[ad_1]
Các nhạc phẩm không lời, cổ điển tạo kịch tính và tương phản cho chiến cuộc sinh tồn trong phim Hàn gây sốt toàn cầu “Squid Game”.
* Bài tiết lộ tình tiết phim
Squid Game (Trò chơi con mực) trở thành niềm tự hào của người Hàn khi có màn ra mắt ấn tượng nhất lịch sử Netflix, với hơn 111 triệu lượt xem sau 25 ngày. Series gồm chín tập, do Hwang Dong Hyuk đạo diễn kiêm biên kịch. Kịch bản xoay quanh Gi Hoon (Lee Jung Jae), gã trung niên thất nghiệp, đã ly hôn, nghiện cờ bạc và đang nợ nần. Lâm vào đường cùng, anh và 455 con nợ khác chấp nhận tham gia trò chơi kỳ lạ trên hòn đảo biệt lập, phải vượt qua sáu màn để nhận 45,6 tỷ won tiền thưởng.
Theo Daum, ngoài tình tiết gay cấn, cài cắm nhiều thông điệp… phim gây ấn tượng ở phần âm thanh. 25 bản nhạc nền, từ cổ điển, jazz, rock, trữ tình, buồn bã đến vui nhộn. Yonhap News nhận định những bản OST ấy “táo bạo nhưng đầy mỉa mai”.
Giám đốc âm nhạc Jung Jae Il nói choáng váng khi Squid Game gây sốt toàn cầu. “May mắn thay, tôi đã gặp tác phẩm tuyệt vời và được nhiều người đồng cảm. Thật hạnh phúc khi các bản nhạc nền được chú ý”, anh nói. Theo HanKyung, Jung Jae Il tốt nghiệp Học viện nhạc Jazz Seoul, thành thạo piano, guitar, bass và trống. Anh có sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng, từng viết OST cho hai siêu phẩm của “quái kiệt” Bong Joon Ho – Parasite (2019) và Okja (2017).
Jung Jae Il kể một ngày đầu đông năm 2018, đạo diễn Hwang Dong Hyuk tìm anh nhờ viết nhạc phim với hy vọng “khiến người xem chấn động”. Sau vài ngày đọc tập kịch bản dày cộm, Jung thốt lên: “Ồ, tất cả đều ở đây”. Để phần âm thanh không đơn điệu, Jung bắt tay với hai nhà soạn nhạc khác: Park Min Joo và 23 (tên thật Kim Sung Soo).
Cả ba nghiên cứu kỹ tình huống các nhân vật đối mặt, sự tuyệt vọng khi mạo hiểm mạng sống vì một trò chơi trẻ con. Họ trăn trở tìm kiếm thứ âm thanh khắc họa triệt để tâm lý người chơi, bộc lộ sự gian xảo, độc ác khi ở thế chân tường và sự bối rối, không thể phân biệt tốt, xấu trước ranh giới sống, chết.
Bản Way back then không lời trở đi trở lại chín tập, tạo điểm nhấn cho hành động, biểu cảm của các nhân vật. Jung Jae Il dùng một số nhạc cụ anh từng luyện tập thời tiểu học, trong đó có bộ gõ và máy ghi âm. Giai điệu vui tai dựa trên nhịp vỗ tay 3-3-7, thường được người Hàn sử dụng khi muốn cổ vũ ai đó. Tuy nhiên nó lại gây ám ảnh khi đặt trong bối cảnh cuộc sinh tồn đẫm máu. Sau thành công của phim, nhà sản xuất tung bản OST hai phút 31 giây, lồng ghép thêm một số nhạc cụ guitar, piano…
Bản Pink Soldiers do nghệ sĩ 23 biên soạn, thường vang lên mỗi khi phe cai quản màu hồng xuất hiện. Giai điệu với nhiều nốt cao, gấp gáp kèm cụm từ “tu-tu-tu-tu” tạo không khí kỳ quái, khiến người chơi hồi hộp, bất an.
Phim còn dùng chất liệu của Trumpet Concerto gồm ba chương, Joseph Haydn (1732-1809) – nhà soạn nhạc Áo lừng danh – sáng tác. Haydn viết bản hòa tấu này tặng bạn thân – nghệ sĩ trumpet Anton Weidinger – năm 1796. Weidinger lần đầu công diễn nhạc phẩm vào ngày 28/3/1800, tại Burgtheater (Vienna, Áo).
