Việt Nam mất 5.000 tỷ nếu đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân chậm tiến độ

[ad_1]

Dự án đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân nếu chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD (23 tỷ đồng), chậm 6 tháng mất 5.000 tỷ.

Đây là những thiệt hại được tính toán và nêu trong hợp đồng BOT nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 đã được ký. Theo hợp đồng BOT nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, dự án đường dây này phải hoàn thành trong tháng 12/2022. Nếu dự án đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân chậm quá 6 tháng, hợp đồng BOT sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.

Dự án đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân ngoài giải toả công suất cho nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1; còn có nhiệm vụ giải toả công suất cho nhà máy thuỷ điện tích năng Bắc Ái và các nguồn năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà…

Tuy nhiên, khối lượng công việc nhiều, vướng khâu giải phóng mặt bằng tại các địa phương, nguy cơ dự án chậm tiến độ là rất lớn.

Riêng về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hiện Khánh Hoà bàn giao 52 vị trí móng (30% tổng vị trí móng), còn Ninh Thuận mới bàn giao được 4 vị trí trong tổng số 132 móng cột. Bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các địa phương này chậm nên chủ đầu tư chưa thể bàn giao mặt bằng sạch thi công cho các nhà thầu.

Vị trí móng 213 đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân được các nhà thầu thi công. Ảnh: EVNNPT

Vị trí móng 213 đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân được các nhà thầu thi công. Ảnh: EVNNPT

Theo thiết kế, tại Khánh Hoà có 117 vị trí móng cột nằm trên đất rừng (46 vị trí móng nằm trên đất rừng tự nhiên và 71 vị trí móng nằm trên đất rừng trồng). Tại tỉnh Ninh Thuận có 27 vị trí qua rừng tự nhiên, 14 vị trí qua rừng trồng phòng hộ.

Tổng công ty truyền tải điện (EVNNPT) – chủ đầu tư dự án đã hoàn thành kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ và đường tạm thi công, cũng như thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng tại các địa bàn nơi đường dây đi qua và trình UBND tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận. Nhưng hiện các thủ tục này vẫn đang chờ các địa phương trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trước khi trình Thủ tướng xem xét, thông qua.

Ngoài ra, khó khăn lớn khác mà EVN đang gặp phải là việc chọn nhà thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị. Do ảnh hưởng của Covid-19, giá nguyên vật liệu, vật tư thiết bị, chi phí nhân công… đều tăng cao.

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận ngày 9/9, ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN đã nêu loạt khó khăn của dự án này với lãnh đạo các địa phương. Ông Nhân kiến nghị tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận có giải pháp, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng tiến độ, tránh trường hợp Việt Nam phải bồi thường theo hợp đồng BOT nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 đã ký.

Tổng giám đốc EVN kiến nghị các địa phương hoàn thành từng thủ tục pháp lý trong giải phóng mặt bằng, nhanh chóng bàn giao các vị trí móng, mặt bằng trạm biến áp của dự án chậm nhất cuối tháng 12. Các tỉnh cũng cần bàn giao hành lang an toàn lưới điện chậm nhất tháng 6/2022.

Tổng giám đốc EVN cũng kiến nghị hai tỉnh này phê duyệt chuyển đổi với rừng trồng; hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương chuyển đổi đối với rừng tự nhiên trong tháng 9 năm nay. EVN cũng kiến nghị các tỉnh có biện pháp xử lý dứt điểm với những trường hợp không chấp hành phương án bồi thường đã được phê duyệt hoặc cố tình cản trở thi công.

Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh nhận thức rất rõ tầm quan trọng của dự án trong việc giải tỏa công suất của nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và các nguồn điện tái tạo trên địa bàn. Các dự án này cũng sẽ đóng góp lớn vào ngân sách địa phương khi vận hành.

Vì thế, với những kiến nghị của EVN, ông yêu cầu các Sở, ngành sớm tham mưu để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Các địa phương có đường dây đi qua tổ chức vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công các vị trí móng và hành lang tuyến theo đúng yêu cầu tiến độ của chủ đầu tư.

Anh Minh

[ad_2]