Xây dựng phương án học tập cho học sinh không tham gia hoạt động trải nghiệm | Giáo dục

Ngày 28.9, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm năm học 2020 – 2021.

Theo quy định của Bộ, giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục trong chương trình chính khóa, được bố trí 2 tiết/tháng. Do đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị nhà trường bố trí thực hiện trong khung chương trình chính khóa, thể hiện trong kế hoạch giáo dục, thực hiện phân công người phụ trách và thời khóa biểu của nhà trường.

Đồng thời, khi thực hiện, các trường phải đảm bảo các nội dung tiếp cận chương trình trải nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đổi mới nội dung các chủ đề phù hợp với xã hội hiện nay: Nghề tương lai trong cách mạng 4.0; Giao tiếp mạng xã hội; Smartphone trong đời sống xã hội; Văn hóa giao thông; Văn hóa gia đình. Tăng cường thay đổi hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong nhà trường.

Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cần chuyển sang hướng hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo.

Các hoạt động học tập trải nghiệm có thực hiện kiểm tra đánh giá phải đảm bảo các yêu cầu sau: Đảm bảo nội dung học tập trải nghiệm phải phù hợp với môn học, nhóm môn học theo khối lớp, phù hợp chuẩn kỹ năng kiến thức theo chương trình giáo dục hiện hành và tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo nội dung triển khai phù hợp với lượng kiến thức, thời gian, không gian phù hợp tổ chức hoạt động học. Nội dung xây dựng trên từng khối lớp cụ thể. Tránh các nội dung không xác định được vị trí kiến trức trong chương trình chuẩn kiến thức kỹ năng hiện hành, tổ chức một chuyên đề, xây dựng một bài bài thu hoạch, 1 bài kiểm tra cho nhiều khối lớp.

Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, công khai. Do đó, khi tổ chức, các cơ sở giáo dục phải xây dựng phương án học tập tương đương để học sinh không tham gia được học tập tại trường hoặc tại nhà.




Nguồn