Trong khuôn khổ Diễn đàn giao lưu Kinh tế – Văn hóa toàn cầu năm 2022 vừa khép lại tại Malaysia, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi thăm và làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Maylaysia. Tại buổi gặp gỡ này, Tham tán Lê Phú Cường cho biết: “Malaysia là một nước trong ASEAN rất gần với Việt Nam về khoảng cách địa lý cũng như gần gũi về kinh tế – xã hội và văn hóa. Malaysia cần được doanh nghiệp Việt nhìn thấy là một trong những thị trường trọng tâm và đầy tiềm năng”
Diễn đàn giao lưu Kinh tế – Văn hóa toàn cầu năm 2022 (Intercontinental Economy – Cultural Forum in Malaysia 2022 ) do CLB Intercontinental Business Associate – IBA với Chủ tịch CLB Bà Võ Thị Thanh Hà trực thuộc Keva Link quản lý phối hợp cùng Hiệp hội World Chinese Qipao Alliance – WCQA tổ chức. Sự kiện được các tổ chức, Hiệp Hội của các nước trên toàn cầu hỗ trợ và đặc biệt được cơ quan chính phủ của nước sở tại Malaysia bảo trợ, đồng hành.
IBA 2022 được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động giao thương và hợp tác phát triển kinh doanh giữa các cá nhân cùng doanh nghiệp trên toàn cầu. Một hoạt động quan trọng của diễn đàn là buổi gặp gỡ giữa đoàn doanh nghiệp Việt Nam với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia để trao đổi, tìm hiểu thông tin về thị trường Malaysia.
Tại buổi gặp gỡ này, Tham tán Lê Phú Cường – Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết: “Thương vụ Việt Nam tại Malaysia rất vui mừng khi đón đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến làm việc và tìm hiểu về cơ hội xuất khẩu và thị trường Malaysia. Với vai trò, trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường này. Malaysia là một nước trong ASEAN rất gần với Việt Nam về khoảng cách địa lý cũng như gần gũi về kinh tế – xã hội và văn hóa. Trọng tâm là hiện nay cả hai nước đều đang hướng tới một cộng đồng kinh tế của vùng kinh tế Asean vững mạnh, đoàn kết. Tôi rất hi vọng là các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận Malaysia là một trong những thị trường trọng tâm. Một điểm đáng lưu ý cho doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm vào đây thì cũng là cần phải đáp ứng các yêu cầu của chứng chỉ Halal. Chứng nhận Halal là một loại chứng chỉ xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của Kinh Qua’ran và luật Shariah (Luật của người Hồi Giáo). Bởi, Malaysia là nước có khoảng 32 triệu dân trong đó 60% là người Malaysia 30% là người gốc Trung Hoa và 10% là người gốc Ấn. Hầu hết của Malaysia theo đạo Hồi và đây là nét đặc trưng riêng của thị trường Malaysia”.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại buổi thăm và làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng bày tỏ mong muốn được thương vụ phổ biến, cập nhật kịp thời về những chính sách, quy định của thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng này. Đồng thời, các doanh nghiệp cho biết hiện những nhiều mặt hàng như thực phẩm, dược mỹ phẩm và thời trang của Việt Nam đã có mặt tại Malaysia nhưng với quy mô nhỏ, để thực sự phát triển mạnh mẽ hơn ở thị trường này, doanh nghiệp rất cần vai trò kết nối của thương vụ.
Bên cạnh mục tiêu giao lưu văn hóa và kinh tế, trong khuôn khổ sự kiện còn tổ chức Lễ Vinh Danh nhằm tuyên dương trao thưởng những cá nhân và doanh nghiệp thành công, có những thành tựu nổi bật trong kinh doanh thời gian qua. Đây là các hạng mục vinh danh được ban tổ chức xét duyệt công tâm để bình chọn ra các thương hiệu dẫn đầu, các thương hiệu chất lượng chuẩn quốc tế và những doanh nhân truyền cảm hứng. Theo đó những doanh nghiệp, doanh nhân, thương hiệu tiêu biểu xuất sắc được vinh danh lần này có sự góp mặt của Công ty XNK Asian Dragon, Công ty Medi Mani, Công ty Winlap, Công ty Hoàng Gia Phát , Thương hiêu Tittot juice, Thươg hiệu C&O Clinic, Thương hiệu STT white, thương hiệu Hena Phamar…
Những giải thưởng danh giá tại diễn đàn không chỉ là sự ghi nhận đối với năng lực và khả năng chủ động thích ứng của các doanh nghiệp, doanh nhân, mà còn góp phần nâng cao uy tín thương hiệu và lợi thế tiếp cận cơ hội kinh doanh mới. Sự lớn mạnh của các doanh nhân, các thương hiệu doanh nghiệp cũng đồng thời thể hiện sự lớn mạnh của các ngành kinh tế và sự thịnh vượng của Việt Nam trên hành trình khẳng định vai trò và vị thế quốc gia đối với khu vực và thế giới.
IBA 2022 được đánh giá là một dấu ấn quan trọng trong hành trình tái thiết kinh tế – văn hóa toàn cầu hậu đại dịch. Diễn đàn đã góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối trực tiếp với đối tác tại thị trường Malaysia trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, doanh nghiệp kiều bào tại Malaysia và các nước khi tham gia diễn đàn đã có cơ hội tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội đầu tư vào Việt Nam – một thị trường năng động bậc nhất Asean và cũng là quê hương mà doanh nghiệp kiều bào luôn hướng về.