Trường bỏ thi, phụ huynh Hàn đổ xô cho con kiểm tra trình độ

[ad_1]

Phụ huynh Hàn Quốc cho con tham gia các bài thi đánh giá năng lực riêng, sau khi trường tiểu học bỏ thi giữa và cuối kỳ.

Lee Sae-ron, học sinh lớp 2 một trường tiểu học ở quận Nowon-gu, thành phố Seoul, tham gia bài kiểm tra đánh gia năng lực môn Toán và tiếng Anh do một công ty xuất bản các tài liệu học tập cung cấp mỗi kỳ kể từ năm ngoái.

Việc đánh giá kết quả học tập như vậy đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc, do các trường tiểu học trên khắp đất nước không tổ chức thi giữa và cuối kỳ.

Bắt đầu ở Seoul năm 2011, các trường tiểu học bỏ bài kiểm tra giữa và cuối kỳ nhằm thay đổi hệ thống giáo dục tập trung vào điểm số. Từ năm 2017, việc đánh giá thành tích học tập quốc gia, do Bộ Giáo dục Hàn Quốc tổ chức, bị xóa bỏ và chỉ một số ít học sinh tham gia đánh giá mẫu, khiến các phụ huynh không còn cách nào để biết được năng lực học tập của con cái mình.

Học sinh lớp 4 trường Tiểu học Beondong ở thành phố Seoul trong một giờ học hôm 6/9. Ảnh: Korea Times

Học sinh lớp 4 Tiểu học Beondong ở thành phố Seoul trong một giờ học hôm 6/9. Ảnh: Korea Times

Sự bùng phát của Covid-19 và những vấn đề liên quan tới học online cũng làm gia tăng mối lo ngại về khoảng cách ngày càng lớn giữa các học sinh về chất lượng giáo dục. Học sinh ở những gia đình giàu có thường được tiếp cận nhiều hơn với gia sư riêng và các phương tiện hỗ trợ học tập khác.

Mẹ của Lee, chị Hong Eun-hee, 46 tuổi, cho biết: “Học sinh tiểu học không thi thường xuyên nên tôi không biết khả năng của con gái mình đến đâu. Do đó, tôi cho con tham gia những kỳ thi này”.

Qua các bài thi, phụ huynh có thể so sánh điểm số của con mình với mức trung bình quốc gia. Lệ phí tham dự các bài kiểm tra đánh giá riêng như vậy khoảng 38 USD.

Năm nay, Chunjae Education, một công ty xuất bản các tài liệu giáo dục, tổ chức kỳ đánh giá năng lực học tập ngôn ngữ môn tiếng Hàn cấp quốc gia cho học sinh tiểu học. Tham gia kỳ thi này, học sinh phải trả lời 30 câu hỏi trong 40 phút.

Visang Education tiến hành kiểm tra đánh giá từ năm ngoái, trong khi Megastudy có chương trình tương tự từ 2019.

Ước tính 100.000 – 150.000 học sinh, hoặc 5% số học sinh tiểu học, tham dự những kỳ kiểm tra đó hàng năm.

Nhiều trường đại học cũng nhảy vào phong trào này. Các trường nổi tiếng ở Seoul như Đại học Yonsei và Đại học Hàn Quốc, cũng đang tiến hành đánh giá học tập trên toàn quốc cho học sinh tiểu học.

Hong cho hay cô từng nghe nhiều câu chuyện về các phụ huynh xung quanh mình. “Lúc con học tiểu học, các bố mẹ tin rằng chúng học tốt. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra thực tế không phải vậy khi biết điểm số bài kiểm tra giữa kỳ đầu tiên lúc lên phổ thông”, Hong kể.

Hong giải thích, do thời gian trẻ không thể đến tường vì Covid-19 kéo dài, nhiều bậc cha mẹ dường như muốn kiểm tra trình độ học tập của con mình.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc trong tháng 6, 13,4% học sinh trung học không đáp ứng trình độ căn bản môn Toán năm 2020, gần gấp đôi con số năm 2017 (7,1%). Với tiếng Anh, 7,1% không đáp ứng được trình độ học thuật căn bản, tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2017 (3,2%).

Một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra giữa các nhà giáo dục rằng một cuộc đánh giá trên toàn quốc liệu có cần thiết để kiểm tra chất lượng đào tạo hiện tại hay không.

Từ tháng 4, Liên đoàn Quản lý Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) đã liên tục thúc giục các thành viên của Ủy ban Giáo dục Quốc hội ban hành luật đảm bảo năng lực học tập cơ bản cho học sinh tiểu học.

“Để giải quyết sự phân cực trong giáo dục, cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá cấp quốc gia được tiêu chuẩn hóa và chuẩn bị các biện pháp toàn diện để hỗ trợ việc học tập của học sinh”, Chủ tịch KFTA Ha Yun-su cho biết trong một tuyên bố.

Theo Chủ tịch Ha, với đại dịch Covid-19 kéo dài, khả năng học tập của học sinh ngày càng giảm sút. Đạt được các kỹ năng học tập cơ bản là quyền cơ bản của học sinh”.

Bình Minh (Theo Korea Times)

[ad_2]