Cô gái Bắc Giang giành ba học bổng toàn phần tại châu Âu

[ad_1]

Xuất phát chỉ với tấm bằng cử nhân loại khá cùng 6.0 IELTS, Khánh Huyền dành hai năm cải thiện hồ sơ và chinh phục ba học bổng thạc sĩ toàn phần.

Cuối tháng 8, Nguyễn Thị Khánh Huyền, 25 tuổi, cựu sinh viên Đại học Y tế công cộng, dồn toàn bộ thời gian để hoàn thành các dự án, công việc còn dang dở. Chưa đầy hai tuần nữa, Huyền sẽ đến Đại học Antwerp, Bỉ, để học chương trình thạc sĩ ngành Dịch tễ học theo học bổng VLIR-UOS trị giá hơn 43.600 euro (gần 1,2 tỷ đồng). Ngoài ra, cô gái quê Bắc Giang còn giành hai học bổng toàn phần khác, trong đó có Erasmus Mundus, một trong những học bổng danh giá nhất châu Âu.

Khánh Huyền không có xuất phát điểm long lanh như nhiều du học sinh khác. Khi còn học phổ thông, Huyền ước mơ vào Học viện An ninh nhân dân nhưng không đủ điểm, cuối cùng trúng tuyển Đại học Y tế công cộng theo nguyện vọng hai. “Hồi mới vào trường, mình rất buồn vì chưa bao giờ nghĩ sẽ theo ngành này”, cô gái sinh năm 1996 nhớ lại.

Tuy nhiên, khi được học về Dịch tễ học thống kê, lĩnh vực xương sống của ngành Y tế công cộng, Huyền bị hấp dẫn bởi các chỉ số đo lường sức khỏe cộng đồng, từ đó đưa ra những bằng chứng xác thực và chính sách y tế phù hợp. Dần cảm thấy ngành học có nhiều ý nghĩa, cô hiểu rằng sức khỏe người dân có thể được cải thiện không chỉ thông qua chẩn đoán, điều trị mà còn dựa trên các chương trình chăm sóc dài hạn, được xây dựng từ những bằng chứng y học đáng tin cậy.

Mùa hè năm 2018, Huyền tốt nghiệp đại học, bắt đầu làm việc một viện nghiên cứu. Lúc này, cô đã hiểu hơn về ngành học, công việc của mình, lại được truyền cảm hứng từ nhiều anh chị và những câu chuyện “du học 0đ” chưa từng biết đến. Cô gái quê Bắc Giang bắt đầu tự hỏi, làm thế nào để có cơ hội trải nghiệm học tập ở một đất nước phát triển.

“Tài sản” khi đó của Huyền chỉ là tấm bằng cử nhân loại khá, chứng chỉ IELTS 6.0 cùng một vài hoạt động tình nguyện, thành tích trong trường. Nhận thấy hồ sơ của mình không có gì nổi bật và gần như thiếu toàn bộ yếu tố cần và đủ để chinh phục một học bổng danh giá, cô bắt đầu hành trình “tìm đường du học” ở tuổi 22.

Nguyễn Thị Khánh Huyền, chủ nhân ba học bổng VLIR-UOS, Erasmus Mundus, ARES năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Thị Khánh Huyền, chủ nhân ba học bổng VLIR-UOS, Erasmus Mundus, ARES năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiểu gia đỉnh và bản thân không đủ khả năng chi trả du học tự túc, Huyền xác định chỉ đi khi giành học bổng toàn phần. Sau khi nghiên cứu yêu cầu của nhiều loại học bổng, cô đặt mục tiêu đạt thành tích trong nghiên cứu, tham dự các hội thảo và khóa học tại nước ngoài trong hai năm tới.

Tại viện nghiên cứu, Huyền chủ động xin tham gia nhiều hoạt động để lấy kinh nghiệm, đồng thời đề nghị được sử dụng số liệu của viện để làm nghiên cứu độc lập, hướng tới cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhóm người yếu thế. Công việc đòi hỏi Huyền phải đi công tác với tần suất dày, mỗi tháng 1-2 lần. Nhiều hôm đi thực địa từ 5h sáng đến 8-9h tối, cô mệt lả, không còn sức đọc hay nghiên cứu thêm tài liệu nào.

Sau lần đó, cô thay đổi “chiến thuật”, không cố hoàn thành nghiên cứu trong những ngày công tác. “Mình nhận ra việc biết cách quản lý và phân chia thời gian đóng vai trò then chốt trong hành trình “chạy đường dài” để chuẩn bị hồ sơ du học. Do đó, mình dồn lực vào buổi tối và những ngày cuối tuần, hy sinh những buổi đi chơi và gặp gỡ bạn bè”, Huyền nói.

Việc duy trì động lực và liên tục cố gắng trong hai năm không phải việc dễ dàng với cô gái quê Bắc Giang. Nhưng khi càng phấn đấu, Huyền lại càng được thôi thúc hơn. Nhờ việc tích cực tìm kiếm các cơ hội quốc tế, cô giành được một suất tham dự một khóa học trao đổi với Đại học John Hopkins, (top 9 tại Mỹ), về tai nạn thương tích trong 6 tuần. Huyền được trải nghiệm chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, trò chuyện và làm việc với những giáo sư hàng đầu thế giới. Sau chuyến đi đó, khao khát du học của cô ngày càng mạnh mẽ.

