Cổ phiếu phân bón chờ tin sửa thuế giá trị gia tăng

Cổ phiếu phân bón chờ tin sửa thuế giá trị gia tăng

Đăng Linh

(TBKTSG) – Việc sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71) vào thời điểm này thực sự là cú huých quan trọng, sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón phục hồi trở lại sau nhiều năm suy giảm lợi nhuận.

 

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nếu chính sách thuế không sửa đổi kịp thời, dự báo sang năm 2021, các doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục gặp khó khăn rất lớn. Trong ảnh: Nông dân bón phân lúa. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Giá thành tăng vì… không phải nộp thuế!

Ngày 13-10-2020 là thời hạn cuối để các doanh nghiệp phân bón góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71 để phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế, với mức thuế suất là 5%. Nếu được Quốc hội thông qua, mức thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón đươc kỳ vọng sẽ áp dụng ngay từ đầu năm 2021.

Trở lại quá khứ, khó khăn từ chính sách thuế bắt đầu đến với các doanh nghiệp phân bón vào năm 2015 khi Luật số 71 quy định mặt hàng phân bón đang thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% chuyển thành mặt hàng không chịu thuế GTGT. Theo đó, doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.

Việc Quốc hội ban hành Luật số 71 là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển, sản xuất phân bón trong nước hướng đến mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, sau hơn năm năm triển khai thực hiện, lợi chưa thấy đâu nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã “ngấm đòn” khó khăn do tác động không mong muốn của luật thuế này. Trên thực tế, Luật số 71 đã có những tác động “ngược” làm hạn chế sản xuất, kinh doanh, cũng như các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật số 71 (bắt đầu từ ngày 1-1-2015) thì giá thành phân đạm đã tăng từ 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2-6,1%.

Cùng với đó, số thuế GTGT không được khấu trừ tính mà phải tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón cũng rất lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015, khi phân bón được xếp vào mặt hàng không chịu thuế GTGT, mỗi năm, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) không được khấu trừ 1.637 tỉ đồng. Các đơn vị thuộc tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) không được khấu trừ tổng cộng khoảng 3.646 tỉ đồng tiền thuế: năm 2015 là 825 tỉ đồng; năm 2016 là 588,8 tỉ đồng; năm 2017 là 755,5 tỉ đồng; năm 2018 là 767,7 tỉ đồng; năm 2019 là 708,8 tỉ đồng.

Như vậy, việc quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất.

Kỳ vọng cải thiện kết quả kinh doanh khi có thuế

Với những thực tế trên, việc sửa đổi Luật số 71 vào thời điểm này thực sự là cú huých quan trọng, giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón phục hồi trở lại sau nhiều năm suy giảm lợi nhuận, thậm chí không ít doanh nghiệp trong ngành thua lỗ. Tính toán của các doanh nghiệp, nếu giá bán không thay đổi, theo lý thuyết thì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ sẽ không hạch toán vào chi phí nữa nên doanh nghiệp sẽ giảm chi phí phần này. Tuy nhiên, đồng thời doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm, tương ứng thuế GTGT đầu ra 5%. Trong trường hợp này, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp có thể tăng nhưng không đáng kể. Ngược lại, nếu giá bán được điều chỉnh tăng 5%, tương ứng với phần tăng của thuế GTGT thì lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp phân bón sẽ tăng tương ứng với phần thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Như vậy, con số lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón tăng trưởng ở mức độ nào khi chính sách thuế GTGT 5% áp dụng với mặt hàng phân bón sẽ phụ thuộc vào biến số là giá bán.

Điểm nhà đầu tư cần lưu ý là, trong tờ trình dự thảo nghị quyết về việc sửa đổi Luật số 71 của Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải thực hiện các giải pháp giảm giá thành để hỗ trợ chi phí đầu vào cho nông dân nên việc tăng giá bán của các doanh nghiệp phân bón có thể ít nhiều gặp trở ngại.

Theo thống kê sơ bộ, trong chín tháng đầu năm 2020, trong chín doanh nghiệp phân bón niêm yết thì chỉ có ba doanh nghiệp là Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ và Phân bón Bình Điền có lợi nhuận tăng trưởng, chủ yếu nhờ hưởng lợi từ giá dầu giảm dẫn đến giá khí đầu vào giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại đều bị sụt giảm lớn về lợi nhuận so với năm 2019, thậm chí thua lỗ nặng.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nếu chính sách thuế không sửa đổi kịp thời, dự báo sang năm 2021, các doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục gặp khó khăn rất lớn. Về dài hạn, tác động của việc sửa đổi thuế GTGT là giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nhập khẩu phân bón và khuyến khích đầu tư mới khi doanh nghiệp sẽ được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới đối với sản phẩm là phân bón.

Trên sàn chứng khoán, giá các cổ phiếu phân bón như DCM, DPM, BFC, LAS hiện đã tăng từ 30% đến 50% so với thời điểm cuối tháng 7 khi có thông tin chính thức Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính làm đầu mối xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp phân bón.



Nguồn