TP HCM dự kiến chuyển đổi công năng bệnh viện tầng 1 và 2

[ad_1]

Khoảng 80 bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị Covid-19 thuộc tầng một và hai của tháp điều trị ba tầng sẽ chuyển đổi công năng theo từng giai đoạn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết Sở cùng các quận, huyện, TP Thủ Đức đang rà soát để tham mưu cho UBND và Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành phố về lộ trình chuyển đổi công năng các bệnh viện đang tham gia điều trị Covid-19 trên địa bàn. Lộ trình chưa được UBND thông qua nên chưa thể tiết lộ chi tiết.

“Quan trọng nhất là tái cấu trúc các bệnh viện đang tách đôi để trở về chức năng ban đầu, nhằm chăm sóc sức khỏe bình thường cho người dân”, bà Mai nhấn mạnh.

Trong họp báo chiều 22/9, bà Mai thông tin thành phố có 90 cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19 trong “tháp ba tầng”. Cụ thể, tầng một có 12 cơ sở cách ly tập trung, thu dung điều trị. Tầng hai có 68 bệnh viện thu dung, điều trị dã chiến và bệnh viện hạng 2, hạng 3 và hạng 1 của thành phố triển khai theo mô hình “bệnh viện tách đôi”. Tầng ba có 10 cơ sở, gồm 5 bệnh viện Trung ương hạng nhất đóng tại TP HCM và 5 trung tâm hồi sức Covid-19 do Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập, điều động từ các bệnh viện trung ương tới hỗ trợ.

Theo kế hoạch, các bệnh viện thuộc tầng một và hai sẽ dần chuyển đổi về chức năng ban đầu, để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ các mặt bệnh khác cho người dân ngoài Covid-19. Riêng bệnh viện ở tầng ba sẽ giữ nguyên vì các ca bệnh Covid-19 nặng sẽ điều trị kéo dài.

Hiện, TP HCM có ba vùng xanh là quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, bước đầu việc chuyển đổi công năng sẽ tập trung ở các địa phương này. Lộ trình chuyển đổi các bệnh viện sẽ triển khai theo từng giai đoạn, diễn ra từ nay cho đến năm 2022.

Dự kiến, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi cũng chuyển thành bệnh viện bình thường để khám và chữa bệnh cho người dân không mắc Covid-19 ở Củ Chi, Hóc Môn, Tây Ninh.

Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ sẽ ngưng nhận bệnh nhân mới, điều trị tiếp nhóm bệnh cũ và trở thành “bệnh viện tách đôi” nếu còn bệnh nhân Covid-19. Trong đó, cơ sở cũ sẽ điều trị bệnh nhân Covid-19, cơ sở mới để chăm sóc sức khoẻ cho người dân Cần Giờ và các vùng lân cận không mắc Covid-19, nhất là những trường hợp có bệnh nền. Riêng Bệnh viện dã chiến Củ Chi thì sẽ hoàn thành sứ mệnh khi địa phương hết F0.

Bệnh viện dã chiến Củ Chi (quy mô 300 giường, đặt trong một doanh trại quân đội) và Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (quy mô 600 giường, trưng dụng hai cơ sở mới và cũ của Bệnh viện huyện Cần Giờ) là hai bệnh viện dã chiến đầu tiên được thành lập tại TP HCM, từ đầu năm 2020, chuyên thu dung, điều trị F0 nhẹ và trung bình, giảm tải cho cơ sở tầng trên là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ từng tạm ngưng hoạt động hồi giữa năm 2020, khi lượng F0, F1 tại thành phố giảm sâu. Sau đó, Sở Y tế thành phố tái kích hoạt bệnh viện, bắt đầu từ ngày 1/8/2020, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ được trưng dụng từ cơ sở vật chất hai cơ sở mới và cũ của Bệnh viện huyện Cần Giờ. Ảnh: Thư Anh

Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ được trưng dụng từ cơ sở vật chất hai cơ sở mới và cũ của Bệnh viện huyện Cần Giờ. Ảnh: Thư Anh

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM tại họp báo ngày 21/9 từng cho biết, chiến lược điều trị của TP HCM giai đoạn mở cửa sắp tới sẽ đẩy mạnh chăm sóc các F0 tại cộng đồng, đi kèm với hệ thống điều trị để sống chung với dịch. Các quận, huyện chỉ cách ly tập trung các bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, không thể theo dõi sát và nơi ở không đáp ứng điều kiện điều trị tại nhà. Thành phố có kế hoạch giảm dần các khu cách ly tập trung nhất là khu trưng dụng trường học, ký túc xá khi tình hình dịch được cải thiện.

Đối với hệ thống điều trị, sau ngày 30/9, thành phố dần chuyển đổi các bệnh viện điều trị Covid-19 về đúng công năng ban đầu. Trước tiên, đến ngày 30/9, Bệnh viện đa khoa tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ sẽ được chuyển đổi công năng trở lại, phục vụ các bệnh nhân không mắc Covid-19.

Tuy nhiên, sau khi trở về công năng như trước, các bệnh viện cần đảm bảo khu vực cách ly tạm thời để dành cho các trường hợp nghi ngờ. Khu vực này cần có 10 đến 20 giường và chuẩn bị đầy đủ oxy cho hệ thống sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, tính đến sáng 23/9, thành phố ghi nhận tổng cộng 354.193 ca Covid-19. Trong đó, số F0 đang cách ly điều trị tại nhà 35.489 người; 23.467 F0 đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung; số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng hai và ba là 40.970.

Thư Anh

[ad_2]