Huyền và bạn trong khóa học ngắn hạn tại Đại học John Hopkins, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huyền và bạn trong khóa học ngắn hạn tại Đại học John Hopkins, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhờ nỗ lực, cô thực hiện được hết mục tiêu trước thời hạn một năm, chuyển sang rèn luyện tiếng Anh. Huyền hiểu rằng nếu phấn đấu lên 8,0 hay 8.5 IETLS, cô sẽ tốn rất nhiều thời gian mà chưa chắc thành công. Thay vào đó, cô chỉ cần vừa đủ để đạt ngưỡng nhận hồ sơ của hội đồng tuyển sinh, tức 6.5 IELTS vì cho rằng “để đánh giá một ứng viên xuất sắc, có chiều sâu hay không, tiếng Anh chỉ là một căn cứ rất nhỏ”.

Điểm khiến Huyền tự tin nhất trong bộ hồ sơ là các bài luận trình bày động lực. Thay vì xây dựng một cốt truyện chính, chỉ khác nhau cách trình bày, cô viết ba bài luận khác nhau hoàn toàn. “Mình muốn xây dựng một câu chuyện phù hợp nhất với ngành sẽ theo đuổi ở mỗi học bổng. Hai năm đi làm đã giúp mình có nhiều trải nghiệm, từ đó lên nhiều ý tưởng khác nhau”, cô giải thích.

Với học bổng VLIR-UOS của Chính phủ Bỉ, Huyền trình bày băn khoăn khi nghiên cứu dịch tễ học, nhằm đánh giá hiệu quả của một số liệu pháp hiện đại trong điều trị người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, cũng như làm thế nào để tích hợp các liệu pháp này vào hệ thống y tế sẵn có.

Trong bài luận của học bổng Erasmus Mundus, cô chia sẻ về trải nghiệm khó khăn khi tiếp cận, hỗ trợ người khuyết tật trong đợt mưa lũ xảy ra ở miền Trung cuối năm 2020. Còn ở học bổng ARES, Huyền nói lên quan điểm về những điểm yếu trong nghiên cứu y tế công cộng ở Việt Nam, đồng thời bày tỏ lĩnh vực bản thân muốn học nhất. Mỗi bài, cô dành khoảng một tháng để viết. Trong thời gian này, cô “ăn ngủ” với luận, nghĩ về nó mọi lúc.

Trước kia, Huyền từng nghĩ thời gian đi làm sẽ khiến mình chậm hơn so với bạn bè vì nhiều người du học thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp cử nhân. Tuy nhiên, khi xây dựng được những bài luận tâm đắc, Huyền hiểu hai năm đi làm đã mang đến rất nhiều giá trị. “Bởi nếu không thực sự trải qua những điều đó, làm sao mình có thể viết ra cảm nhận và trăn trở của bản thân”, Huyền nói.

Khánh Huyền trong dự án Hãy năm tay tôi - hỗ trợ người khuyết tật tại Bình Định, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khánh Huyền trong dự án Hãy nắm tay tôi – hỗ trợ người khuyết tật tại Bình Định, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ tháng 4, cô liên tiếp nhận tin vui từ cách chương trình mình ứng tuyển. Cô giành ba học bổng toàn phần, gồm Erasmus Mundus (46.000 euro), VLIR-UOS (43.600 euro), ARES (22.800 euro). Sau nhiều ngày cân nhắc, cô chọn đến Bỉ học ngành Dịch tễ học theo chương trình VLIR-UOS vì hầu hết chính sách y tế đều căn cứ kết quả nghiên cứu dịch tễ học. “Mình đã yêu thích ngành này từ khi còn là sinh viên và cảm thấy bản thân sẽ phát huy được thế mạnh nếu được theo học”, cô nói.

Từng hỗ trợ tiến sĩ John O’Neil, nguyên trưởng khoa Khoa học sức khỏe, đại học Simon Fraser, Canada, nghiên cứu, Huyền được thầy đánh giá có chuyên môn cao, làm việc chăm chỉ, cẩn thận. Theo thầy John, cô luôn mong muốn nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình trong nghiên cứu dịch tế học để góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. “Cô ấy là người chu đáo, lôi cuốn, thông minh với phong cách giao tiếp dễ gần và thân thiện”, thầy chia sẻ, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng với những đóng góp của Huyền trong các nghiên cứu quan trọng sau hành trình du học.

Huyền từng hối hận và tiếc nuối, tự đặt câu hỏi sao bốn năm đại học không cố gắng nhiều hơn để có điểm học tập loại giỏi hoặc xuất sắc. Đến sau cùng, cô nhận ra, nếu không đi làm và có nhiều trải nghiệm quý giá, chưa chắc bảng điểm đẹp có thể đưa bước chân cô tới châu Âu. “Trước kia, mình cũng dễ bỏ cuộc, không tin lắm vào khả năng của bản thân, cũng rất sợ thất bại. Giờ, mình đã mạnh mẽ, chăm chỉ và quyết tâm hơn. Mình vẫn luôn tin rằng nếu kiên trì cố gắng và dành tâm sức cho những điều mong muốn, thành quả sẽ đến trong một ngày không xa”, cô nói.

Thanh Hằng

[ad_2]