Truyền thống mua một trả gấp đôi ở Thổ Nhĩ Kỳ

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất thích giúp đỡ người khác mà không cần báo đáp hay vinh danh, ghi nhận, điển hình là truyền thống “bánh mì treo”.

Tại tiệm bánh mì địa phương ở Göztepe, gần Kadıköy, Istanbul, mọi quy trình làm bánh đều được thực hiện trong khu vực gần lò nướng bằng gỗ. Xung quanh quán là 1.200 ổ bánh mì mà họ sản xuất mỗi ngày. Giữa sự ồn ào, đông đúc của người bán kẻ mua, đôi khi bạn sẽ thấy người chủ lại đưa cho ai đó một ổ bánh mì mà không lấy tiền. Lúc khác, một khách hàng trả tiền cho hai chiếc bánh, nhưng lại chỉ lấy một.

Việc tặng ekmek (bánh mì) có tầm quan trọng đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ vì trong tín ngưỡng Hồi giáo, bánh mì duy trì và bảo vệ sự sống, do đó rất thiêng liêng. Ảnh: Turkey/Alamy.

Việc tặng ekmek (bánh mì) có tầm quan trọng đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ vì trong tín ngưỡng Hồi giáo, bánh mì duy trì và bảo vệ sự sống, do đó rất thiêng liêng. Ảnh: Turkey/Alamy.

Đó chính là hình thức “Pay it Forward” (Trả trước) hay mua một trả gấp đôi, bắt nguồn từ truyền thống kéo dài hàng trăm năm của người dân nơi đây – Askıda ekmek (bánh mì treo). Hình thức hoạt động là: bạn đến một tiệm bánh và trả tiền cho hai chiếc bánh mì. Khi trả tiền, bạn nói với người bán rằng bạn muốn đóng góp một chiếc bánh cho người nghèo. Chiếc bánh thứ hai sẽ được gói lại, treo lên trên. Khi có ai tới hỏi “có bánh mì treo trên móc không”, nếu có, chủ cửa hàng sẽ đưa cho họ. Người này được nhận bánh miễn phí. Người tặng và người nhận đều ẩn danh, do đó những người cần hỗ trợ bánh mì đều không cảm thấy mình bị tổn thương hay xấu hổ.

Người dân không biết chính xác từ khi nào mà ý tưởng Askıda ekmek được bắt đầu, dù vậy người ta tin rằng truyền thống này gắn chặt với văn hóa và tôn giáo địa phương. Giáo sư lịch sử Febe Armanios của trường Middlebury, Vermont, Mỹ cho rằng truyền thống này có nguồn gốc từ thời Ottoman, gắn liền với khái niệm zakat (một trong năm bổn phận của tín đồ đạo Hồi) – bố thí cho người nghèo.

Từ tặng bánh mì, khái niệm  Askıda ekmek được mở rộng hơn thành tặng các bữa ăn miễn phí, vé hòa nhạc, xem phim, sách, báo... Ảnh: Claudia Wiens/Alamy.

Từ tặng bánh mì, khái niệm Askıda ekmek được mở rộng hơn thành tặng các bữa ăn miễn phí, vé hòa nhạc, xem phim, sách, báo… Ảnh: Claudia Wiens/Alamy.

Theo nhà tiên tri Muhammed, bánh mì là nimet – một phước lành được gửi từ Thiên Chúa. Nếu một mẩu bánh mì vô tình rơi xuống đất, nó phải được nhặt lên ngay lập tức trước khi đặt nó ở nơi nào đó cao hơn. Một số người còn hôn mẩu bánh mì đó để thể hiện sự tôn trọng của mình.

Bánh mì trắng được nướng hai lần mỗi ngày ở quốc gia này, và mỗi bữa ăn người dân thường có một giỏ đựng bánh mì tươi cắt lát. Thức ăn thừa không bao giờ bị vứt đi. Do đó, du khách thường nhìn thấy những chiếc túi đựng bánh mì treo bên hàng rào của nhà dân. Họ để đó cho những ai cần.

Các tiểu vương Ottoman đã tận dụng sự tôn trọng của người dân với bánh mì để dễ dàng cai trị và thu hút sự trung thành. Theo giáo sư Armanios, người ta tin rằng một người dân nếu được đảm bảo cuộc sống tốt sẽ là một người ít có khả năng nổi dậy. Một trong những yếu tố giúp điều đó chính là giá của các mặt hàng thực phẩm như bánh mì được kiểm soát. Chính quyền đã cử những người quản lý điều hành việc bán bánh mì để đảm bảo giá cả và chất lượng.

Ngày nay, tinh thần Askıda ekmek được người dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phát triển và mở rộng với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, mục đích chính của họ vẫn là làm việc thiện, mang lại hạnh phúc cho người khác và người cho-nhận hoàn toàn ẩn danh. 

Những chiếc bánh mì treo là một hình ảnh đẹp, thể hiện tính nhân văn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EggImages/Alamy.

Những chiếc bánh mì treo là hình ảnh đẹp, thể hiện tính nhân văn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EggImages/Alamy.

Việt Nam có nhiều hãng hàng không mở đường bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian bay thẳng là 12 tiếng. Giá vé máy bay vào khoảng 10 triệu đồng một người, khứ hồi. Nhiều hãng lữ hành hiện bán tour đi Thổ Nhĩ Kỳ, giá 30.000.000 đồng cho hành trình 9 ngày 8 đêm. Du khách Việt Nam phải xin visa để nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh Minh (Theo BBC)

Nguồn