Thủ tục làm bất động sản đội vốn | Tài chính – Kinh doanh

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản thế nào sau dịch Covid-19?” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 11.6, TS.Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, cho rằng nói đến bất động sản là gồm 3 vấn đề chính gồm pháp lý, năng lực tài chính và năng lực quản trị của doanh nghiệp. Bản thân ông và Saviils hàng ngày, hàng tuần đều tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài nhưng hầu như các nhà đầu tư ngoại không thể tham gia rót vốn vào các dự án bất động sản được vì thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, chưa hoàn tất hành lang pháp lý… Điều này khiến việc kêu gọi vốn nước ngoài tham gia vào bất động sản rất khó. 
Từ đầu năm 2020, các ngân hàng thắt chặt tín dụng vào bất động sản nhưng các doanh nghiệp vẫn làm được. Vấn đề là không cấp phép xây dựng làm sao đi vay? Không cấp phép xây dựng làm sao thực hiện dự án để bán cho người dân? Nguồn vốn để phát triển bất động sản nhà ở là từ người mua trả tiền trước, từ việc đi vay ngân hàng nhưng giờ ách tắc ngay chỗ cấp phép xây dựng, rất nhiêu khê.


Thủ tục làm bất động sản đội vốn - ảnh 1

TS.Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills: “Giá nhà đất sẽ không giảm nếu dự án bị kéo dài”

Ông Sử Ngọc Khương nhấn mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển quá nhanh và khung pháp lý chưa theo kịp cũng là một lý do, nhưng một phần khác là có vẻ cơ quan nhà nước còn bỡ ngỡ. Mới đây, TP.HCM đã trình Chính phủ 63 dự án liên quan đến việc cần tháo gỡ khó khăn. “Vấn đề là tôi chưa biết giải quyết đến đâu. Nếu kéo dài thì sản phẩm bất động sản dự kiến bán 25 – 30 triệu đồng/m2 sẽ phải bán lên 35 triệu đồng/m2. Hay nếu doanh nghiệp dự kiến giá 1.000 USD/m2 thì sau khi chạy lòng vòng các nơi phải đưa giá lên 1.500 USD/m2 mới có lời… Còn câu chuyện bất động sản nhà ở, đã thanh toán xong chỉ còn 5% nhưng muốn cầm cố gì cũng khó vì chờ hoài không có sổ hồng. Chuyện này đã xảy ra 7 – 8 năm trước, đến nay vẫn không khác nhiều”, TS.Sử Ngọc Khương nói.

Tiếp tục chia sẻ thêm, ông Trần Quốc Dũng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết để 1 dự án đắp chiếu lâu năm thì đương nhiên giá bất động sản sẽ tăng lên vì các chi phí tài chính phát sinh buộc doanh nghiệp phải cộng vào. 6 tháng đầu năm nay, nếu bi quan thì sẽ nói là đóng băng toàn bộ vì dịch Covid-19 nhưng mỗi doanh nghiệp sẽ có giải pháp tự vượt qua khó khăn. Chẳng hạn Hưng Thịnh thực hiện rà soát lại tất cả hoạt động, tái cấu trúc lại tập đoàn và chia sẻ khó khăn với khách hàng như giảm giá 5% khi đóng tiền mua sản phẩm theo hợp đồng; giảm giá 7 – 10% cho đội ngũ y bác sĩ khi mua sản phẩm của công ty… Quan trọng nhất, theo ông Dũng, là làm sao giải quyết được việc kích cầu thị trường bất động sản và sau đó sẽ kéo theo nhu cầu của nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Công ty Hưng Thịnh sẽ tiếp tục có những điều chỉnh chính sách, sẽ nghĩ đến sản phẩm second-home, làm thế nào để cả những người có thu nhập thấp cũng có thể mua được sản phẩm.
“Giá trị bất động sản khó giảm vào lúc này. Nếu có giảm thì do giảm lợi nhuận của doanh nghiệp để bình ổn giá thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Nếu chúng tôi vẫn giữ được kỳ vọng lợi nhuận như trước đây thì giá bất động sản sẽ tăng. Chúng tôi cũng mong những nhà kinh doanh bất động sản, môi giới chung sức để kích cầu thị trường, cùng các ban ngành chung tay đưa thị trường bất động sản phát triển trở lại”, ông Trần Quốc Dũng phát biểu thêm. 
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục phát triển nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận bản thân các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong hoạt động và họ mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ về cơ chế chứ không phải hỗ trợ về vốn. Một trong những giải pháp trong thời gian tới là Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn liên quan các bên như Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành khác để đẩy mạnh phân khúc nhà giá thấp. Cụ thể như hỗ trợ về đất đai như thế nào để kéo giảm giá xuống? Có thể cho doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất hay thậm chí giảm tiền thuế cho phân khúc này? Hay thậm chí có giải pháp hỗ trợ về vốn khi doanh nghiệp tham gia. Hay rất nhiều thủ tục liên quan trong hoạt động xây dựng thì được ưu đãi, ưu tiên gì để thực hiện phát triển nhà giá thấp…




Nguồn