Cổ phiếu ngân hàng giúp ‘xanh hóa’ thị trường chứng khoán
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Trong phiên giao dịch ngày 28-9, “sắc xanh” gần như phủ kín nhiều cổ phiếu ngân hàng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa nhỏ tiếp tục đà tăng tích lũy, nhưng việc duy trì dòng tiền tích cực nói chung vẫn là một dấu hỏi.
Phiên giao dịch ngày 28-9 ghi nhận mức tăng thị giá đồng loạt ở nhiều ngân hàng. Hình minh họa: TTXVN |
Trong đó, nhóm tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với mức tăng 6,48%, lên mức 11.500 đồng/cổ phiếu; hay cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt tăng 6,8%, lên mức 11.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CTG của Vietinbank tăng 3,63%, lên mức 27.150 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý là cổ phiếu STB của Sacombank vẫn tiếp tục đà tăng với mức tăng 3,76%, lên mức 13.800 đồng/cổ phiếu. Trong sáu phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu STB đã tăng đến 18,45%.
Tiếp theo đó là nhóm cổ phiếu duy trì sự tăng trưởng ở quanh mức 1-3%, chẳng hạn như cổ phiếu VPB của VPBank tăng 2,15% (lên mức 23.800 đồng/cổ phiếu); cổ phiếu TCB của Techcombank tăng 2% (lên 22.850 đồng/cổ phiếu); cổ phiếu SHB tăng 1,3% (15.600 đồng/cổ phiếu); cổ phiếu ACB tăng 1,8% (22.600 đồng/cổ phiếu), cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV tăng 1,23% (41.300 đồng/cổ phiếu).
Nhóm tăng trưởng thấp hơn bao gồm cổ phiếu HDB của HDBank với mức tăng 0,96% (lên mức 31.450 đồng/cổ phiếu); cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank tăng 0,68% (23.700 đồng/cổ phiếu), cổ phiếu EIB của Eximbank tăng 0,58% (17.200 đồng/cổ phiếu).
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất là VCB của Vietcombank vẫn giữ nguyên mức tham chiếu trong phiên trước đó là 86.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu STB của Sacombank đã có một tuần giao dịch “khủng” khi 2 phiên tăng trần đi kèm theo thanh khoản ở mức rất cao, lần lượt đạt 45,7 và 39,3 triệu cổ phiếu, sau những thông tin đồn đoán về việc Thaco mua lại cổ phiếu bán ra để xử lý nợ xấu của Ngân hàng Kiên Long.
Mặc dù các phía đều bác bỏ tin đồn, nhưng có thể thấy cổ phiếu STB tiếp tục xu hướng tăng mạnh đáng kể xuất hiện từ tuần trước.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong tuần trước, hai cổ phiếu ngân hàng là VCB và STB (và thêm một cổ phiếu khác) ảnh hưởng tích cực đến chỉ số VnIndex, lần lượt đóng góp 3,23 và 0,87 điểm tăng khi chỉ số này tăng 7,32 điểm, tương đương 0,81%.
Trong một xu hướng dài hơn, một số cổ phiếu ngân hàng đang nằm trong xu hướng tăng liên tục từ đầu tháng 9 đến nay. Chẳng hạn như cổ phiếu LPB tăng gần 26,4%, cổ phiếu STB tăng 23%, cổ phiếu HDB tăng gần 11%, SHB tăng 12,23%.
So với đầu tháng 9, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng tăng lên với mức tăng không lớn, như cổ phiếu TCB tăng 7,28%, ACB tăng 6,6%, TPB tăng 5,33%, CTG tăng 5,64%, VCB tăng 3,61%, hay VPB chỉ tăng 1,93%.
Nhận định về dòng tiền chảy vào cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư, bình luận rằng trong phiên giao dịch ngày hôm nay không có gì đột biến trừ một số mã như STB, và giá tăng chỉ nằm ở một số mã chứ không phải toàn bộ.
“Không có lý do gì đặc biệt với nhóm ngân hàng, chủ yếu là dòng tiền nhảy từ nhóm này sang nhóm kia để lướt sóng, chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng nhỏ và trung bình chứ ngân hàng lớn không hưởng lợi nhiều lắm”, ông Khánh bình luận.
Nguồn: Báo cáo dòng vốn ngoại của KIS. |
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán KIS, chỉ số VNIndex kết thúc phiên 28-9 đóng cửa ở mức 912,5 điểm, tăng 0,47%, còn khối lượng giao dịch tăng 406 triệu cổ phiếu, tương đương 7.175 tỉ đồng. Nhóm ngân hàng vẫn dẫn dắt thị trường.
Ngoài ra, dòng tiền cũng chảy vào ngành năng lượng, chẳng hạn như các mã PVT (tăng 3.8%), PVD (tăng 1,3%), PVS (tăng 2,2%), BSR (tăng 7,4%) và OIL (tăng 2,5%). Nhiều mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn cũng giữ mức tăng đáng kể.
Phiên giao dịch hôm nay cũng ghi nhận các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với giá trị 386 tỉ đồng trên HOSE, bán ra nhiều nhất là cổ phiếu VNM, VRE và HPG với giá trị ròng lần lượt là 122 tỉ đồng, 71 tỉ đồng và 67 tỉ đồng.
Trong tuần trước, dòng vốn quỹ ngoại tại Việt Nam ghi nhận mức mua ròng 23 tỉ đồng, trong đó ngành Tài chính, Năng lượng, và Tiêu dùng thiết yếu được mua ròng mạnh nhất, với giá trị mua ròng lần lượt là 177 tỉ đồng, 104 tỉ đồng, và 25 tỉ đồng, theo báo cáo của KIS.