TP HCM ‘gồng mình’ trước áp lực học sinh tăng

Tăng hơn 54.600 học sinh trong năm học 2020-2021, nhiều quận huyện phải giảm tỷ lệ học hai buổi mỗi ngày, giảm lớp bán trú để đảm bảo chỗ học cho trẻ.

Học sinh tăng nhiều ở cấp tiểu học và THCS, chủ yếu tại quận 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Đây là những nơi đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao. Các phòng giáo dục xoay sở đủ cách trước áp lực này.

Là quận đông dân nhất TP HCM với nhiều công nhân, người lao động tự do nhập cư, Bình Tân năm nay có hơn 131.000 học sinh – tăng hơn 6.700 em so với năm ngoái. Trong đó cấp tiểu học hơn 2.700, THCS hơn 3.400. Ở bậc tiểu học, quận xây dựng được một trường mới với 22 phòng, đồng thời sửa chữa khu chức năng ở một trường khác, tạo thêm được 14 phòng. Còn cấp THCS xây mới một trường với 36 phòng học.

Theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), 100% học sinh lớp 1 phải được học hai buổi mỗi ngày nhưng cơ sở vật chất của quận hiện chưa đáp ứng được.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Bình Tân, dù có thêm phòng học mới nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi lượng học sinh tăng. Do đó, các trường phải tìm cách giảm các phòng chức năng (phòng truyền thống, hoạt động chung, để đồ dùng học tập…) để thêm phòng học.

Sĩ số trung bình ở quận cũng khá lớn, cấp tiểu học gần 41 em mỗi lớp, THCS hơn 42. Nhiều trường dồn lớp, giảm tỷ lệ bán trú ở cấp tiểu học (từ 40% xuống 34%), giảm tỷ lệ học hai buổi mỗi ngày ở cấp THCS.

“Chúng tôi cố gắng hết sức để tất cả học sinh lớp 1 học hai buổi một ngày, sĩ số lớp không quá tăng so với năm trước. Tuy nhiên, rất khó triển khai cho tốt chương trình giáo dục phổ thông mới với áp lực này. Kiếm ra một phòng trống để tăng buổi học cho các em cũng khó”, ông Tuyên nói.

Chủ trương của quận, theo ông Tuyên, là nhận tất cả con em trên địa bàn vào trường công lập, kể cả những gia đình chỉ có giấy xác nhận tạm trú. “Thực sự chúng tôi phải xoay xở nhiều cách bởi áp lực số lượng học sinh quá lớn, gấp 3-4 lần so với nhiều quận khác”, ông chia sẻ.

Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12), nơi có 4.700 học sinh trong năm học 2019-2020. Ảnh: Hữu Khoa.

Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12), nơi có 4.700 học sinh trong năm học 2019-2020. Ảnh: Hữu Khoa.

Gò Vấp cũng nằm trong số quận huyện có học sinh đông nhất TP HCM với hơn 114.000 em, số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 khoảng 7.800. Dân số tăng nhanh khiến số học sinh bậc mầm non đến lớp 12 quận này tăng hơn 1.600 em so với năm ngoái.

Quận có 21 trường tiểu học nhưng 2 trong tổng số 16 phường không có trường tiểu học. Một số trường sân chơi hẹp, việc tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp rất khó, nhiều nơi thiếu phòng tập đa năng, phòng nghe nhìn.

Dù đã nâng sĩ số học sinh ở nhiều trường tiểu học lên mức 50 em một lớp nhưng dự kiến năm nay, chỉ 60% học sinh lớp 1 được học hai buổi. Theo đó, quận Gò Vấp năm nay dự kiến xây thêm 13 phòng học mới. “Việc giải quyết chỗ học cho học sinh trên địa bàn luôn là vấn đề nan giải của quận”, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Gò Vấp chia sẻ.

Với số học sinh bằng khoảng một nửa quận Gò Vấp (hơn 65.000 em) nhưng quận 8 cũng gặp áp lực khi tăng gần 1.800 học sinh. Quận phải xây và sửa 2 trường tiểu học, một mầm non để có thêm 36 phòng học.

“Cơ bản đáp ứng đủ cho học sinh mới nhưng nhiều lớp sĩ số 45-50 em là quá cao”, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo nói và cho biết quận 8 vẫn đáp ứng đủ chỗ cho học sinh diện KT3, nhận thêm học sinh ở khu vực Bình Hưng (huyện Bình Chánh).

Với hơn 116.000 học sinh, tăng hơn 5.000 em so với năm trước nhưng không có thêm trường tiểu học mới, quận 12 phải “ép” lớp, tăng sĩ số từ 45 lên 48 rồi 50 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Trước tháng 8, quận đã tuyển hơn 7.400 học sinh vào lớp 1 cho 22 trường tiểu học. Đây là những học sinh có hộ khẩu hoặc tạm trú KT3 trước ngày 31/7/2019. Sau khi rà soát, quận còn hơn 1.700 học sinh chưa có KT3 chưa đủ thời hạn. Quận đã giải quyết thêm 700 em trong số này, song với vẫn còn hàng nghìn trường hợp khác chờ giải quyết để tìm trường học lớp 1.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục một quận ngoại thành chia sẻ, số lượng học sinh trong những năm gần đây tăng liên tục là bài toán khó cho địa phương. Nhiều người dân từ tỉnh thành khác mới chuyển đến sinh sống, làm việc ở thành phố chưa kịp làm KT3 hoặc KT3 chỉ được vài tháng khiến công tác thống kê gặp khó khăn.

Xây trường mới là giải pháp được nhiều quận tính đến, nhưng để xây xong một trường mới mất vài năm, chưa kể khâu giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi là vấn đề nan giải. “Học sinh tăng, sĩ số lớp học tăng khó lòng đáp ứng được chất lượng. Học sinh đông cũng tạo áp lực cho giáo viên”, ông nói.

Trước tình trạng này, ngày 21/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện thống kê số học sinh lớp 1 nhập học tại các trường tiểu học, kể cả các em không đủ điều kiện xét tuyển trường công lập.

Đầu tuần tới, lãnh đạo UBND TP HCM làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, các quận huyện để tháo gỡ, giải quyết chỗ học cho học sinh trước thềm khai giảng ngày 5/9.

Mạnh Tùng