Google bị cáo buộc chèn ép thị trường tìm kiếm

Hạ viện Mỹ khẳng định Google độc quyền trên phạm vi rộng, ưu tiên hiển thị dịch vụ của mình trong kết quả tìm kiếm và hạ thứ hạng của đối thủ.

Tiểu ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã công bố kết quả điều tra đối với bốn “ông lớn” công nghệ là Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple và Facebook. Riêng với Alphabet, báo cáo điều tra khẳng định công ty này thống trị các thị trường tìm kiếm, quảng cáo và bản đồ trực tuyến với cách thức “không lành mạnh”, đồng thời cảnh báo các hành vi cạnh tranh không công bằng khác tiềm ẩn trong lĩnh vực đám mây, hay đề xuất mua lại Fitbit.

Hạ viện Mỹ cho rằng Google đang cạnh tranh không lành mạnh. Ảnh: Independent.

Hạ viện Mỹ cho rằng Google cạnh tranh không lành mạnh. Ảnh: Independent.

Theo Hạ viện, Google là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến chiếm ưu thế áp đảo. Công ty đang nắm khoảng 81% tổng số các truy vấn tìm kiếm chung trên máy tính để bàn và 94% trên thiết bị di động tại Mỹ.

“Google lạm dụng quyền lực của mình với vai trò là ‘người gác cổng’ trên thị trường tìm kiếm để ép các website khác phải chuyển giao dữ liệu có giá trị”, báo cáo viết. “Google cũng sử dụng khả năng thống thị và kiểm soát công cụ tìm kiếm của mình trên hệ điều hành Android để tăng thị phần trình duyệt web, cũng như thúc đẩy các dịch vụ mà hãng đang sở hữu”.

Cụ thể, Google quảng bá các dịch vụ của riêng mình bằng cách đặt chúng ở đầu kết quả tìm kiếm và “chủ động hạ cấp” các đối thủ thông qua thuật toán riêng. Một số đối thủ giấu tên của Google nói họ “hoàn toàn phụ thuộc vào Google về lưu lượng truy cập” và “không có lựa chọn công cụ tìm kiếm nào khác”.

Các công ty phàn nàn họ buộc phải chi nhiều tiền hơn cho các quảng cáo của Google. Nếu không, sản phẩm của họ rất khó xuất hiện trong kết quả tìm kiếm thông thường. “Điều này một phần xuất phát từ việc Google ưu tiên hiển thị các sản phẩm của mình. Nó khiến các doanh nghiệp khác phải trả tiền cho Google để đặt quảng cáo như một cách để lấy họ lại top đầu trong mỗi kết quả tra cứu”, báo cáo viết.

Alphabet cũng bị cáo buộc sử dụng dữ liệu thu thập được từ Android và Chrome để sử dụng trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Trong đó, Chrome đóng vai trò kiểm soát việc tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến, còn Android giúp tăng thị phần các dịch vụ.

Ngoài ra, việc Google mua lại công ty công nghệ quảng cáo DoubleClick năm 2007 cũng được đề cập. Trong đó, các thành viên Tiểu ban cho rằng Google đã hợp nhất dữ liệu người dùng của DoubleClick với dữ liệu của các sản phẩm như Google Maps và Gmail. Trước đó, đại diện Google khẳng định không làm điều này. Dựa trên thương vụ với DoubleClick, Tiểu ban kêu gọi các nhà quản lý nên cân nhắc phê duyệt việc Google thâu tóm hãng thiết bị đeo Fitbit với giá 2,1 tỷ USD.

Trong khi đó, Google khẳng định các nhà lập pháp Mỹ đang tìm cách giúp đỡ các đối thủ cạnh tranh hơn là ủng hộ quyền của người tiêu dùng.

“Các sản phẩm miễn phí của Google, như Search, Maps và Gmail đang là ứng dụng hàng triệu người Mỹ tin dùng. Chúng tôi cũng đã đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển nhằm xây dựng và cải thiện chúng theo thời gian”, đại diện Google cho biết. “Google đang cạnh tranh công bằng trong một lĩnh vực phát triển nhanh và có tính cạnh tranh cao. Chúng tôi cũng không đồng ý với báo cáo này. Chúng lỗi thời và không chính xác”.

Cũng theo đại diện Google, người Mỹ không muốn Quốc hội “hạn chế các sản phẩm Google hoặc làm tổn hại đến các dịch vụ miễn phí mà họ sử dụng hàng ngày”. Công ty tìm kiếm nói “mục tiêu của luật chống độc quyền là bảo vệ người tiêu dùng chứ không phải giúp đỡ các đối thủ thương mại”.

Bảo Lâm (theo CNBC)

Nguồn