Trào lưu kiếm tiền từ NFT nở rộ tại Đông Nam Á

[ad_1]

Người dân ở nhiều nước Đông Nam Á tích cực chơi game hoặc bán vật phẩm NFT để kiếm tiền, dù thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Kể từ khi tác phẩm của nghệ sĩ Beeple được bán với giá 69 triệu USD, NFT – tài sản số được mã hóa trên nền tảng blockchain – trở thành một trong các từ khóa thịnh hành khắp thế giới. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh loại tài sản mới này. Nhiều người cho rằng NFT có thể thay đổi thế giới tài chính, nhưng cũng không ít ý kiến hoài nghi đây chỉ là một trào lưu ngắn hạn.

Nhưng dù được đánh giá như thế nào, NFT cũng đang thay đổi cuộc sống của nhiều người tại Đông Nam Á, theo nhận định của Nikkei. Nhiều người dân lao động cũng như các nghệ sĩ có thêm thu nhập nhờ loại tài sản mới này.

Mỗi ngày, Gilbert Jalova, một người Philippines ở độ tuổi ngoài 40, vẫn dành hai tiếng để chơi Axie Infinity. Loại tiền điện tử SLP thu được trong game giúp anh quy đổi ra tiền điện tử ETH hoặc tiền mặt. Có tháng, anh kiếm được 550 USD từ việc chơi game nói trên.

Con số này cao hơn thu nhập của nhiều công việc bình thường khác và gần gấp đôi mức lương tối thiểu (khoảng 300 USD) của người Philippines. Jalova cho biết, chỉ ít tháng trước đó, anh vẫn loay hoay tìm thêm việc để có thể trang trải cuộc sống của gia đình với ba con và một người vợ bị bệnh. Sau khi nghe giới thiệu từ một người bạn, anh bắt đầu chơi game NFT. Giờ đây, cả nhà anh cùng tham gia vào trò chơi. “Nó cũng trở thành sợi dây liên kết gia đình chúng tôi”, anh nói.

Theo Gabby Dizon, nhà phát triển và sáng lập nhóm Yield Guild Games chuyên chơi game NFT kiếm tiền, có hơn 80% người chơi Axie Infinity là từ các nền kinh tế mới nổi. “Đó là những nơi có tỷ lệ lạm phát cao hoặc khó kiếm việc làm. Nhiều người chuyển sang chơi những game này như một cách để có thêm thu nhập hay thậm chí thay cho công việc chính”, Dizon nói.

Doanh nhân Vignesh Sundaresan bên tác phẩm NFT của họa sĩ Beeple, được anh mua với giá 69 triệu USD. Ảnh: AFP

Doanh nhân Vignesh Sundaresan bên tác phẩm NFT của họa sĩ Beeple, được anh mua với giá 69 triệu USD. Ảnh: AFP

Không chỉ ở Philippines, cơn sốt này đang xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á. Thống kê của Digital Entertainment Asset (DEA) – công ty chuyên phát triển game NFT tại Singapore, trong số 1 triệu người đang chơi game của công ty, có 45% từ Indonesia. Tiền điện tử kiếm được từ trò chơi có thể quy đổi sang đồng rupiah của Indonesia qua sàn Indodax.

“Số tiền này giúp tôi chi tiêu cho những nhu cầu hàng ngày trong quá trình học tập, ví dụ mua sách, thiết bị học và tiết kiệm một phần cho tương lai”, Nikkei dẫn lời của Riky Candra, sinh viên 20 tuổi tại Riau (Indonesia).

Chìa khóa đằng sau việc kiếm tiền nhờ chơi game chính là NFT – một ứng dụng của công nghệ blockchain, giúp tạo ra tính duy nhất cho các vật phẩm kỹ thuật số. Mỗi tài sản, vật phẩm, hay nhân vật của người chơi trong game là duy nhất. Họ có thể sử dụng các nhân vật để đi chiến đấu và kiếm token, hoặc giao dịch vật phẩm, kiếm lời bằng tiền điện tử.

