Gần 18 triệu người bị giảm thu nhập
Hôm qua 29.9, báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng của Tổng cục Thống kê nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600 DN, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%; 36.500 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6%.
Trong quý 3/2020 có 1,3 triệu người thiếu việc làm, giảm so với quý 2/2020. Tính chung sau 9 tháng năm 2020, số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm khoảng 4 triệu người. Báo cáo trước đó của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6.2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó có đến 17,6 triệu người bị giảm thu nhập, chiếm tỷ trọng cao nhất là 57,3% trong tổng số người bị ảnh hưởng.
Dù tình hình khó khăn như vậy nhưng số
thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn tiếp tục tăng lên. Số thuế TNCN tính đến 15.9 tăng 7.100 tỉ đồng so với con số tháng 8, đạt 84.200 tỉ đồng, bằng 65,4% dự toán thu ngân sách. Bà Đỗ Dung (ở Q.7, TP.HCM), hiện đang làm việc tại một ngân hàng, cho biết mỗi tháng vẫn đóng khoảng 8 triệu đồng tiền thuế TNCN. Mùa Covid-19 khó khăn chung, nếu không đóng số thuế này hoặc giảm thuế TNCN ở mức độ phù hợp, bà Dung cho rằng sẽ dùng số thuế trên đầu tư nhiều hơn cho
sức khỏe các thành viên trong gia đình như mua thức ăn bổ sung đề kháng, đăng ký tập thể dục…
Người dân cần hỗ trợ
Trong tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay, Th.S Trần Minh Hiệp, Giảng viên Khoa Luật thương mại, Trường đại học Luật TP.HCM, cho rằng: Đương nhiên việc miễn thuế TNCN đối với tiền công, tiền lương, thời gian miễn giảm thuế từ 6 tháng đến 1 năm là cần thiết trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút như hiện nay. Với nhiều
người lao động thất nghiệp tạm thời, phải làm việc bán thời gian có mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần chi trả trở lên vẫn đang bị đơn vị chi trả khấu trừ 10% trên tổng thu nhập được coi là không hợp lý. Mặc dù cuối năm khi quyết toán thuế họ sẽ được
hoàn thuế nhưng như vậy là họ bị chiếm dụng tiền thuế. Thậm chí là mất luôn tiền thuế đã tạm nộp do họ không làm việc cố định ở một nơi nên không có đơn vị nào đại diện cho họ để quyết toán thuế. Còn tự làm thì rất nhiều người không đủ chuyên môn, thuê dịch vụ hỗ trợ thì chi phí cao nên đành bỏ.
“Tôi đề xuất là miễn thuế TNCN đối với người có thu nhập từ nơi thứ 2 trở lên đến hết năm 2020. Đối với thuế từ hộ kinh doanh, bao gồm cả thuế TNCN và thuế GTGT (chủ yếu là thuế khoán, ấn định thuế), đề nghị miễn giảm toàn bộ đến hết năm 2020 để hộ kinh doanh (cà phê, hàng quán, tạp hóa…) tiết kiệm được chi phí trong bối cảnh không kinh doanh, không phát sinh thu nhập nhưng vẫn phải
nộp thuế”, ông Hiệp nói.
PGS-TS Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng bộ môn
Tài chính công trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng tình việc nên có gói miễn giảm thuế để kích cầu tiêu dùng. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008 – 2009, Chính phủ thông qua Bộ Tài chính đã đưa ra chính sách miễn, giảm, giãn liên quan đến 3 loại thuế GTGT, thu nhập DN và TNCN. Vậy thì đối với đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng nên có giải pháp về tài khóa vừa trợ giúp DN, vừa kích cầu tiêu dùng. Theo kiến nghị của ông Nguyễn Hồng Thắng, trước mắt, Chính phủ có thể thực hiện giãn thuế trong giai đoạn đầu, sau đó thực hiện giảm thuế. Đối với khu vực DN, nhà nước đã thực hiện giảm thuế thu nhập DN 30%, đây là tỷ lệ tham chiếu cho tính toán mức giảm thuế TNCN. Với số thuế TNCN trong 9 tháng đầu năm lên 84.200 tỉ đồng, nếu áp dụng mức giảm tối đa lên 30%, tương ứng số giảm 25.260 tỉ đồng, đó là chưa kể những tháng cuối năm số thuế TNCN sẽ còn gia tăng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên tính toán thời điểm giảm thuế TNCN sao cho có ý nghĩa, kích thích tiêu dùng.
Hỗ trợ nhóm có thu nhập trung bình – trung bình khá
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & kinh tế ứng dụng, phân tích: Hiện nay biểu thuế TNCN chủ yếu đánh vào tầng lớp người có thu nhập trung bình và trung bình khá – là những người có thu nhập trên 20 – 100 triệu đồng, trong khi đây là lực lượng lao động nỗ lực nhất và cũng là nhóm người tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất cho các ngành dịch vụ trong nước.
Cụ thể, nếu lực lượng lao động thu nhập thấp chủ yếu chi cho thực phẩm, tiêu dùng cơ bản; những người giàu có mua sắm hàng xa xỉ phẩm, du lịch nước ngoài… thì những người thu nhập trung bình khá ngoài chi tiêu cơ bản sẽ sử dụng các dịch vụ, du lịch trong nước nhiều nhất. Từ đó, góp phần tạo việc làm cho những lĩnh vực này, phát triển kinh tế.
|