Viettel xin gỡ cơ chế để ‘tiêu được tiền cho nghiên cứu khoa học’

[ad_1]

Theo quyền Chủ tịch Viettel, vì cơ chế rất khó, mỗi năm doanh nghiệp này có 4.000 tỷ để nghiên cứu khoa học nhưng chỉ tiêu được 700 tỷ trong số đó.

Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số phiên chiều nay (11/12), ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ theo hướng tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

“Mỗi năm, Viettel có khoảng 4.000 tỷ để nghiên cứu khoa học, nhưng vì cơ chế rất khó nên chỉ tiêu được khoảng 700 tỷ”, ông Dũng nói và khẳng định nếu tiêu được thêm, chắc chắn kết quả nghiên cứu khoa học sẽ được nhiều hơn.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel. Ảnh: Phạm Chiểu

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel chia sẻ tại sự kiện chiều 11/12. Ảnh: Phạm Chiểu

Theo ông Dũng Viettel xác định hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ số đóng vai trò “cực kỳ quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội số”. Tập đoàn quyết tâm tự chủ nghiên cứu, sản xuất ra các thiết bị, hệ sinh thái hạ tầng mạng viễn thông và hạ tầng số thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”.

“Nếu tiếp tục đi mua của nước ngoài, chúng ta sẽ không làm chủ được công nghệ, đảm bảo an toàn an ninh mạng lưới, bảo mật thông tin”, lãnh đạo Viettel nói.

Hiện tại, Viettel đã làm chủ ba lớp công nghệ 4G gồm lõi, truyền dẫn và truy nhập. Với 5G, tập đoàn đã phát triển thành công thiết bị thu phát và làm chủ thiết kế hai dòng chipset của công nghệ 5G.

Viettel đã có 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 9 bằng tại quốc tế cùng hàng trăm bằng đang nộp khác. Trong tương lai, Viettel hướng tới phát triển công nghệ bán dẫn để sản xuất chipset 5G tại Việt Nam và tham gia nghiên cứu 6G, cũng như bắt đầu đặt nền móng cho công nghệ vũ trụ với hệ thống vệ tinh viễn thám.

Ngoài kiến nghị về cơ chế chi tiền cho nghiên cứu, Quyền Chủ tịch Viettel cũng xin các chính sách đặc thù cho các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” tại thị trường nội địa. Ông cho biết, hiện nay, Viettel rất muốn bán các sản phẩm tại thị trường nội địa, nhưng còn vướng các cơ chế khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa thể mua được sản phẩm công nghệ cao của Viettel.

Cuối cùng, tập đoàn này kiến nghị Chính phủ xác định đối tác chiến lược về khoa học công nghệ cấp quốc gia, định hướng hợp tác về khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp và cho đất nước.

Diễn đàn Quốc gia doanh nghiệp công nghệ số 2021 là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Đây là năm thứ ba diễn đàn được tổ chức. Năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Ông cho biết, các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và giao cho từng doanh nghiệp. “Nhận phát triển chúng là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và nó giữ lại cho chúng ta tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Anh Tú

[ad_2]