Theo Nguyễn Thành Trung, nhà phát triển Axie Infinity, NFT có thể đại diện cho những đối tượng có tính độc đáo. “Vì vậy nó lý tưởng để ứng dụng cho các nhân vật và tài sản trong game”, Trung nói.

Một cụ ông Phillipines chơi game Axie Infinity trong cửa hàng. Ảnh: CNBC/Play-to-Earn

Một cụ ông Phillipines chơi game Axie Infinity trong cửa hàng. Ảnh: CNBC/Play-to-Earn

Không chỉ trong lĩnh vực trò chơi, NFT cũng được nhiều nghệ sĩ tại Đông Nam Á đón nhận. Một số rapper Thái Lan hay các nghệ sĩ đường phố tại Singapore, Indonesia đang bán các tác phẩm của mình dưới dạng NFT.

Một nghệ sĩ có nghệ danh Monez cho biết đã bán được một tác phẩm NFT với giá 0,8 ETH, tương đương 1.200 USD hồi tháng 3. Dù không phải mức giá cao nếu so với nhiều bức tranh NFT khác, Monez tin rằng NFT sẽ có lợi ích về mặt lâu dài. Giải pháp này giúp tác phẩm nghệ thuật bảo toàn được tính chân thực và độc đáo, trong khi nghệ sĩ có thể nhận được tiền bản quyền nhiều lần nếu tác phẩm được mua đi bán lại.

“Trong thế giới thực, tranh được mua với giá rất rẻ. Dù sau đó bức tranh có thể bán được với giá cao gấp đôi, nghệ sĩ cũng không nhận được thêm bất cứ khoản nào”, Monez nói. Trong khi đó, với hợp đồng thông minh của NFT, anh có thể nhận thêm 10% sau mỗi giao dịch mua bán tác phẩm của mình.

Nguy cơ trong xu hướng NFT

Dù nhiều người kiếm được tiền, giới chuyên gia vẫn cảnh báo người chơi cần thận trọng khi tham gia thị trường này.

“Tính thanh khoản của NFT là một rủi ro tiềm ẩn. Nếu mua với mục đích sưu tầm, bạn sẽ không gặp quá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu mua NFT với mục đích đầu tư, thanh khoản thị trường thấp sẽ khiến bạn không thể bán được chúng khi cần”, đại diện công ty Digital Entertainment Asset cho biết.

Thực tế, thị trường NFT có giai đoạn thanh khoản xuống mức rất thấp. Hồi đầu tháng 5, thị trường này từng chứng kiến lượng bán NFT lên đến 101 triệu USD một ngày. Tuy nhiên, tới cuối tháng 5, lượng giao dịch giảm xuống còn 2 triệu USD một ngày. Nhiều chuyên gia từng dự báo rằng “bong bóng” NFT đang vỡ.

Khối lượng giao dịch trên thị trường NFT trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Nikkei

Khối lượng giao dịch bán NFT trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Nikkei

Theo Poltak Hotradero, Giám đốc phát triển kinh doanh Sở giao dịch chứng khoán Indonesia, NFT sẽ khó được chấp nhận rộng rãi để có thể trở thành một xu hướng tài chính chủ đạo.

“Với thế hệ trẻ, việc chấp nhận sản phẩm kỹ thuật số có thể dễ dàng hơn. Nhưng với người thế hệ cũ, tôi không nghĩ họ đánh giá cao NFT bằng với các tác phẩm nghệ thuật có thể cảm nhận bằng xúc giác, nhìn thấy hay chạm vào”, Poltak nói. “Ở châu Á, thế hệ cũ vẫn chiếm phần lớn sức mua và điều này sẽ quyết định giá trị kinh tế của NFT”.

Trong khi đó, nhiều người chơi game NFT hy vọng rằng đây không phải trào lưu nhất thời. “Tôi vẫn sẽ tiếp tục chơi Axie một thời gian nữa. Có thể tôi sẽ từ bỏ công việc của mình và tập trung vào game này”, Jalova nói.

Lưu Quý (theo Nikkei)

[ad_2]