5 sai lầm người dùng hay mắc khi lên mạng

[ad_1]

Đăng bài viết mạng xã hội ở chế độ công khai hay mua sắm trực tiếp từ quảng cáo có thể khiến người dùng gặp rủi ro bảo mật.

Chia sẻ thông tin cá nhân cho cả thế giới cùng xem

Theo nghiên cứu của Pew Research phát hành hôm 15/11, 53% trong số gần 3.000 người dùng Twitter được khảo sát nói hồ sơ của họ được đặt ở chế độ công khai. Tuy nhiên, khảo sát của Pew trên nền tảng này với khoảng 1.000 tài khoản cho thấy tỷ lệ lớn hơn rất nhiều, đạt 89%.

Ảnh: Dreamstime

Ảnh: Dreamstime

Các chuyên gia cho rằng, người dùng mạng xã hội thường có thói quen công khai rất nhiều dữ liệu cá nhân. Kẻ xấu có thể lợi dụng những thông tin trên đó, như tên, địa chỉ, nghề nghiệp, email, số điện thoại, hình ảnh gia đình… để quấy rầy, gửi tin rác hoặc các ý định xấu khác.

Mua sắm trực tiếp từ quảng cáo

Ngày nay, quảng cáo từ mạng xã hội, trình tìm kiếm, website đã trở nên quen thuộc. Chúng được các nền tảng đề xuất dựa trên thói quen duyệt nội dung của mỗi người. Tuy nhiên, đây cũng là cách phổ biến để tội phạm “săn” nạn nhân.

Hacker có thể tạo một quảng cáo hấp dẫn, lừa người dùng truy cập một website với giao diện giả mạo và chứa mã độc, từ đó thu thập thông tin thẻ ngân hàng, mã ví tiền điện tử… Theo các chuyên gia, người dùng nên tìm sản phẩm mình quan tâm trên các website chính thức, kiểm tra kỹ địa chỉ web trước khi nhập các dữ liệu nhạy cảm như thông tin tài chính, thẻ tín dụng.

Để lộ mạng Wi-Fi gia đình

Đầu năm nay, một gia đình ở Anh bị triệu tập, liên quan tới một vụ án nghiêm trọng. Theo BBC, thông qua việc dò địa chỉ IP, cảnh sát xác định cặp vợ chồng đã đăng tải ảnh mô tả hành vi ngược đãi trẻ em, dù cả hai từ chối. Điều tra sau đó cho thấy, hacker đã lợi dụng mạng gia đình đặt mật khẩu mặc định của nhà sản xuất, sau đó chiếm quyền điều khiển và đăng nội dung độc hại.

Theo khuyến cáo, thói quen không đổi mật khẩu Wi-Fi mặc định, hoặc đặt mật khẩu yếu, dễ đoán dễ bị hacker khai thác. Chúng có thể xâm nhập và thực hiện các hành vi xấu. Điều này khá phổ biến và liên tục được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn không quan tâm.

Người dùng cần đổi mật khẩu thường xuyên, cũng như kiểm tra trong mạng gia đình xem có IP lạ xâm nhập hay không và loại bỏ chúng sớm nhất có thể.

Dùng chung mật khẩu

Không ít người có thói quen sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều dịch vụ khác nhau, như chung mã PIN cho điện thoại, thẻ ngân hàng, máy tính…Một số người khác cũng đặt mật khẩu dễ đoán như số điện thoại, ngày sinh, chuỗi ký tự liền nhau trên bàn phím.

Người dùng nên đặt mật khẩu mạnh chứa chữ viết hoa và viết thường, số, ký tự đặc biệt…hoặc sử dụng trình quản lý mật khẩu trong trường hợp hay quên. Các phương thức xác thực bằng sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt, mống mắt… cũng được khuyên dùng.

Cấp quyền cho mọi ứng dụng

Một số người có thói quen đồng ý cấp quyền truy cập cho ứng dụng khi cài đặt mà không đọc kỹ các điều khoản. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như lãng phí tài nguyên máy, hoặc nghiêm trọng hơn là bị đánh cắp dữ liệu nhạy cảm, phát tán mã độc…

Các chuyên gia bảo mật cho rằng người dùng cần “tỉnh táo” khi cấp quyền. Ví dụ, một phần mềm thời tiết cần quyền truy cập vị trí để dự báo chính xác, nhưng đòi quyền truy cập máy ảnh là điều cần nghi vấn.

Bảo Lâm (theo Komando)

[ad_2]