Vì sao nhiều doanh nhân Ấn Độ thành công ở Mỹ?

[ad_1]

Chuyên môn tốt, không lập dị và phong cách lãnh đạo ôn hòa được coi là chìa khóa thành công của nhiều doanh nhân gốc Ấn.

Người gốc Ấn chỉ chiếm 1,2% dân số nước Mỹ. Tuy nhiên, một điều rất dễ thấy họ lãnh đạo các công ty hàng đầu, thống trị nhiều lĩnh vực như công nghệ, nghiên cứu khoa học và y học. Họ cũng phát triển mạnh trong các ngành như khách sạn, vận tải và bất động sản. Thống đốc của hai trong số các bang bảo thủ nhất Mỹ là người gốc Ấn. Ngay cả phó tổng thống Mỹ cũng vậy.

Việc Parag Agrawal được chọn làm CEO Twitter thay thế nhà sáng lập Jack Dorsey đã từ chức đánh dấu thắng lợi tiếp theo cho các doanh nhân người Ấn Độ. Kỹ sư 37 tuổi sinh ra và được giáo dục ở Ấn Độ đã trở thành lãnh đạo trẻ nhất trong S&P 500.

“Google, Microsoft, Adobe, IBM, Palo Alto Networks và bây giờ là Twitter được điều hành bởi các giám đốc lớn lên từ Ấn Độ”, Patrick Collison – đồng sáng lập gã khổng lồ thanh toán trực tuyến Stripe, chỉ ra trên Twitter ngay sau khi Agrawal nhậm chức. Cùng lúc đó, tỷ phú Elon Musk cũng đăng trên Twitter rằng: “Mỹ được hưởng lợi rất nhiều từ tài năng của Ấn Độ”.

Anand Mahindra – ông trùm đứng sau Mahindra Group, gã khổng lồ có trụ sở chính tại Mumbai, nói đùa rằng: “Đó là virus CEO người Ấn. Không vaccine nào có thể chống lại được”.

Parag Agrawal - CEO 37 tuổi, người Ấn Độ của mạng xã hội Twitter. Ảnh: Twitter

Parag Agrawal – CEO 37 tuổi người Ấn Độ của Twitter. Ảnh: Twitter

Các chuyên gia quản trị doanh nghiệp cho biết, họ không ngạc nhiên trước số lượng lớn và ngày càng tăng của các giám đốc điều hành gốc Ấn Độ, đặc biệt trong các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ. Hệ thống giáo dục của đất nước Nam Á này luôn được dự báo trước là nơi sản sinh ra những tài năng công nghệ. Jeffrey Sonnenfeld – giáo sư tại Trường Quản lý Yale, cho biết hệ thống Học viện Công nghệ Ấn Độ – gồm nhiều trường đại học công lập trên khắp đất nước, thường sản sinh ra những sinh viên làm việc rất tốt trong lĩnh vực công nghệ.

Năm 2006, nhóm nghiên cứu Saxenian công bố, các giám đốc điều hành gốc Ấn đã thành lập 15,5% công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, dù họ chỉ chiếm 6% lao động của khu vực này. Tỷ lệ trên đến nay đã tăng lên nhanh chóng. Những người sáng lập Ấn Độ hầu như đều được đào tạo trong các trường đại học nổi tiếng.

Trước khi hoàn thành chương trình tiến sĩ về khoa học máy tính tại Đại học Stanford, CEO Twitter đã theo học tại Học viện Công nghệ Ấn Độ ở Mumbai. CEO Google Sundar Pichai cũng tốt nghiệp Học viện Công nghệ Ấn Độ ở Kharagpur.

Khi chọn Agrawal làm lãnh đạo mới, Twitter đã ưu tiên một kỹ sư công nghệ để gánh vác vai trò này, thay vì một doanh nhân được nhiều người biết đến. Cha mẹ của Agrawal nói rằng, con trai họ luôn thích toán học, máy tính và ôtô. Agrawal luôn tìm kiếm các tạp chí và tài liệu về chủ đề này bất cứ khi nào cả nhà đi du lịch.

Có nguồn tin tiết lộ rằng chính Jack Dorsey đã thuyết phục các thành viên hội đồng quản trị rằng Agrawal là sự lựa chọn tốt nhất vì nền tảng kỹ thuật của ông rất tốt. Thực tế là Agrawal đã thăng tiến qua nhiều cấp bậc tại Twitter trong một thập kỷ qua. Một thành viên trong hội đồng quản trị Twitter cũng đồng ý và cho rằng, nhiều kỹ sư công nghệ cũng đã thành công dù ít được biết đến trước khi họ nắm quyền lãnh đạo, chẳng hạn như Satya Nadella của Microsoft và Shantanu Narayen của Adobe.

Đối thủ cạnh tranh với Agrawal cho ghế CEO có thể bao gồm Vijaya Gadde – giám đốc pháp lý, cũng sinh ra ở Ấn Độ. Nhưng có nguồn tin xác nhận rằng, hội đồng quản trị và các nhà đầu tư muốn một người có “chuyên môn về kỹ thuật hoặc phát triển sản phẩm” nắm giữ vị trí này hơn.

Satya Nadella - CEO Microsoft là người theo tư tưởng Phật giáo. Ảnh: Bloomberg

Satya Nadella – CEO Microsoft là người theo tư tưởng Phật giáo. Ảnh: Bloomberg

Amanda Goodall – phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Bayes, tin rằng việc Thung lũng Silicon muốn có những nhà lãnh đạo sở hữu nền tảng kỹ thuật hơn là kỹ năng quản lý có thể là lý do khiến lĩnh vực này có rất nhiều kỹ sư được đào tạo tại Ấn Độ. Bà cho biết: “Ở Ấn Độ, chuyên môn vẫn rất có giá trị. Và Thung lũng Silicon luôn cố gắng duy trì chất lượng kỹ thuật từ các CEO của họ”.

