[ad_1]
Nghệ AnKhông muốn là gánh nặng cho ông bà, ngoài giờ học, Hùng tới giúp việc ở hàng ăn gần trường để có cơm ba bữa.
6h hàng ngày, Vi Mạnh Hùng, lớp 12L, trường THPT Tương Dương 1, đeo ba lô, tập tễnh từ ký túc xá ra quán ăn gần trường giúp dọn dẹp, kê bàn ghế trước giờ vào học. Từ đầu năm học, Hùng xin giúp việc ở đây, không nhận tiền công mà chỉ đổi bằng bữa ăn. Nghỉ trưa và sau giờ học buổi chiều, Hùng ra quán làm đến khoảng 19h rồi về phòng. Cậu tiếp tục học bài đến 23h mới ngủ.
Cậu học trò có gương mặt sáng, nụ cười thường trực trên môi, trò chuyện một cách khó nhọc. Mỗi khi được hỏi, Hùng phải cố gắng để diễn đạt rõ ràng. Hùng vốn khuyết tật từ nhỏ, lên 6-7 tuổi vẫn chưa thể đi lại. Bố nghiện ma túy, mẹ bỏ đi nên anh em Hùng sống cùng ông bà nội ở bản Xàn, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương.
Hàng ngày, ông bà thay nhau cõng cháu đến trường. Hết tiểu học, Hùng được gửi lên học ở trường bán trú trong xã, 2-3 tuần mới về một lần. Giao tiếp khó khăn, di chuyển bước thấp bước cao nhưng Hùng quyết không nghỉ học.
Hai năm trước, Hùng xuống trường huyện cách nhà hơn 80 km để học cấp ba. Sống xa nhà, Hùng phải tự làm mọi việc và sắp xếp cuộc sống. Từ năm lớp 11, Hùng đến các quán ăn xin giúp việc để không phải lo tiền ăn mỗi ngày.
Ban đầu Hùng hơi bỡ ngỡ nhưng nhanh chóng bắt nhịp được vì đã quen làm việc nhà. Lúc còn ở nhà, em đỡ đần ông bà chăm gà, lợn và đi nhổ mạ để cấy. Cuối tuần nghỉ làm, Hùng ở trong phòng nghỉ ngơi và học bài.
“Đi làm nhưng em vẫn nhớ đến học. Học là con đường dẫn đến thành công sớm nhất”, Hùng nói.
Nam sinh tâm sự, động lực khiến em kiên trì theo đuổi việc học là ông bà. Anh em Hùng lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc của ông bà nội. Với hai anh em, ông bà giống như cha, mẹ. Thương ông bà già yếu, cuộc sống trông chờ vào mùa vụ, Hùng không muốn trở thành gánh nặng mà muốn đỡ đần gia đình.
“Em không cho ông bà gửi tiền xuống mà bảo để dành mua thức ăn. Hồi nhỏ em bướng, lớn lên rồi mới biết thương ông bà”, Hùng cho hay.
Nhiều lúc mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình và cơ thể không lành lặn như các bạn, Hùng nằm khóc một mình. Nhưng nghĩ đến ông bà, em nhắc nhở bản thân cố gắng mỗi ngày. Chỉ cần ông bà mạnh khỏe và vui, việc gì Hùng cũng làm được, khổ em cũng cố gắng.
Hùng nhớ như in ngày mẹ bỏ đi năm em sáu tuổi. Hai anh em khóc, gọi theo bóng mẹ khuất dần. Người bố từ đó đâm chán nản, vướng thêm rượu chè. Hùng nói cuộc sống của em “chưa bao giờ ổn” nhưng càng trải qua khó khăn, em càng muốn đi học để sau này đỡ vất vả. Hùng mơ ước học ngành công nghệ thông tin hoặc kinh tế và muốn về xã làm việc.
Chị Lô Dung, chủ quán cơm, thương cậu học trò dân tộc Thái chịu khó, hiếu học. Hôm Hùng đến xin làm, chị Dung ái ngại trước việc di chuyển khó khăn, sợ em vất vả. Nhưng thấy Hùng nhiệt tình và muốn được làm việc, chị bằng lòng, mời cơm em ba bữa vì em không chịu nhận tiền công. Hàng ngày Hùng ra phụ chị Dung, giúp rửa bát. Chị Dung không cho phép Hùng làm các công việc nặng nhọc, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của em.