Jung Jae Il lồng ghép nhiều bản giao hưởng kinh điển, tăng mức độ ám ảnh và tương phản của trò chơi chết chóc. 456 “con nợ” được đánh thức bởi giai điệu hân hoan trong chương thứ ba bản hòa tấu kèn trumpet giọng Mi giáng trưởng (Trumpet Concerto E-flat major). Trên nền nhạc cụ trumpet cách tân có phím (keyed trumpet) chủ đạo, người chơi lẫn khán giả tò mò, không biết điều gì chờ đợi họ phía trước.
Bản Le Beau Danube Bleu không lời của nhạc sĩ Johann Strauss II – biệt danh “Vua của các điệu waltz” – báo hiệu trò chơi mới bắt đầu. Giai điệu hào hứng, tươi vui đối lập với sự tàn khốc. Đó có thể là âm thanh cuối cùng 456 nhân vật được nghe thấy trong đời. Theo News 1, nhạc phẩm này nhằm nâng cao tinh thần người chơi.
Ca khúc trình diễn lần đầu năm 1867, mang âm hưởng Waltz đặc trưng châu Âu, với nhịp 3/4 nhẹ nhàng cùng nhiều nốt luyến láy tình tứ. Trang The Local cho rằng Le Beau Danube Bleu ra đời nhằm khích lệ tinh thần người dân Áo, sau trận bại chiến của Áo trước quân đội Phổ ở Koniggratz, năm 1866. Nhạc sĩ Phạm Duy từng viết lời Việt cho nhạc phẩm với tên Dòng Sông Xanh, gắn với danh ca Thái Thanh.
Yonhap News cho rằng bản jazz Fly me to the moon (Bart Howard sáng tác) – qua phần cover của Joo Won Shin – gây ám ảnh nhất. Đạo diễn Hwang Dong Hyuk mong tạo tương phản giữa việc giết người tàn bạo với âm nhạc đẹp đẽ, từ đó khắc họa tâm lý biến thái của “ông trùm” tổ chức trò chơi. Hắn vừa uống rượu, thưởng thức điệu jazz kinh điển, vừa xem người chơi lần lượt bị kết liễu.
Bản giao hưởng số 5 (Symphony No. 5) của Beethoven vang lên khi các nhân vật vào phòng chờ VIP. Điệu valse trong chương thứ hai nhạc phẩm Serenade for Strings (Tchaikovsky sáng tác) là nhạc nền thông báo trò chơi thứ hai kết thúc.
Ngoài ra, còn nhiều bản OST được yêu thích gồm: Round VI, I remember my name, Murder Without Violence, Hostage crisis, Let’s go out tonight…
Trên các diễn đàn Hàn Quốc, khán giả nói “rùng rợn” khi lời đồng dao gắn bó tuổi thơ lại là tiếng báo hiệu sự chết chóc. Ở trò mở màn “Đèn xanh, đèn đỏ”, búp bê khổng lồ hát: “‘Mugunghwa kkochi piotsseumnida” (“Hoa Mugung đã nở”). Lời ca kết thúc cũng là lúc người chơi phạm luật bị giết chết.
Naver cho biết sau lời đồng dao là câu chuyện ý nghĩa về Mugung – quốc hoa Hàn Quốc, biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của người nước này. Theo trang Thông tin Hàn Quốc, hoa có tên khác là hồng sharon hay dâm bụt, mang vẻ đẹp mộc mạc, vững chãi trước gió sương, nở vào buổi sáng, khép mình về đêm và lặp đi lặp lại suốt 100 ngày. Mugung bung nở đẹp nhất vào tháng 8, số 8 nhìn ngang giống ký hiệu vô cực (∞), nghĩa là tuần hoàn, vĩnh cửu.
Sức hút của Squid Game giúp album nhạc phim trở thành chất liệu cover của các nghệ sĩ sáng tạo toàn cầu. Trong đó, phiên bản của MayTree – nhóm A cappella nổi tiếng Hàn Quốc – có đến 61 triệu lượt xem trên Youtube. Năm thành viên dùng chất giọng thật, không chèn bất cứ nhạc cụ nào để tái hiện âm thanh búp bê, đoạn nhạc vui tươi khi nam chính hồi tưởng trò chơi con mực lẫn tiếng báo hiệu cuộc chiến.
Thiên Lam (ảnh, video: Netflix)
[ad_2]