Tiền điện tăng phi mã: Thêm những bất cập cần điều chỉnh

Nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phản ánh, hóa đơn tiền điện thời gian nắng nóng vừa qua tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba, cá biệt có trường hợp chỉ số điện tăng gấp 33 lần so với những tháng trước.

Trước những thắc mắc của khách hàng, ngành điện đã có những lý giải vấn đề này là do… nắng nóng nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tăng cao.

Tăng gấp 33 lần

Nhận hóa đơn tiền điện tăng “phi mã” nhiều khách hàng tỏ ra bất ngờ và thắc mắc. Khách hàng Phí Hải Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thông thường hàng tháng gia đình sử dụng là khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện, nhưng vừa rồi điện lực Hoàng Mai thông báo từ ngày 15/5 – 14/6 gia đình dùng hết 1.056 kWh và số tiền phải thanh toán là 3.043.218 đồng, dù vẫn đang trong thời gian được “hỗ trợ vì Covid-19”.

Anh Nam cho rằng, kể cả cao điểm nắng nóng trước đây cũng chỉ đến 2 triệu đồng. “Mức sử dụng điện không tăng đột biến, gia đình cũng không gia tăng thêm các thiết bị điện. Nhận hóa đơn tháng 6, tôi thực sự bất ngờ, khá bức xúc nhưng cũng chẳng muốn mất thời gian phản ánh” – anh Nam khẳng định.

Tương tự facebook cá nhân Đinh Anh cũng chia sẻ, không thể tin nổi, vừa rồi nhận hóa đơn điện lên tới 6 triệu đồng. Các tháng trước gia đình anh sử dụng hết khoảng 3 triệu đồng… Đặc biệt, mới đây, dư luận xôn xao về chia sẻ của khách hàng Trần Việt Dũng (tỉnh Quảng Bình) khi gia đình bị tính mức tiêu thụ điện trong tháng 6 là 18.274 kWh. Trong khi đó, tháng trước gia đình tiêu thụ mức 248 kWh. Như vậy, lượng điện tiêu thụ tăng hơn 33 lần. Từ đó, tiền điện tháng 6 cũng bị tính nhầm lên mức 58,5 triệu đồng, trong khi tháng trước đó, gia đình trả số tiền điện là 489.000 đồng.

Và bất cập cần khắc phục

Thời gian qua, Bắc và Trung bộ chứng kiến những đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua dẫn đến tiêu thụ điện tăng cao khi khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát. Theo thống kê, đã có hơn 3,1 triệu khách hàng trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Trong số này, có tới gần 1 triệu khách có mức tiêu thụ điện tăng 50%. Thậm chí, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, sản lượng điện cũng vì thế mà tăng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh, số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nhưng nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20%, nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.

Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng, tăng 138,87% so với tháng 4.

Như vậy có thể thấy từ bậc thang số 3 (trên 100 kWh), giá đội lên cao. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong số 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tỷ lệ dùng điện dưới 100 kWh (bậc 1 và 2) chiếm 35,8%. Số hộ dùng 101-300 kWh (bậc 3 và 4) khoảng 40%.

Như vậy, nhóm khách hàng sử dụng điện ở mức độ trung bình (khoảng 300 kWh) là nhóm chịu bước nhảy giá lớn nhất trong bậc thang giá điện hiện hành. Hiện nay, mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân trong khoảng 201 – 300 kWh. Điều đó cho thấy, khi tỷ trọng dùng điện thay đổi.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Hiện thu nhập và đời sống người dân đã có sự cải thiện, các thiết bị sử dụng điện tối thiểu trong gia đình đã nhiều hơn. Hiện nay, mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân trong khoảng 201 – 300 kWh, mức giá ở các bậc này không nên quá cao so với mức giá bán lẻ bình quân như hiện nay. Còn mức giá tiêu dùng trên 400kWh có thể rất cao, vì những đối tượng tiêu dùng ở bậc này là những người khá giả”.

Như vậy có thể thấy, cùng với việc tiếp tục tăng công khai, minh bạch trong mua bán, kinh doanh điện, tình trạng bù chéo thì những bất cập về biểu tính giá điện tồn tại từ lâu đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là khi số hộ tiêu thụ dưới 50 kWh đã ít hơn trước. Mặc dù những bất hợp lý này đã được đề cập nhưng đến nay đến nay vẫn chưa được sửa đổi.

EVN cho rằng do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, kéo theo tiền điện ở các hộ gia đình tăng. EVN khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Khi có thắc mắc gì về tiền điện có thể liên hệ với điện lực gần nhất để được giải đáp, phúc tra chỉ số công tơ.


“Về tình hình nắng nóng tháng 6 năm nay xảy ra nhiều hơn và diện rộng hơn so với tháng 5. Vì thế, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/5 – 15/6, thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra. Bởi nắng nóng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ-“thủ phạm” chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao.” – TS Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia


Liên quan đến vấn đề độ chính xác của công tơ điện và ghi chỉ số điện, EVN cho biết, các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định. Các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Theo Kinhtedothi.vn

Nguồn