ kéo theo nhiều vấn đề về y tế, an ninh, an toàn, trật tự xã hội, an sinh xã hội. Quyết
định này đòi hỏi Chính phủ phải thảo luận nhiều.

Ngay cả việc chúng ta áp dụng các biện pháp tương đương với tình trạng khẩn cấp, quyết định điều quân. Đây đều là những quyết định “cân não”
với lãnh đạo Chính phủ. Với tư cách là cơ quan tham mưu, chúng tôi phải nêu những biện pháp mà khi áp dụng phải có hiệu quả.

Áp lực thứ ba là trong thời gian ngắn, ca nhiễm tăng nhanh dẫn đến quá tải cục bộ hệ thống y tế. Chúng tôi phải chạy đua với tốc độ lây lan
của dịch. Tôi ví dụ, việc thiết lập ICU, không thể nói hôm nay, ngày mai làm được ngay mà phải mất hàng chục ngày. Hoặc việc điều lực lượng lớn
quân đội, công an vào TP HCM cũng có ý kiến trái chiều. Đầu tháng 7/2021, Bộ điều động 10.000 cán bộ y tế vào Nam cũng ít người tin hoặc nói
không cần thiết. Nhưng chúng tôi vẫn tiến hành và thực tế đã điều động nhiều hơn rất nhiều, đến gần 25.000 chuyên gia, cán bộ, y bác sĩ.

Khi cán bộ y tế đến nơi, bài toán tiếp theo là làm sao để họ vận hành bệnh viện điều trị Covid-19, các ICU. Các bệnh viện lớn như Bạch Mai,
Việt Đức đều có những ICU lớn, nhưng so với các ICU quy mô 300-500 giường tại TP HCM thì không thấm vào đâu. Cần tính toán làm sao để đội ngũ y
tế chi viện phối hợp với địa phương thuận tiện, đảm bảo đời sống, phòng tránh lây nhiễm cho họ…

Công tác chống dịch không có thời gian tĩnh, không có phút giây ngơi nghỉ. Sau này, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao quyết định thế này mà lại
không phải thế kia. Chúng ta chống dịch như chống giặc, phải quyết định rất nhanh, không có thời gian để chiêm nghiệm. Phải vừa làm vừa bám sát
thực tiễn để điều chỉnh.

Đến nay, chúng ta đã đạt được những thành quả chống dịch quan trọng. Tôi cho rằng các chủ trương, chiến lược chống dịch của Việt Nam thời gian
qua đúng đắn.

Phỏng vấn Bộ trưởng Y tế

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ về những thời khắc quyết định. Video: Phạm Chiểu

– Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhận
định
công tác phòng chống dịch có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và một số tỉnh
phía Nam; triển khai biện pháp chống dịch còn thiếu nhất quán; năng lực y tế còn hạn chế dẫn đến quá tải và số ca tử vong cao…, ông nói gì về
điều này?

– Đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, quy mô, mức độ ảnh hưởng rất lớn. Biện pháp chống dịch vì vậy thay đổi liên tục, vừa làm vừa rút
kinh nghiệm, cái gì hiệu quả thì áp dụng.

Vấn đề chỉ đạo, điều hành về cơ bản tương đối đồng bộ và thống nhất, tuy nhiên một số nơi còn khác nhau, nhất là về giao thông, đi lại của
người dân. Báo cáo Trung ương, chúng tôi nhìn nhận thẳng thắn vấn đề như: Chưa đánh giá hết tác động đối với người dân, chưa chuẩn bị kịch bản,
chưa làm tốt công tác truyền thông… Khi Nghị quyết về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Nghị quyết 128) của
Chính phủ được ban hành, về cơ bản các tỉnh, thành đã áp dụng đồng bộ, thống nhất.

Chúng tôi cũng nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém của ngành y tế. Hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam trong những năm qua luôn được quốc tế
đánh giá cao. Nhưng khi dịch bệnh lây lan nhanh, ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn thì gặp khó khăn. Năng lực tiếp nhận bệnh nhân, nhất là
ca nặng, nguy kịch trong thời gian ngắn không thể đáp ứng được. Các nước có hệ thống y tế tốt như Mỹ, Nhật… cũng quá tải.

– Có ý kiến đánh giá năm 2020 Việt Nam thành công trong chống dịch nên đã chủ quan, không tiếp cận sớm việc mua vaccine, ông nghĩ
sao?

– Tôi cho rằng chúng ta không chậm trong việc tiếp cận vaccine, nhưng việc mua chậm vì nhiều lý do. Tháng 9/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận
với Cơ chế Covax về cung ứng vaccine; hai tháng sau, có thỏa thận với Astra Zeneca. Tuy nhiên, đầu năm 2021 do nhiều nước khan hiếm vaccine nên
thời điểm nhập được không đúng thời hạn như cam kết. Sau này, với nhiều động thái quyết liệt cùng với chiến lược ngoại giao vaccine, Việt Nam đã
tiếp cận nhanh hơn, hiện đã có số lượng đảm bảo cho người dân.

– Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 sẽ bao phủ vaccine cho 70-80% dân số, nhưng hiện nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vẫn thấp. Làm thế
nào để hoàn thành mục tiêu trên?

– Vừa qua Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine rất đồng bộ, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ
chức tiêm chủng… Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 195 triệu liều. Chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ đưa
vaccine về trong cuối năm nay.

Bộ đã phân bổ hơn 100 triệu liều cho các đơn vị, địa phương. Tốc độ tiêm chủng cả nước ngày cao điểm đến 2 triệu mũi. Trên 10 tỉnh, thành đã
đạt tỷ lệ hơn 95% dân số được tiêm ít nhất một mũi. TP HCM và một số tỉnh phía Nam, có tỷ lệ tiêm mũi hai rất cao. Bộ Y tế liên tục đốc thúc địa
phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Quân đội và các lực lượng khác đang tham gia chiến dịch tiêm chủng. Vì vậy, tôi tin cả nước có thể thực hiện
được mục tiêu nêu trên.

– Vậy còn việc tiêm mũi tăng cường, nếu theo đuổi chiến lược công bằng vaccine, ưu tiên độ phủ có thể bỏ qua thời điểm tiêm nhắc lại để duy
trì kháng thể cho người đã tiêm. Bộ Y tế tính toán thế nào?

– Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh các địa phương phải ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Trong kế hoạch của năm tới, Bộ Y tế
cũng tính tới việc tiêm mũi tăng cường cho người bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch… Việc tiêm tăng cường dựa trên khuyến
cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm của các nước.

Nguồn cung vaccine trong năm 2022 cơ bản được đảm bảo đủ. Ngoài nguồn nhập khẩu, Việt Nam sẽ có thêm nguồn sản xuất trong nước. Hiện Việt Nam
có hai ứng viên là Nanocovax của Công ty Nanogen (đang thử nghiệm giai đoạn 3) và Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (đang thử
nghiệm giai đoạn 2).

Ứng viên vaccine ARCT-154 với công nghệ mRNA, chuyển giao từ Mỹ cũng đang thử nghiệm giai đoạn 3. Việt Nam phối hợp đóng ống vaccine Sputnik V
của Nga. Ngoài ra, Bộ Y tế đang phối hợp với Cuba, Nhật Bản, Tây Ban Nha… để thử nghiệm vaccine giai đoạn ba tại Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng trong quý II năm 2022 hoặc sớm hơn, Việt Nam có thể sử dụng được vaccine sản xuất trong nước.

– Bài học về nguồn cung vaccine để lại kinh nghiệm gì cho việc tiếp cận thuốc điều trị Covid-19?

– Về thuốc điều trị, hiện có khoảng 46-50 hoạt chất điều trị Covid-19, cơ bản Việt Nam đã chủ động sản xuất trong nước khoảng 70%, còn một số
bắt buộc nhập khẩu, vì có mặt hàng chỉ một hoặc hai hãng sản xuất.

Riêng thuốc điều trị đặc hiệu Molnupiravir, từ tháng 8 chúng tôi đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, 3 và đưa vào điều trị có kiểm soát. Đến
nay, kết quả khá tốt. Bệnh nhân sau 3-5 ngày dùng thuốc đã giảm nhanh nồng độ virus, từ đó giảm lây nhiễm. Thuốc giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển
nặng nên nhập viện rất ít, không có người tử vong. Đây là kết quả rất đáng mừng. Bộ Y tế cấp phép cho 39 doanh nghiệp nhập nguyên liệu và chủ
động về thuốc. Những thuốc khác như Remdesivir điều trị bệnh nhân nặng hiện đã nhập với số lượng lớn, đảm bảo đủ cho điều trị.Tôi khẳng định Việt
Nam không thiếu thuốc điều trị Covid-19 cho bất kỳ tình huống dịch bệnh nào.

– Quá trình triển khai các biện pháp phòng dịch, một số nơi đã lợi dụng chủ trương xét nghiệm diện rộng để tăng giá kit. Là Bộ trưởng, ông
xử lý vấn đề này như nào?

– Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, bắt buộc xét nghiệm mới phát hiện được bệnh. Có thời điểm, các địa phương xét nghiệm diện rộng trong thời
gian ngắn, sau đó thu hẹp địa bàn.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra loạt biện pháp giảm giá kit xét nghiệm, như tăng nhanh cấp phép các bộ kit mới để cạnh tranh. Hiện có 131
trang thiết bị phục vụ xét nghiệm được cấp phép. Bộ đã có văn bản đề nghị tất cả doanh nghiệp hạ giá.

Bộ đang đưa danh mục trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm vào quản lý, kê khai giá, gồm giá nhập khẩu, dụng cụ vật tư tiêu hao đi kèm, phí bảo
trì bảo dưỡng và giá bán cuối cùng để đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Chúng tôi cũng liên thông với cơ quan thuế để kiểm soát giá sinh phẩm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào mặt hàng bình ổn giá, thúc
đẩy sản xuất kit trong nước để đảm bảo nguồn cung, giảm giá thành sản phẩm, góp phần minh bạch chuyện này. Thông tư về chi phí xét nghiệm sẽ sớm
được ban hành trong thời gian tới.

