Anh bùng tranh cãi về miễn dịch cộng đồng

[ad_1]

Giáo sư Ferguson cho rằng số ca nhiễm lớn sau khi “sổ lồng” giúp Anh sắp đạt miễn dịch cộng đồng, song các chuyên gia khác phản đối quyết liệt.

Sau khi Thủ tướng Boris Johnson hồi tháng 7 thông báo “Ngày Tự do”, dỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19, Anh chuyển sang trạng thái bình thường mới khi người dân thoái mái tụ tập, đi lại mà không đeo khẩu trang hay duy trì giãn cách.

4 tháng sau, Anh ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm mỗi ngày và 1.000 ca tử vong mỗi tuần.

Nhưng theo Neil Ferguson, giáo sư Đại học Hoàng gia Londone, một trong những cố vấn khoa học có ảnh hưởng nhất của chính phủ, những con số nghiệt ngã đó đã giúp Anh “gần như đạt miễn dịch cộng đồng”.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Hoàng gia London di chuyển một bệnh nhân Covid-19 hồi đầu năm. Ảnh: NY Times.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Hoàng gia London di chuyển một bệnh nhân Covid-19 hồi đầu năm. Ảnh: NY Times.

Tuyên bố này đang thổi bùng tranh cãi, bởi miễn dịch cộng đồng là một trạng thái rất khó đạt được và nếu quá vội vàng tuyên bố, nó có thể gây ra tâm lý chủ quan trong người dân, khiến Anh không kịp trở tay trước sóng Covid-19 mới đang càn quét khắp châu Âu.

Ferguson là chuyên gia dịch tễ hàng đầu từng đưa ra những dự báo có ảnh hưởng lớn đến các quyết sách của chính phủ trong ứng phó Covid-19. Nhận định mới nhất về miễn dịch cộng đồng mà ông đưa ra có khả năng châm ngòi cho làn sóng tranh luận mới về “ván cược” của Anh khi chấp nhận để virus lây lan rộng rãi như là cái giá để cứu nền kinh tế đất nước.

Đây cũng là một vấn đề nhạy cảm tại Anh kể từ khi nó lần đầu được Patrick Vallance, cố vấn khoa học cho chính phủ, đề cập vào tháng ba năm ngoái. Lúc đó, Covid-19 mới bùng lên ở Anh và chia sẻ của Vallance về những lợi ích mà miễn dịch cộng đồng mang lại đã gây ra phản ứng dữ dội đến mức kể từ đó, chính phủ Anh đã bác bỏ mọi tuyên bố cho rằng họ đang theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng.

Nhưng giáo sư Ferguson tiếp tục khơi dậy ngọn lửa tranh cãi này, khi cho rằng kể từ khi “sổ lồng” hồi tháng 7, rất nhiều người Anh đã nhiễm virus, giúp tăng khả năng miễn dịch tự nhiên cho toàn bộ dân số, qua đó gần đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Ông cũng cho rằng điều này giúp Anh có vị thế tốt hơn so với các quốc gia châu Âu như Áo, Hà Lan hay Đức, nơi các hạn chế đang được tái áp đặt trong bối cảnh số ca nhiễm tăng vọt.

Song các chuyên gia y tế công cộng khác lại nghi ngờ giả thuyết trên, đặc biệt là bởi tỷ lệ lây nhiễm cao tại Anh cho thấy vẫn còn một lượng lớn người có ít hoặc không có khả năng miễn dịch. Họ cho rằng giả thuyết ông đặt ra cũng không tính đến những yếu tố khác, như các biến chủng mới hoặc khả năng bảo vệ của vaccine đang suy yếu.

“Đó là một tuyên bố liều lĩnh”, Devi Sridhar, chủ nhiệm chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, nhận xét. “Tôi nghĩ các nhà lập mô hình chưa có đủ dữ liệu để đánh giá liệu chúng ta đã đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng thần kỳ hay chưa. Với Covid-19, đó sẽ là khi tất cả mọi người được tiêm vaccine chống lại nó, hoặc nhiễm và bình phục hay chết vì nó”.

Theo Mayo Clinic, trung tâm học thuật y tế có trụ sở tại Mỹ, một cộng đồng đạt được khả năng miễn dịch “khi phần lớn cộng đồng đó có miễn dịch với một loại bệnh, làm cho bệnh khó lây truyền từ người này sang người khác. Kết quả là cả cộng đồng được bảo vệ, không phải chỉ riêng những người được miễn dịch”.

Với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, giáo sư Sridhar cho rằng Anh có thể sẽ đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng sau mùa đông, nhưng điều này phụ thuộc vào cả độ phủ vaccine lẫn miễn dịch tự nhiên.

Điều khiến Sridhar lo lắng là liệu hệ thống y tế Anh có đủ khả năng chống đỡ trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm nay đến tháng hai năm sau hay không, khi thời tiết lạnh giá sẽ làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp, cả Covid-19 lẫn cúm mùa.

Người chen chúc trên một chuyến tàu điện ngầm ở thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP.

Người dân chen chúc trên một chuyến tàu điện ngầm ở thủ đô London, Anh sau khi “sổ lồng” hồi tháng 7. Ảnh: AFP.

Dù chính phủ Anh liên tục phủ nhận họ theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng, tâm lý hoài nghi vẫn tồn tại, nhất là khi Thủ tướng Johnson dỡ bỏ tất cả các hạn chế ở Anh vào ngày 19/7. Tại thời điểm đó, Scotland, Wales và Bắc Ireland vẫn duy trì một số hạn chế phòng dịch.

