[ad_1]
Charles Peacock buộc phải sống trên chiếc Kia Soul khi đồng lương trợ giảng ít ỏi không đủ giúp anh trả tiền đặt cọc để thuê một phòng ngủ nhỏ.
Peacock thành kẻ vô gia cư từ cuối tháng 10, nhưng gần đây mới trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ với bài phát biểu đầy cảm xúc trong một cuộc họp trước Hội đồng Giáo dục quận Volusia, Florida đầu tháng 11.
Charles Peacock giới thiệu mình là trợ giảng tại Trung học New Smyrna Beach – ngôi trường có 1.900 học sinh ở quận Volusia, bang Florida. Peacock đến dự họp với tư cách đại diện cho 610 trợ giảng của học khu trong quá trình đàm phán lương với Hội đồng.
Trong bài phát biểu, Peacock cầu xin Hội đồng giáo dục cung cấp mức lương đủ sống cho những trợ giảng trong quận – những người chỉ được trả khoảng 11 USD mỗi giờ. Trong khi, theo Cục Thống kê Lao động (BLS), mức thu nhập trung bình năm của người Mỹ vào năm 2020 là 56.310 USD, mỗi giờ là 20,17 USD.
“Tôi nhìn vào mắt học trò mỗi ngày và không thể nghĩ tới cảnh phải rời xa chúng, vì tình cảm tôi dành cho các em, vì những gì tôi đã làm cho bọn trẻ”, Peacock nói, lý giải vì sao anh không rời bỏ công việc dù mức lương rất thấp. Anh trợ giảng toàn thời gian cho học sinh lớp 9 đến 12 và cảm thấy sẽ rất đau lòng khi phải xa các em.
“Tôi cũng như hầu hết những người khác, phải xoay xở nhiều công việc chỉ để đủ kiếm sống. Tôi có lúc đã làm thêm hơn 80 giờ hàng tuần cho bốn công việc khác nhau” – Peacock nói những lời nghẹn ngào đan xen tiếng nấc. “Sau 4 năm làm việc cho quận, tôi chỉ kiếm được mức lương tối thiểu – tương đương dưới 1.000 USD mỗi tháng”.
Đến đây, Peacock tạm dừng, hít một hơi, sau đó đối diện trở lại với Hội đồng.
“Tôi đã trở thành người vô gia cư… Tôi sống trong ôtô, có những lúc phải ngủ ở ghế ngoài đường, tắm nhờ ở nhà bạn bè. Tôi thách các vị nhìn vào mắt tôi ngay lúc này, tại đây và nói rằng cuộc sống thế là ổn”, Peacock nói.
Elizabeth Albert – Chủ tịch Công đoàn đại diện cho quyền lợi cho giáo viên, trợ giảng và các nhân viên ở học khu – cho biết, cuộc đàm phán về lương vẫn đang tiếp diễn và bà hy vọng Hội đồng Giáo dục sẽ thực sự lắng nghe thông điệp của Peacock.
“Những người làm công việc giáo dục và chăm sóc trẻ em cần được ưu tiên hơn cả. Thật đau lòng khi nghe anh nói những điều đó”, Albert nói.
Theo Washington Post, thu nhập trung bình hàng năm của các trợ giảng như Peacock nằm ở mức 16.800 USD – không nhỉnh hơn ngưỡng thu nhập của người nghèo ở Florida (12.880 USD) là bao.
Một ngày bình thường của Peacock bây giờ bắt đầu từ 7h sáng. Anh có mặt tại trường lúc 8h sáng và xong việc lúc 4h chiều, sau đó sẽ đến một quán bar địa phương để làm bảo vệ. Các buổi biểu diễn ở quán bar kết thúc sớm nhất vào nửa đêm, có khi đến tận 2h sáng. Cuối tuần, anh làm trọng tài cho các trận đấu bóng chày của thanh thiếu niên.
Peacock ước tính anh chỉ kiếm được tổng cộng từ 22.000 đến 25.000 USD mỗi năm.