– Quan điểm của Bộ trưởng về chính sách cho cơ sở y tế tư nhân điều trị Covid-19 và tiêm vaccine có thu phí?

– Lực lượng y tế tư nhân được huy động rất sớm tham gia chống dịch. Tháng 7/2021, khi vào TP HCM, chúng tôi đã gặp lãnh đạo tất cả bệnh viện
tư nhân trên địa bàn để kêu gọi tham gia chăm sóc, điều trị F0, tiêm chủng… Bệnh viện Quốc tế City đã dành cho chúng tôi 250 giường để thiết
lập Trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM… Nhiều bệnh viện tư nhân dành một nửa số giường để điều trị Covid-19. Tôi
rất cảm ơn vì sự hợp tác này.

Tuy nhiên, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bệnh nhân được bảo hiểm y tế hoặc nhà nước chi
trả toàn bộ phí điều trị.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị dịch vụ Covid-19, người dân sẽ có
thêm lựa chọn.

– Điều khiến ông lo lắng nhất trong nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh
lúc này là gì?

– Vấn đề tôi lo lắng nhất là có thể xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo có thể có biến chủng kháng lại
vaccine, thoát khỏi hiệu quả bảo vệ của vaccine, của thuốc điều trị. Tương lai có thể xuất hiện thêm những đại dịch mới mà chúng ta không biết
trước. Trước đây mấy chục năm mới có một đại dịch, bây giờ khoảng cách giữa hai đại dịch đã rút ngắn. Tuy nhiên, với những bài học lớn chúng ta
thu nhận được trong giai đoạn vừa qua cũng như tăng cường khả năng nội lực từ hệ thống cơ sở, tôi tin chúng ta có thể ứng phó các đợt bùng phát
dịch bệnh tương tự như đợt thứ tư này.

– Qua hai năm với bốn đợt bùng phát dịch bệnh, có nhiều bài học được rút ra. Nếu nói về ba bài học quan trọng, theo ông đó là gì?

Bài học thứ nhất là có sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Tôi rất cảm động và cảm ơn vì mỗi người dân đã
phát huy trách nhiệm của mình, chung sức cùng các cấp chính quyền phòng chống dịch.

Bài học thứ hai, nguyên tắc chống dịch không thay đổi, nhưng luôn luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp thực tiễn, với từng hoàn cảnh, diễn
biến của dịch. Có thời điểm cần chú trọng giám sát, phát hiện ca nhiễm để khoanh vùng, cách ly kịp thời; có lúc tập trung cao độ điều trị để giảm
tử vong.

Trong chuyên môn có mấy vấn đề, trước hết là kinh nghiệm thiết lập hệ thống y tế khác rất nhiều với hệ thống đã vận hành trước đó. Khi số ca
nhiễm tăng nhanh tại TP HCM, Bộ Y tế đưa ra mô hình tháp điều trị ba tầng nhằm đảm bảo tất cả bệnh nhân đều được tiếp cận y tế. Các trung tâm ICU
ở TP HCM, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai, Cần Thơ… cũng được thiết lập trong thời gian ngắn để cố gắng giảm số ca tử vong. Nhiều giáo
sư, bác sĩ đầu ngành đã vào miền Nam.

Các trạm y tế lưu động là giải pháp đột phá, cùng với tháp điều trị ba tầng và hệ thống ICU đã góp phần giảm ca tử vong. Nhiều nhà khoa học
đánh giá các biện pháp này giúp Việt Nam tránh được hàng chục nghìn ca tử vong.

Tổng quan đợt dịch thứ tư

Đợt dịch thứ tư đã được kiểm soát thế nào?

Mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa được tăng cường đến tất cả tuyến. TP HCM lập mô hình bệnh viện “chị-em”, vừa để hỗ trợ chuyên môn, vừa giúp chuyển tuyến kịp thời. Những thuốc điều trị trước đây chỉ dùng với bệnh nhân nặng thì lần này dùng ngay cho bệnh nhân nhẹ và trung bình; rồi những thuốc bấy lâu chỉ dùng trong bệnh viện như kháng đông, kháng viêm, kháng virus… dưới sự chỉ định của thầy thuốc và có sự theo dõi, được áp dụng điều trị tại nhà. Việc cách ly F1, F0 tại nhà thực hiện linh hoạt…

Bài học thứ ba là huy động lực lượng. Trong hơn 5 tháng, cả nước huy động gần 300.000 lượt cán bộ, trong đó có 25.000 lượt giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế nhiều bệnh viện, nhiều địa phương vào hỗ trợ chống dịch tại phía Nam. Tương tự, khi Hà Nội tăng tốc xét nghiệm và tiêm vaccine, Chính phủ đã điều động nhân lực nhiều tỉnh lân cận.

Tình hình dịch hiện còn diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã chuẩn bị các kịch bản để hình thành cách ứng phó đại dịch.

Viết Tuân – Lê Nga thực hiện

[ad_2]