“Quán của tôi có hai người phụ và Hùng ra với tôi khoảng hai tiếng mỗi ngày. Em ấy không lấy tiền, chỉ mong được hỗ trợ bữa ăn”, chị Dung cho hay.
Mới đây chị bảo Hùng nghỉ ngơi một thời gian để tập trung vào học năm cuối cấp và vẫn sẵn sàng giúp đỡ em.
Ông Vi Văn Thương, ông của Hùng, kể về cháu nội với giọng tự hào. Đã lâu chưa gặp, giờ có người hỏi thăm về Hùng, ông Thương như được dịp nhớ lại những năm tháng cõng cháu, dẫn ra bến thuyền đi học. Người ông 63 tuổi cho hay giờ Hùng không cần người dắt nhưng đi lại vẫn không chắc chắn. Đôi tay Hùng cũng yếu, viết chữ vẫn run. Ngày nào ông cũng gọi điện cho cháu để hỏi han ăn uống, học hành.
Lúc cháu xin đi rửa bát, ông Thương lo lắng. Nhưng thấy cháu trưởng thành, biết suy nghĩ và lo liệu cuộc sống, ông cũng thấy yên tâm.
Nghe cháu tâm sự muốn học đại học, ông ủng hộ, dù biết chặng đường tới sẽ vất vả. Hai năm nay ông bị tai biến, không làm được việc nặng nhọc, mọi việc trong nhà trông chờ vào người vợ hơn 60 tuổi. Niềm an ủi duy nhất của ông bà bây giờ là hai cháu ngoan, năm nào cũng được giấy khen.
“Tôi phấn khởi lắm, cả hai cháu đều siêng và vâng lời thầy cô. Em gái Hùng cũng sắp thi học sinh giỏi môn Lịch sử”, ông Thương nói, mong các cháu học hết đại học, có việc làm ổn định.
Thầy Đậu Xuân Việt ấn tượng với cậu học sinh bị khuyết tật vận động ngay những ngày đầu nhận chủ nhiệm lớp. Suốt 15 năm trong nghề, thầy Việt chưa từng gặp học trò nào nghị lực, có ý chí vươn lên như Hùng.
Thầy Việt kể Hùng chu đáo và có trách nhiệm, luôn đến sớm nhất và về muộn nhất lớp sau khi đã dọn dẹp, khóa cửa, tắt điện. Nam sinh cũng không nề hà công việc và chủ động giúp đỡ người khác. Em luôn muốn lao động để được học hỏi và chuẩn bị cho tương lai sau này.
Thương Hùng như con trai, thầy Việt bảo ban và định hướng cho em. Hùng cũng tin tưởng và luôn chia sẻ với thầy. Hàng tháng có tiền hỗ trợ người khuyết tật, em đều nhờ thầy giữ và chỉ dùng vào những việc cần thiết.
“Hùng rất lễ phép, lễ nghĩa và tình cảm. Em có nguyện vọng học công nghệ thông tin và tôi đang trăn trở làm sao để giúp em có công việc sau này”, thầy Việt nói.
Nhắc đến Hùng, thầy Hồ Văn Thanh, Hiệu trưởng THPT Tương Dương 1, bày tỏ sự yêu quý. Hoàn cảnh đặc biệt nhưng cậu học trò luôn lạc quan và nỗ lực. Biết Hùng đi phụ quán cơm, thầy Thanh lo lắng cho sức khỏe của em và khuyên nên tập trung học. Theo thầy Thanh, công việc ở quán cơm chỉ là vì em muốn được giúp đỡ và yêu lao động.
Thầy Thanh vẫn nhớ ngày 20/11 năm ngoái, Hùng mang gói bánh đến tặng thầy. “Hùng nói không có gì, chỉ có gói bánh, nếu thầy không nhận thì em buồn lắm. Tôi bất ngờ và xúc động trước tấm lòng của Hùng”, thầy Thanh kể.
Mỗi dịp Tết, thầy Thanh đều chuẩn bị gói quà gửi Hùng về biếu ông bà. Thầy Thanh cho biết ở trường, các thầy cô đều quý mến Hùng và luôn lấy em làm tấm gương vượt khó cho các bạn noi theo.
Bình Minh
[ad_2]