‘Vua cá tra’ Hùng Vương lỗ gần ngàn tỉ | Tài chính – Kinh doanh

Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và lũy kế cả năm tài chính 2018 – 2019 kết thúc vào ngày 30.9.2019.

Theo đó trong quý 4, Hùng Vương đạt doanh thu 687 tỉ đồng, giảm gần 1.000 tỉ đồng so cùng kỳ năm trước. Kết quả công ty bị lỗ sau thuế trong quý này gần 240 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 382 tỉ đồng.

Lũy kế cả năm tài chính 2018 – 2019, doanh thu của Hùng Vương giảm hơn 50% từ 8.100 tỉ đồng của năm trước xuống còn 3.951 tỉ đồng. Công ty bị lỗ cả năm là 496,5 tỉ đồng trong khi năm trước vẫn có lãi 16,22 tỉ đồng. Tính chung mức lỗ lũy kế của Hùng Vương đến hết ngày 30.9.2029 lên gần 892 tỉ đồng.

Cuối năm tài chính 2019, doanh nghiệp này cũng ghi nhận lượng nợ phải trả gần 7.214 tỉ đồng, tăng 12% (tương ứng 773 tỉ đồng) so với đầu năm. Phần tăng lên chủ yếu là tiền phải trả người bán ngắn hạn, tăng từ 2.475 tỉ đồng lên đến 3.417 tỉ đồng. Riêng tổng lượng nợ vay của Hùng Vương vào cuối năm tài chính 2019 là 3.062 tỉ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Việc thua lỗ nặng nề đã khiến kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 của HVG ở mức 255 tỉ đồng trước đó bị phá sản. Nhưng trái ngược với việc lỗ khủng, cổ phiếu HVG trên sàn TP.HCM đã có 10 phiên tăng giá liên tục, từ 2.720 đồng lên 4.460 đồng, tăng gần 63%. Riêng 3 phiên liên tục vừa qua từ ngày 25 – 29.10 đều tăng trần.
Mới đây vào ngày 28.10, Công ty cổ phần Hùng Vương cũng công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị sẽ bán toàn bộ 5 triệu cổ phiếu quỹ đang có theo khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn TP.HCM. Thời gian giao dịch sẽ bắt đầu sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết. Với mức giá hiện tại 4.460 đồng/cổ phiếu, nếu bán số cổ phiếu này Hùng Vương sẽ thu về được 22,3 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Hùng Vương do doanh nhân Dương Ngọc Minh sở hữu, vốn được mệnh danh là “vua cá tra” khi luôn dẫn đầu trong xuất khẩu sản phẩm này tại Việt Nam. Sau quá trình phát triển mạnh thì năm tài chính 2017, công ty này bất ngờ báo lỗ gần 713 tỉ đồng sau thuế. Khi đó công ty giải trình bị lỗ là do thiếu hụt nguyên liệu khiến nhà máy hoạt động cầm chừng. Đồng thời chi phí lãi vay tăng cao khi công ty mở rộng đầu tư các dự án như chăn nuôi heo, xây kho lạnh… 



Nguồn