Tiền Giang lý giải nhà máy phải thực hiện ‘3 tại chỗ’

[ad_1]

Theo Trưởng ban quản lý Các khu công nghiệp Tiền Giang, tỉnh yêu cầu nhà máy vẫn phải tổ chức “3 tại chỗ” do độ phủ vaccine ở địa phương còn thấp, nguy cơ bùng phát dịch cao.

Thông tin được ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, nói tại buổi họp báo về tình hình phòng, chống Covid-19 ở địa bàn ngày 21/10, khi đề cập việc 19 doanh nghiệp FDI có đơn “kêu cứu” Thủ tướng, cho rằng quy định của tỉnh đang gây khó cho hoạt động sản xuất.

Theo ông Trường, thời điểm đưa ra quyết định “3 tại chỗ”, độ phủ vaccine cho công nhân ở tỉnh rất thấp, khoảng 45%. Địa phương không thể đánh đổi sức khỏe người lao động và cộng đồng bởi hiện nguy cơ tái bùng phát dịch ở địa bàn vẫn rất cao, người ngoại tỉnh về nhiều. Ngoài ra, 109.000 công nhân trong các khu, cụm công nghiệp đã được tiêm vaccine mũi một, đạt gần 100%, nhưng chưa đủ 14 ngày theo quy định.

Ông Nguyễn Nhật Trường phát biểu tại buổi họp báo, ngày 21/10. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Nguyễn Nhật Trường phát biểu tại buổi họp báo, ngày 21/10. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Trường cũng nói rằng ý thức phòng, chống dịch của người lao động chưa cao kết hợp với chủng Delta phức tạp nên dịch dễ bùng phát. Cụ thể, trước đó khi sản xuất “3 tại chỗ” đã có 10 doanh nghiệp phát sinh ca nhiễm, ngày 5/8, tỉnh phải cho tạm dừng mô hình này để khắc phục.

Bổ sung thêm, bà Châu Thị Mỹ Phượng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, ngoài 2 hình thức “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 địa điểm”, địa phương còn có mô hình “xanh – xanh”, tức người ở “vùng xanh” có thể đi làm tại nhà máy cũng trong vùng xanh. Các mô hình sản xuất này nếu kết hợp sẽ thích hợp với từng cấp độ dịch khác nhau trên địa bàn.

Tuy nhiên, những lý giải của chính quyền tỉnh không được doanh nghiệp đồng tình. Đại diện một doanh nghiệp có đơn cầu cứu cho biết, ở 19 nhà máy có hơn 80% lao động đã tiêm mũi một vaccine đủ 14 ngày, có doanh nghiệp tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 30%, đủ điều kiện mở cửa dần theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ngoài ra, theo đại diện doanh nghiệp, phương án sản xuất “xanh – xanh” rất khó để các nhà máy triển khai. Hiện, chỉ có 3 nhà máy được thông qua chủ trương thực hiện với quy mô chỉ 10% lao động. Với phương án “3 tại chỗ”, tỉnh cũng quy định rất ngặt nghèo khi phát hiện ca nhiễm, toàn bộ nhà máy phải ngừng hoạt động thay vì chỉ ngưng dây chuyền, bộ phận liên quan.

“Điều này không đúng với tinh thần vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi sản xuất của Chính phủ”, đại diện doanh nghiệp nói và cho rằng nếu không sớm gỡ khó, các doanh nghiệp không chỉ mất khách hàng mà còn phải đền bù hợp đồng.

Trước đó ngày 19/10, 19 doanh nghiệp với gần 70.000 lao động tại Tiền Giang gửi thư “cầu cứu” đến Thủ tướng không thể quay lại sản xuất do chính quyền tỉnh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt so với Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Để gỡ khó, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh không nên bắt nhà máy sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”; lao động đang sống tại vùng 1 đến vùng 3 (nguy cơ thấp – trung bình – cao) đã tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày được đi xe cá nhân trở lại nhà máy sản xuất vào ngày 1/11; người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine được quay lại Tiền Giang làm việc…

Ngày 11/10, Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”, trong đó quy định về xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4. Hiện, Tiền Giang ban hành kế hoạch thích ứng, kiểm soát dịch ở cấp độ 2 – nguy cơ trung bình trên toàn tỉnh.

Lê Tuyết – Hoàng Nam

[ad_2]