Khi còn là sinh viên ngành vật lý, kinh tế học tại đại học Pennsylvania, Elon Musk đã tin vào 5 công nghệ có thể thay đổi thế giới.
Theo cuốn Elon Musk: Tesla, SpaceX, and the Quest for a Fantastic Future (Elon Musk: Tesla, Space và nhiệm vụ cho một tương lai diệu kỳ) của tác giả Ashlee Vance, Musk chuyển đến trường Wharton vào năm 1992 bằng học bổng sau khi trải qua hai năm tại đại học Queen ở Ontario, Canada. Ông mơ ước về việc khám phá vũ trụ và liên tục nói về ôtô điện. Khi đó, Musk tin vào 5 điều có thể thay đổi thế giới.
Internet
Ngay khi xuất hiện đầu thập kỷ 90, Must tin rằng Internet sẽ thay đổi nhân loại về cơ bản và coi đây là điều hiển nhiên sẽ xảy ra. Ông so sánh Internet với hệ thần kinh của con người: “Nếu bạn không có hệ thần kinh, bạn sẽ không biết chuyện gì xảy ra quanh mình. Các ngón tay, ngón chân của bạn sẽ mất tri giác”.
Khi còn đi học, Musk rất ít truy cập Internet. Ông chỉ vào mạng khi tìm thông tin cho việc học trong ngành vật lý của mình. “Trước đây, thông tin được lan truyền bằng phương pháp khuếch tán qua thư, điện thoại. Cách này rất chậm. Bạn cũng không thể tiếp cận sách báo nếu không có thư viện. Bây giờ, bạn có thể tiếp cận mọi thứ gần như lập tức, dù ở một khu vực hẻo lánh”, Musk nói. “Điều này giống các bộ phận cơ thể được nhận thông tin điều khiển từ não ngay lập tức.
Cuộc sống đa hành tinh
Musk tin rằng “tạo ra cuộc sống đa hành tinh và sự hiểu biết đa hành tinh” sẽ thay đổi thế giới.
Khi còn là đứa trẻ, ông bị ảnh hưởng bởi khoa học giả tưởng và luôn tin rằng ngày nào đó “các con tàu không gian sẽ giúp loài người vươn ra vũ trụ”. Trước đó, ông từng kể rằng 7 cuốn sách của bộ truyện khoa học giả tưởng Foundation viết bởi Isaac Asimov là “động lực để ông thành lập công ty Hàng không Vũ trụ SpaceX”.
Ngày 30/5 vừa qua, SpaceX đã lần đầu tiên đưa 2 phi hành gia của NASA lên quỹ đạo. Đó là cột mốc đánh dấu quá trình du hành không gian của loài người, giúp Musk bước gần hơn đến tham vọng đặt chân sao Hỏa.
Công nghệ thay đổi gen nhân loại
Giống một nhân vật trong phim Gattaca năm 1997 phải trải qua quá trình cải tạo gen để theo đuổi giấc mơ du hành vũ trụ, Musk tin rằng việc thay đổi gen của con người có thể thay đổi thế giới. Điều đó đã xảy ra với công nghệ Crispr.
Musk không ủng hộ hay chống lại việc biến đổi gen. Ông chỉ nói rằng nhiều khả năng công nghệ gen sẽ thay đổi tương lai.
Năng lượng bền vững
Khi còn là thiếu niên, Musk thấy mình có trách nhiệm với số phận của nhân loại và bị hấp dẫn bởi ý tưởng tạo ra “công nghệ năng lượng sạch”. Bởi vậy ông tin rằng năng lượng bền vững sẽ thay đổi tương lai.
Sự bền vững rất quan trọng trước khi những tác động môi trường trở nên rõ ràng. Nếu khai thác và đốt nhiều hydrocarbon, một lúc nào đó chúng sẽ cạn kiệt. “Nó không giống kim loại, chúng ta sẽ không bao giờ hết kim loại nhưng sẽ hết hydrocarbon”, ông nói.
Năm 2004, Musk trở thành người đồng sáng lập công ty xe điện Tesla. Năm 2008, ông trở thành CEO công ty này. Tuần trước, Tesla đã trở thành nhà sản xuất ôtô giá trị nhất thế giới, khi lần đầu tiên vốn hóa thị trường của công ty xe điện này vượt qua Toyota.
Trí thông minh nhân tạo
Năm 2019, tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải, Musk, người đồng sáng lập phòng thí nghiệm nghiên cứu AI phi lợi nhuận OpenAI, cho biết máy tính sẽ vượt qua con người bằng mọi cách. Con người sẽ mất việc vì robot hay một chủng tộc AI tiềm năng sẽ lấn át loài người. “AI có tiềm năng lớn hơn những gì mọi người biết. Tốc độ phát triển của AI theo cấp số nhân”, ông nói tại hội nghị công nghệ South by Southwest 2018.
Musk cũng thành lập công ty Neuralink nghiên cứu kết hợp máy tính với trí não vì ông tin rằng con người phải hợp nhất với AI để tránh bị gạt bỏ. “Tôi muốn có sự kết hợp chặt chẽ giữa trí tuệ con người và trí thông minh kỹ thuật số”, ông nói. “Tôi và Neuralink đang cố gắng giải quyết vấn đề đó bằng cách tạo ra sự liên kết giữa AI và não người”.
Nghĩa Lê (theo CNBC)