Hệ thống giáo dục của Ấn Độ, được biết đến với việc khuyến khích khoa học và công nghệ. Điều này rất quan trọng đối với nhiều công ty phương Tây. Nó khiến quốc gia Nam Á trở thành nơi hiển nhiên để các công ty ở Thung lũng Silicon tìm kiếm nhân tài.

Một lý do khác cho xu hướng này là tư tưởng “sùng bái” những nhà sáng lập công nghệ có tính cách kỳ quặc dần dịu xuống. Các nhà đầu tư cũng đang ngày càng thất vọng với những doanh nhân mang tính cách này.

Năm ngoái, một bài đăng trên Twitter của Elon Musk đã làm bốc hơi 14 tỷ USD vốn hóa của Tesla. Musk khi đó nhận xét rằng giá cổ phiếu Tesla “quá cao”. Trong khi đó, Jack Dorsey bị chỉ trích vì thường xuyên đưa ra những bình luận mang “giọng điệu chói tai”. Cựu CEO Twitter cũng dần xao nhãng trách nhiệm tại công ty vì các kế hoạch kinh doanh và cá nhân khác. Doanh nhân 45 tuổi này từng tan ca sớm để tham gia các lớp học yoga hoặc thời trang, cũng như tham gia các khóa thiền trong 10 ngày và muốn dành 6 tháng ở châu Phi.

Năm ngoái, quỹ đầu tư Elliott Management rót một tỷ USD vào Twitter và yêu cầu thay thế Jack Dorsey. Trong lá thư từ chức gửi nhân viên, cựu CEO cũng thừa nhận: “Có rất nhiều lời bàn tán về tầm quan trọng của một công ty do ‘nhà sáng lập lãnh đạo’. Tôi tin rằng đó là hạn chế nghiêm trọng và là điểm thất bại duy nhất”.

Vivek Wadhwa – một nhà kinh doanh và học thuật công nghệ gốc Ấn Độ, lập luận rằng các thành viên hội đồng quản trị và các cổ đông hiện coi trọng kinh nghiệm phong phú của những người đến từ một quốc gia khác và xuất phát từ những vị trí nhỏ trong công ty. Parag Agrawal là một điển hình.

“Kiến thức kỹ thuật đã tạo ra sự khác biệt lớn, nhưng cũng không hiếm người có chuyên môn cao về lĩnh vực này. Điều tạo nên sự khác biệt là khả năng bao quát để gắn kết công ty và không làm những điều điên rồ. Có rất nhiều người thông minh trên thế giới, nhưng không phải tất cả họ đều thể hiện sự khiêm tốn”, ông nhấn mạnh.

Sundar Pichai - CEO Google là người có cách quản trị nhẹ nhàng và khiêm tốn. Ảnh: Daily Mail

Sundar Pichai – CEO Google là người có cách quản trị nhẹ nhàng và khiêm tốn. Ảnh: Daily Mail

Ngoài giáo dục, văn hóa cũng là chìa khóa thành công của các doanh nhân gốc Ấn. Khi Satya Nadella nhậm chức CEO Microsoft vào tháng 2/2014, ông đã thừa hưởng một nền văn hóa được cho là “độc hại” tại đây. Bill Gates nổi tiếng hay mắng mỏ nhân viên và Steve Ballmer – người kế nhiệm Bill Gates, tiếp tục chiến thuật kinh doanh cứng rắn khiến các đối tác luôn ghét bỏ. Microsoft đã thua trong cuộc chiến giành thị phần điện thoại thông minh và nền tảng công nghệ mà họ đã xây dựng rất thành công – máy tính để bàn – đang nhường chỗ cho hệ thống đám mây.

Nadella đã chọn tập trung đầu tiên vào việc thay đổi văn hóa của Microsoft. Vốn là người Ấn Độ và với niềm tin Phật giáo, ông đã quyết tâm biến Microsoft thành một công ty luôn chấp nhận sự tò mò với triết lý “học tất cả”, trái ngược với thế giới quan “biết tất cả” của công ty lúc bấy giờ. Ông cũng nói rõ rằng, những hành vi hung hăng không còn được hoan nghênh. Không tức giận hoặc la mắng trong các cuộc họp, không bao giờ lớn giọng hoặc thể hiện sự tức giận quá mức với nhân viên hoặc đội ngũ điều hành, không bao giờ viết email giận dữ, ông đã không ngừng làm việc để tạo ra một môi trường thoải mái hơn.

Kết quả của sự thay đổi văn hóa và thay đổi chiến lược là vốn hóa của Microsoft đã tăng từ 300 tỷ USD khi Nadella nhậm chức lên 2.500 tỷ USD. Ngày nay, công ty này là một trong hai doanh nghiệp giá trị nhất thế giới.

Sundar Pichai cũng “thừa kế” một công ty có vấn đề về văn hóa. Google được biết đến với văn hóa công sở phóng túng, có nhiều scandal về chuyện tình cảm giữa các giám đốc và nhân viên.

Với phong cách nhẹ nhàng và khiêm tốn, Pichai đã đưa công ty vào quỹ đạo đúng đắn. Ông đã đạt được thành công tương tự các CEO công nghệ gốc Ấn như Shantanu Narayen của Adobe hay Jayshree Ullal của Arista Networks. Ngoài lĩnh vực công nghệ, các CEO gốc Ấn khác cũng để lại dấu ấn bao gồm Indra Nooyi tại PepsiCo và Ajay Banga tại Mastercard.

Tất Đạt (theo The Telegraph, Hindustan Times, Fortune)

[ad_2]