‘Hệ sinh thái Sài Gòn’ | Đời sống

Câu trả lời nghe gọn lỏn: “Không đi sao mau biết Sài Gòn”. Cô bạn đưa lời khuyên lắc đầu đầy lo lắng: “Bà liều thiệt đó!”.
Mấy câu đối thoại ngắn đó với tôi là một đối lập điển hình của hai cách mà các bạn trẻ từ nơi khác đến TP.HCM tiếp cận với lối sống ở một trong những đô thị sôi động nhất Việt Nam. Như các tân sinh viên quê ở tỉnh những ngày này mới đặt chân đến nhập học ở thành phố này.

Hôm rồi tôi nhận được cuộc gọi từ một sinh viên cũ đã ra trường khá lâu. Cô ấy có con gái nhập học trường tôi năm học này. Công thức kinh điển: mẹ sẽ đưa con gái vào nhập học. Tôi cứ muốn gợi ý, rằng cứ thử để con bé tự mình vào Sài Gòn làm thủ tục nhập học và tự sắp xếp mọi thứ cho mình xem sao. Nhưng rồi tôi không nói ra đề nghị đó, vì thấy cô học trò cũ dẫn ra quá nhiều lo lắng liên quan.

Lời khuyên cho một phụ huynh “cả lo” khi có con gái lần đầu rời gia đình để vào Sài Gòn học là gì?

Tôi cố đưa cho cô ấy vài lời khuyên cần thiết, và một trong số đó: “Chậm nhất là hết học kỳ thứ nhất nên có xe máy cho cháu. Sài Gòn sẽ không còn quá đáng lo khi một bạn trẻ tự khám phá những con phố đông ngợp người chật chội xe. Sài Gòn sẽ không quá rộng lớn khi một bạn trẻ bắt đầu dò đường trên bản đồ thành phố rồi tự mình phóng xe máy đến một điểm hẹn nào đó có khi cách ký túc xá cả hơn chục cây số”.

Sợ xe đông nguy hiểm, sợ lạc đường, sợ bị phạt vì chạy xe sai luật, có vẻ như những nỗi sợ đó là rất đáng chia sẻ. Nhưng nói như câu trả lời gọn lỏn của bạn trẻ trong cặp thoại ngắn tôi nghe lỏm được: “Không đi sao mau biết Sài Gòn”.

Không ít lần trong giờ giảng, tôi nhắc vui học trò, rằng sinh viên ở Sài Gòn mà không biết chạy xe máy thì coi như tự nhốt mình, nói chi đến chuyện làm thêm, học này học kia buổi tối để phát triển năng lực bản thân. Với các bạn sinh viên, cái giá trị quan trọng nhất của “hệ sinh thái Sài Gòn” là cả một đống đồ sộ những khóa học thú vị, những buổi nói chuyện chia sẻ đầy trải nghiệm được tổ chức đâu đó khắp thành phố, những nhân vật thú vị mà nếu không có cơ hội cà phê trò chuyện thì coi như bạn thiệt mất khoảng vài tháng đọc sách. Những thứ vô giá ấy mà đem so với chút khó khăn như lạc đường, như kẹt xe thì thật là chẳng biết so sánh.

Nhiều bạn sinh viên trong những ngày đầu tiếp cận Sài Gòn tỏ ra rất năng động, đúng với cái kiểu mà Sài Gòn đòi hỏi các bạn ấy. Muốn đi thì lên xe buýt, thì gọi Grab, thì ké xe máy bạn, thì tự mình phóng xe máy trên đường phố đông đúc. Có bạn quyết tâm trong tháng đầu tiên phải thành thục các tuyến xe buýt cần thiết cho nhu cầu di chuyển của mình mà không chờ đợi đến lúc nào cần đi thì mới lò mò tìm hiểu.

Có bạn đặt mục tiêu phải check-in sớm các công viên lớn của thành phố. Có bạn còn đặt những mục tiêu thú vị hơn để khám phá Sài Gòn: xem phim ở tất các rạp chiếu phim khác nhau. Cũng không ít bạn quyết tâm lên kế hoạch rời “căn cứ địa” ký túc xá sớm nhất để tự thử thách mình trong kịch bản thuê trọ ở nội đô để thuận tiện và chủ động tiếp cận, khai thác “hệ sinh thái Sài Gòn”. Những cái cách mạnh mẽ ấy, ngộ nghĩnh ấy nhiều khi nghe có gì đó không logic lắm, nhưng lại chính là thứ logic hiển nhiên của tuổi trẻ ở thành phố rất trẻ này.

Nếu không, với họ thì “hệ sinh thái Sài Gòn” chẳng có mấy ý nghĩa, thậm chí là một ám ảnh đáng sợ. Mà thế thì sẽ phí uổng “thanh xuân rực rỡ” lắm.




Nguồn