“Tôi không phải là người duy nhất trong số các đồng nghiệp của mình đang cố gắng xoay xở như vậy. Tất cả chúng tôi đều đã kiệt sức” – anh nói.
Giáo dục là một ngã rẽ bất ngờ đối với Peacock. Sáu năm trước, một hiệu trưởng mà anh quen biết từ công việc trọng tài ngỏ ý nhờ Peacock hướng dẫn một lớp học ngoài giờ. Hai năm sau, anh bắt đầu với công việc trợ giảng – hỗ trợ giáo viên quản lý lớp học, giám sát học sinh, chuẩn bị tài liệu hoặc có thể đứng lớp ở một số nội dung nhất định.
Anh đã tìm được công việc khá ổn định, nhưng không đủ để nuôi sống gia đình. Vì vậy, Peacock buộc làm thêm nhiều việc tay trái khác. “Tôi đã phải nhận thêm nhiều việc, và điều đó không may đã khiến tôi phải trả giá bằng cuộc hôn nhân của mình”.
Sau khi ly hôn, Peacock chỉ đủ tiền để thuê một phòng ngủ. Đến cuối tháng 10 năm nay, chủ nhà thông báo anh đã hết hạn thuê. Với mức lương ít ỏi và không có tiền tích lũy, Peacock không đủ tiền đặt cọc để kiếm một nơi ở mới.
Chiếc xe vì vậy đã trở thành lựa chọn duy nhất của anh. Khi không thể ngủ nhờ trên ghế dài ở nhà bạn bè, anh đậu xe bên ngoài một tòa nhà và ngủ trên chiếc Kia.
Trong bài phát biểu, Peacock làm rõ rằng anh không tìm kiếm sự thương hại. Thay vào đó, mục tiêu của anh là đấu tranh vì mức lương công bằng cho bản thân và đồng nghiệp. Thông điệp đó đã gây được tiếng vang. Bài phát biểu của Peacock được đăng tải trên bản tin địa phương và dần dà được biết tới trên khắp nước Mỹ.
Sau cuộc họp, Peacock cho biết anh ngập trong những lời mời nhận việc, chỗ ở và thậm chí có cả một cuộc vận động quyên góp cho anh trên nền tảng GoFundMe. Lời đề nghị duy nhất anh chấp nhận là thuê phòng trong nhà của một nhân viên cùng trường. Giờ đây, anh sẽ không còn phải lo lắng về nơi để ngủ.
Peacock cho biết trải nghiệm vô gia cư đã tạo cho anh thêm động lực để tiếp tục đấu tranh vì mức lương đủ sống cho bản thân và đồng nghiệp. Anh biết, mình không hề đơn độc, cả ở trong và ngoài phạm vi quận Volusia. “Chúng tôi có cả một đội quân” – anh nói.
Trước đó, đầu tháng 11, Kyle Cohen – một giáo viên tiểu học ở Mỹ – cũng bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội khi đăng tải video Tiktok tiết lộ mỗi năm anh chỉ kiếm được 31.000 USD trước thuế (khoảng 700 triệu đồng), tương đương mỗi giờ 14 USD. Thông tin của Cohen lập tức gây ra một cuộc tranh cãi trên phạm vi rộng vì đã phơi bày thực trạng mức lương giáo viên quá thấp ở Mỹ.
Dù vậy, trong một nghiên cứu gần đây về mức lương giáo viên trên toàn thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) đã phát hiện ra rằng, về mức lương, Mỹ vẫn được đánh giá cao hơn một số quốc gia phát triển khác.
Chẳng hạn, lương khởi điểm trung bình cho một giáo viên tiểu học Mỹ là gần 42.000 USD một năm, đứng thứ 10 trong số 36 quốc gia được khảo sát. Mỹ xếp trên Canada, Thụy Điển, Nhật Bản, Israel và xếp sau Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch.
Ngọc Mai (Theo Washington Post)
[ad_2]