Tiểu thương chợ An Đông muốn dán nhãn ‘không tiền mặt’

TPHCM: Tiểu thương chợ An Đông muốn dán nhãn ‘không tiền mặt’

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Các tiểu thương chợ An Đông, quận 5, TPHCM cho biết khách du lịch đến mua sắm ở chợ có nhu cầu thanh toán bằng thẻ nên họ cũng muốn có thêm hình thức thanh toán mới cho khách hàng lựa chọn.

https://www.thesaigontimes.vn/
Trải nghiệm dùng ứng dụng quét mã QR của Ngân hàng Sacombank để thanh toán tại chợ An Đông, TPHCM. Ảnh:TTD.

Dán nhãn “không tiền mặt” ở sạp chợ

Chiều 16-6, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Không tiền mặt, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cùng nhiều đại diện của cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia dán dấu hiệu “Thanh toán không dùng tiền mặt” tại siêu thị Co.op Mart, Chợ An Đông, cây xăng SFC. 

Tại chợ An Đông, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt lên sạp của bà Đào Thị Xuân Mai và sạp của ông Nguyễn Đăng Thanh, với mục đích để người mua hàng dễ dàng nhận diện hình thức thanh toán nhiều lợi ích này.

Bà Đào Thị Xuân Mai, chủ sạp Trúc Phương kinh doanh các mặt hàng khô, cho biết có nhiều khách du lịch muốn thanh toán bằng thẻ từ lâu nhưng bà chưa có điều kiện tìm hiểu. Còn ông Thanh, chủ sạp vải, cho biết ông muốn lắp thêm máy “cà thẻ” vì nhiều khách hàng đã biết đến thanh toán thẻ hay chuyển khoản ngân hàng.

Trên thực tế, thanh toán không tiền mặt không chỉ mang đến lợi ích thuận tiện cho người mua, mà về tổng thể còn giúp tiết giảm chi phí cho người bán, vì không lo tiền giả, tiền rách, lại dễ kiểm soát doanh số.

Chợ An Đông là điểm đầu tiên được UBND Quận 5 chọn triển khai lắp các máy mPOS, để tạo tiền đề cho phát triển thanh toán không tiền mặt tại các chợ khác trên địa bàn quận. Bà Trương Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND Q.5, cho biết các tiểu thương rất hưởng ứng vì khảo sát trước đó cho thấy các hộ kinh doanh tại chợ vẫn chưa lắp thiết bị chấp nhận thẻ.

“Ngoài những lợi ích, hưởng ưu đãi, khuyến mãi từ ngân hàng thì thanh toán không tiền mặt cũng đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách du lịch khi đi mua sắm tại các phố thời trang, phố vàng bạc, phố đông y tại quận”, bà Kiều nói.

Cùng sự hỗ trợ của Phòng kinh tế và UBND Quận, phối hợp với Visa và Nextpay, tính đến nay Sacombank đã lắp 30 máy mPOS để thanh toán cà thẻ, quét mã QR chuẩn EMV tại chợ An Đông. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết sắp tới sẽ mở rộng thêm các chợ khác trên địa bàn quận 5.

https://www.thesaigontimes.vn/
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt ở cây xăng SFC ở Quận 3, TPHCM. Ảnh: TTD

Thanh toán không tiền mặt tăng nhanh

Hoạt động dán nhãn “thanh toán không dùng tiền mặt” cũng được thực hiện ở hai nơi có hình thức thanh toán không tiền mặt tăng đáng kể trong thời gian qua, đó là hệ thống chuỗi siêu thị Co.op Mart và hệ thống cây xăng SFC.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ở hệ thống tăng mạnh trong khoảng một năm gần đây, từ mức 3-5% trong năm ngoái lên đến 21%. Trong đó có 21% đến từ ví điện tử, thẻ thanh toán các loại, voucher mua hàng hay dịch vụ thu hộ. Kế hoạch mà Saigon Co.op đặt ra là tăng tỷ lệ này lên con số 30% trong năm năm tới.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, người quản lý cây xăng của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), cho biết hiện tỷ lệ người mua hàng dùng thẻ thanh toán ước khoảng 30%, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp và người đi ô tô.

“Về phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chúng tôi được rất nhiều lợi ích từ việc thanh toán này, như an toàn hơn, nhân viên không phải cầm sẵn cả cọc tiền để thối dẫn đến nhiều rủi ro, không lo tiền rách, tiền giả. Khi làm báo cáo cuối ngày rất nhanh vì không phải kiểm đếm tiền”, bà Loan cho biết.

Hiện SFC đã linh động cho nhân viên mang máy cà thẻ ra tận nơi để phục vụ khách hàng có nhu cầu. Bà Loan cũng cho biết sẽ khuyến khích sự chuyển đổi hình thức thanh toán bằng cách tặng quà cho khách quen vào cuối năm.

Hiện thanh toán không tiền mặt tăng nhanh tại các điểm bán truyền thống, nhưng đại diện một số nhà bán lẻ cho rằng sự tăng trưởng này một phần đến từ các chương trình ưu đãi, khuyến mãi. Do đó, giải pháp lâu dài là cần giúp cho người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích thực sự và bền vững của hoạt động thanh toán không tiền mặt. Điều này cần có sự chung tay của nhiều bên tham gia, từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp bán hàng.



Nguồn