Cây họ tre được cắt gốc, giữ nguyên phần ngọn dùng để dựng nêu đón Tết Nguyên đán. Loại hàng hóa này chỉ được bán mỗi năm 1 lần nhưng rất hút khách mua.
Sôi động thị trường bán cây tre dựng nêu ngày Tết
|
Từ đầu tháng Chạp, hàng vạn cây tre đã được tập kết về TP Vinh (Nghệ An) để phục vụ nhu cầu dựng cây nêu đón Tết của người dân. |
|
Loại hàng hóa này chỉ bán mỗi năm 1 lần vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài nguồn tre, trúc từ các huyện miền núi trong tỉnh, một lượng đáng kể được vận chuyển từ miền Bắc về. Theo chị Nguyễn Ánh Sương (quê Nam Đàn, Nghệ An), đợt này nhóm bạn của chị hùn vốn, nhập 4.000 cây tre mây từ tỉnh Cao Bằng về đổ sỉ cho các lái buôn. |
|
Đặc điểm của loại cây này là thân thẳng, đốt thưa đều và ít gai, độ dài từ 10-12m được bán lẻ với giá 200.000 – 250.000 đồng/cây. |
|
Khá đông người dân đã đi chọn tre để dựng nêu khi ngày Tết đang đến gần. |
|
Anh Đặng Thọ Quang (trú xã Nghi Kim, TP Vinh) nhập 600 cây tre về bán. “Các năm khác người dân thường đợi đến Tết ông Công, ông Táo mới dựng nêu nhưng năm nay có thể là có nhiều thời gian nên họ dựng sớm hơn, tránh để gần ngày cập rập. Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 80 cây, gần ngày 23 tháng Chạp khả năng lượng mua sẽ tăng cao hơn. Đây là tre từ huyện miền núi Nghệ An chuyển xuống, thời điểm hiện tại có giá 180.000 – 200.000 đồng/cây”, anh Quang cho biết. |
|
“Ông cha ta đúc kết “cao nêu, kêu pháo, bánh chưng xanh” nên cây nêu càng cao, thân già, đốt đều càng được ưa chuộng”, anh Quang tiết lộ. |
|
Ông Lê Đức Anh (trú xã Nghi Kim) vừa chọn được cây tre ưng ý để về dựng nêu. “Hiện có cây nêu được làm bằng sắt, tiện mà có thể dùng được trong nhiều năm nhưng tôi vẫn thích dựng nêu theo cách truyền thống của cha ông hơn. Nhiều người dựng nêu sớm cho có không khí Tết nhưng tôi phải đến ngày 23 tháng Chạp mới dựng. Theo tích xưa thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ gia đình trong thời gian ông Công, ông Táo lên chầu trời nên phải dựng đúng ngày mới có ý nghĩa”. |
|
Điều kiện tiên quyết của việc chọn nêu là cây phải đủ ngọn. Những cây bị cụt ngọn chắc chắn bị loại ra bởi theo quan niệm dân gian, cây nêu không có ngọn sẽ mang lại xui xẻo cho gia chủ. Việc vận chuyển một lúc nhiều cây tre nguyên ngọn cũng gặp nhiều khó khăn. Khi dỡ từ xe xuống hay chọn tre phải cực kỳ cẩn thận để không bị gãy phần ngọn. |
|
Buôn tre dựng nêu dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chỉ có 1 mùa duy nhất nhưng mang lại nguồn thu không hề nhỏ cho các lái buôn. |
|
Phần ngọn cây nêu được buộc thêm một túm lá gai để ngăn ma quỷ đến gần phần đất của gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây nêu còn là thứ để trang trí cho ngôi nhà vào dịp đón Tết nên các hộ dân đầu tư thêm đèn nháy quấn quanh thân cây, treo đèn lồng ở phần ngọn để thêm lung linh vào buổi tối. |
|
Thời điểm hiện tại, nhiều người dân tại Nghệ An đã bắt đầu dựng nêu đón Tết. Nếu tự trang trí, chi phí cho mỗi cây nêu bao gồm thân tre, bóng nháy, đèn lồng… khoảng 350-400 nghìn đồng. Một số điểm dịch vụ dựng nêu tận nhà, một cây nêu đẹp, hoàn chỉnh có giá lên tới 1 triệu đồng. |
|
Những dãy nêu được trang trí bằng đèn nháy tạo nên cảnh sắc lung linh trong những ngày Tết từ thôn quê ra phố thị. |
(Theo Dân Trí)