Xuất khẩu mực, bạch tuộc hồi phục ở nhiều thị trường chính

Tháng 8, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường chính như Hàn Quốc, ASEAN, EU, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Israel đều tăng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tháng 8 năm nay, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam tăng 22% đạt 53,7 triệu USD.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vẫn giảm 10,5% so với cùng kỳ 2019, đạt gần 345 triệu USD, do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trong tổng cơ cấu giá trị, mực chiếm 55,2%, bạch tuộc chiếm 44,8%. Giá trị xuất khẩu bạch tuộc giảm mạnh hơn mực. Xuất khẩu bạch tuộc chế biến giảm mạnh nhất, với 28%. Mực khô, nướng là mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương với 23%, đạt 79,3 triệu USD.

8 tháng đầu năm, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 42% tổng giá trị. Xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đã tăng liên tục trong 3 tháng 6,7 và 8. Tháng rồi, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang nước này tăng 30,8% đạt 20,7 triệu USD.

Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai, chiếm tỷ trọng 23%, với kim ngạch 8 tháng đầu năm gần 79,5 triệu USD, giảm 19%. Xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật đã giảm liên tục từ tháng 5 đến tháng 8.

Nhu cầu nhập mực, bạch tuộc Việt Nam của EU trong tháng 8 cũng tăng trở lại 10%, đạt 5,8 triệu USD. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 đã mang lại ưu đãi thuế cho mực, bạch tuộc Việt Nam nên có khả năng tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện vào những tháng còn lại của năm.

Vasep dự báo, trong bối cảnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế trên toàn thế giới, nguồn cung nguyên liệu sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của thế giới và xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam thời gian tới có thể vẫn giảm. Dự kiến, xuất khẩu , bạch tuộc năm nay sẽ giảm khoảng 10%.

Dỹ Tùng

Nguồn