Giới chức y tế lúc bấy giờ lập luận rằng sẽ tốt hơn nếu ca nhiễm tăng trong những tháng mùa hè thay vì vào mùa đông, khi virus có xu hướng lây lan dễ dàng hơn và các bệnh viện phải chịu áp lực lớn hơn.

Trong số các nhà khoa học Anh nghiên cứu về Covid-19, giáo sư Ferguson nổi bật hơn cả. Vào tháng 3/2020, nhóm lập mô hình dịch của ông đã cảnh báo tình trạng virus lây lan không kiểm soát có thể khiến 510.000 người chết tại Anh và lên đến 2,2 triệu người tại Mỹ.

Dự đoán này của ông khiến cả Anh và Mỹ phải nhanh chóng áp đặt các biện pháp phong tỏa, hạn chế. Mỹ hiện ghi nhận hơn 800.000 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số người chết tại Anh là hơn 144.000.

Được báo chí Anh đặt biệt danh là “giáo sư phong tỏa”, Ferguson thôi làm cố vấn chính phủ hồi tháng 5/2020, sau khi ông thừa nhận đã tiếp một phụ nữ trong nhà mình, vi phạm các quy tắc chống dịch thời kỳ đó. Dù vậy, quan điểm ông đưa ra vẫn có sức nặng và Ferguson sau đó trở thành thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (SAGE) của chính quyền.

Lần này, Ferguson đưa ra thông điệp ít bi quan hơn: Tỷ lệ miễn dịch tăng cao đồng nghĩa Anh hiện tại không cần thêm các hạn chế nào nữa, ngay cả khi số ca nhiễm tăng lên một chút.

Ferguson lưu ý quyết định dỡ bỏ những hạn chế ở Anh được thúc đẩy bởi quyết tâm của các chính trị gia nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường, chứ không phải bởi mục tiêu để virus lây lan tự do nhằm xây dựng miễn dịch cộng đồng.

Nhưng ở một mức độ nào đó, khác biệt thực sự không quá rõ ràng. Số ca nhiễm mới được báo cáo ở Anh kể từ tháng 7 đến nay là khoảng 5 triệu, bằng hơn một nửa tổng số ca ghi nhận kể từ khi đại dịch mới bùng phát. Theo giáo sư Ferguson, con số này tương đương 7,5% dân số và có thể tăng gấp đôi nếu bao gồm cả những người không xuất hiện triệu chứng.

Ông cho hay tốc độ lây lan nhanh của virus đã tăng cường khả năng miễn dịch ở những người trẻ tuổi và thanh thiếu niên chưa được tiêm vaccine, cũng như ở cả người đã tiêm. Kết hợp với chiến dịch tiêm chủng hiệu quả và triển khai mũi tăng cường, mức độ miễn dịch cao đã giữ cho số ca bệnh tương đối ổn định. Tất nhiên, cách tiếp cận của Anh cũng có “cái giá đi kèm”. Số ca tử vong mỗi ngày tại nước này tiếp tục vượt qua các quốc gia láng giềng.

Dù vậy, với những người hoài nghi, vẫn còn quá nhiều yếu tố chưa chắc chắn để có thể kết luận rằng đại dịch đang suy yếu ở Anh. “Chúng ta chưa thực sự hiểu Covid-19 và những biến thể mới của nó”, Tim Spector, giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học Hoàng gia London, nói.

Những dự đoán trước đây về khả năng miễn dịch cộng đồng đã được chứng minh là sai lầm và các giả định về điều kiện tiên quyết cho miễn dịch cộng đồng đang tiếp tục được điều chỉnh lại, ông lưu ý. Vào năm 2020, các nhà khoa học cho rằng một quốc gia có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nếu khoảng 60% dân số của họ đạt miễn dịch. Gần đây hơn, các nhà khoa học đã sửa đổi tỷ lệ này thành 85%, thậm chí cao hơn.

Một sinh viên ở London được tiêm vaccine Covid-19 hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Một sinh viên ở London được tiêm vaccine Covid-19 hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Các mô hình dịch tễ học cũng không tính đến khả năng miễn dịch suy giảm, kể cả thông qua vaccine hay miễn dịch tự nhiên. “Vaccine có tác dụng một phần. Nhưng tùy thuộc từng cá thể, chúng cũng bị suy yếu ở những mức độ khác nhau. Khi khả năng miễn dịch suy yếu, đây có thể là một trận chiến bất phân thắng bại với virus”, giáo sư Spector đánh giá.

Những tranh luận về miễn dịch cộng đồng đã vượt ra khỏi lĩnh vực học thuật. Theo Spector, nó giờ đây có khả năng trở thành cái cớ để chính phủ Anh “vẽ nên bức tranh màu hồng” về đại dịch. “Bạn có thể thấy các bộ trưởng nói rằng 40.000 ca nhiễm một ngày là một thành công”, ông cho hay.

Đằng sau cuộc tranh luận về khả năng miễn dịch cộng đồng là một câu hỏi cốt lõi hơn, rằng liệu chính phủ Anh có đưa ra quyết định đúng đắn hay không khi “thả cửa” đất nước hồi mùa hè, khi virus vẫn lây lan rộng trong cộng đồng.

“Chúng ta hành động như thể tình hình ở châu Âu đang tồi tệ hơn rất nhiều, nhưng chính Anh lại là nước đã chấp nhận số người chết và tỷ lệ lây nhiễm cao hơn trong suốt thời gian dài”, giáo sư Sridhar nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo NY Times)

[ad_2]