Có lẽ, rất lâu rồi từ ngày xa quê, tôi mới thấy thức quà dân dã này nên vội vàng mua ngay. Những cái bỏng gạo đã nguội, không còn được giòn tan nhưng vẫn giữ được vị bùi ngậy đặc trưng khiến lòng tôi xôn xao nhớ.
Ngày đó, sau mỗi vụ gặt, chúng tôi mới dám xin mẹ mấy lon gạo để đi nổ bỏng, lúc nào mẹ cũng hào phóng cho thêm tiền để mua đường. Chỉ cần có thế, anh em tôi háo hức chở nhau qua chỗ xay xát gạo ở bên kia đồi để nổ bỏng. Những ống gạo trắng tinh, nóng hổi, thơm giòn được cắt từ những bỏng dài chạy ra từ chiếc máy nổ “đùng đùng” sau khi cho nguyên liệu vào cái phễu lớn phía trên.
Anh tôi nhanh chóng gom vào một cái bao lớn, cột chặt lại để khi đem về vẫn giữ được độ giòn. Trẻ con đi nổ bỏng như chúng tôi xếp thành hàng dài chờ đến lượt. Chủ yếu đứa nào cũng chỉ mang gạo và đường, còn khá giả hơn mới có thêm mì tôm, đậu xanh. Không ít lần đã nổ bỏng xong, tôi vẫn nấn ná chưa chịu về vì muốn có cơ hội thưởng thức những cái bỏng được làm từ hỗn hợp nguyên liệu “xa xỉ” kia của tụi bạn. Những chiếc bỏng mới ra lò còn nóng hổi, vừa thổi vừa ăn mùi vị thơm ngon đến lạ.
Cái bao bỏng gạo được tôi giữ gìn như một thứ quý giá, chỉ dám ăn rón rén vì sợ hết nhanh. Sau này lớn lên đi học rồi lập nghiệp phương xa, lắm lúc nhớ quay quắt mùi vị bỏng gạo mà không thể tìm thấy được. Bây giờ ở quê hiếm thấy trẻ con mang gạo đi nổ bỏng như ngày xưa bởi có nhiều thứ quà bánh khác hấp dẫn hơn. Còn đối với tôi, suốt những năm tháng thiếu thốn đó, bỏng gạo trở thành một món quà tuổi thơ ngọt ngào mãi không thể nào quên.