Vì sao trường học Trung Quốc bốc thăm tuyển sinh?

Để hạn chế phụ huynh tranh đua giành suất cho con vào trường công lập top đầu, nhiều tỉnh, thành phố tại Trung Quốc tuyển sinh bằng bốc thăm.

Các tháng hè là thời điểm căng thẳng với phụ huynh Trung Quốc có con thi đại học. Nhưng cha mẹ có con nhỏ tuổi hơn cũng lo lắng không kém vì ngày càng nhiều thành phố phân bổ học sinh trường mẫu giáo, tiểu học và THCS dựa vào kết quả xổ số hoặc bốc thăm.

Tại Trung Quốc, chất lượng trường công lập không đồng đều. Tỷ lệ học sinh phổ thông đỗ vào các trường đại học danh tiếng là niềm tự hào cho các tỉnh, thành phố nên sở giáo dục địa phương đặc biệt chú trọng đào tạo nhân tài. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, họ chỉ có thể tập trung vào một số trường điểm.

Sự bất bình đẳng trên tạo nên cuộc chạy đua khốc liệt giữa phụ huynh nhằm tranh suất vào trường tốt cho con. Việc cạnh tranh đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận, đặc biệt khi nó ủng hộ những người có lợi thế về mặt tài chính.

Bên cạnh đó là chính sách ưu tiên người nộp hồ sơ trước, dẫn đến những “cuộc đua” bất ngờ như phụ huynh dựng lều ngoài cổng trường trước ngày bắt đầu thu hồ sơ. Ví dụ năm 2015, rất nhiều phụ huynh đã “cắm trại” 5 ngày trước cổng một trường mầm non tại thủ đô Bắc Kinh để xin nhập học cho con.

Nhiều thành phố phân bố yêu cầu tuyển sinh dựa trên khoảng cách địa lý giữa trường học và nhà học sinh hay theo giá nhà đất từng khu vực. Những cuộc tranh đua đặc biệt gay gắt ở các thành phố lớn. Điển hình là các căn hộ có kích thước siêu nhỏ tại Bắc Kinh nằm trong khu trường học hàng đầu được bán với giá hàng triệu nhân dân tệ. Điều này khiến các gia đình có điều kiện kinh tế kém hơn bị động trong việc chọn trường.

Phụ huynh phản đối phương án tuyển sinh trường công dựa trên bốc thăm. Ảnh: Sixth Tone.

Phụ huynh phản đối phương án tuyển sinh trường công dựa trên bốc thăm. Ảnh: Sixth Tone.

Năm 2017, chính quyền thành phố Bắc Kinh quyết định tuyển sinh theo phương án bốc thăm. Cách làm này đang dần được áp dụng ở nhiều tỉnh, thành phố khác, bao gồm các thành phố nhỏ như Sán Đầu.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản đối việc bốc thăm do lo ngại con không thể giành suất vào những trường tốt nhất. Họ cho rằng việc bốc thăm quá may rủi, không phải thành công thật sự.

Trong những năm gần đây, các cơ quan giáo dục đã tìm nhiều phương án nhằm thu hẹp khoảng cách giữa trường điểm và trường thường như luân chuyển giáo viên hàng năm, phân bổ học sinh đồng đều trong khu vực. Tuy nhiên, những sáng kiến này chưa tạo nên sự thay đổi. Lấy ví dụ việc luân chuyển giáo viên thường diễn ra trong một năm, số lượng ít nên không thể tạo ra tác động tích cực.

Cùng với các phương án thu hẹp, việc tuyển sinh dựa trên kết quả xổ số hay bốc thăm vẫn đang được áp dụng. Theo ước tính, chỉ khoảng 10% học sinh may mắn vào được trường top đầu như mong đợi.

Cha mẹ của những em không được nhận không thể làm gì khác nhưng họ không gục ngã. Nhiều người tin tưởng rằng con cái không vào được trường giỏi nhưng nếu chăm chỉ, nỗ lực, các em sẽ thành công trong kỳ thi vào đại học.

Tú Anh (Theo Sixth Tone)

Nguồn