Thư gửi bà đã mất của nam sinh mắc bệnh hiểm nghèo

[ad_1]

Vũ Long đoạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học với bức thư gửi người bà đã mất vì ung thư – căn bệnh cậu cũng mắc phải.

Tối 21/11, Phạm Vũ Long, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, cùng mẹ đến dự Gala “Vì một Việt Nam tất thắng“, cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học hướng tới công cuộc chống dịch của Việt Nam, dành cho những trẻ em yếu thế, gồm bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ mồ côi.

Phạm Vũ Long nhận giải nhất hạng mục Văn học cuộc thi Vì một Việt Nam tất thắng trong Gala trao giải hôm 21/11.

Phạm Vũ Long nhận giải nhất hạng mục Văn học cuộc thi “Vì một Việt Nam tất thắng” trong Gala trao giải hôm 21/11.

“Lúc người dẫn chương trình xướng tên, em bất ngờ và hơi run. Em hạnh phúc lắm, quay sang chia vui với mẹ và bước lên sân khấu thật nhanh”, Long nhớ lại đêm trao giải và khoe sẽ dành tiền thưởng trị giá 20 triệu đồng để mua xe đi học.

Bức thư của Phạm Vũ Long, gửi bà nội

Tác phẩm Long dự thi là bức thư gửi bà nội đã mất vì ung thư 7 năm trước. Thư khoảng 600 chữ chứa đựng tình yêu với bà, cảm xúc của một cậu bé 14 tuổi khi gặp cú sốc đầu đời, cả những quan sát, sự đồng cảm với các bệnh nhi cùng cảnh ngộ.

Long từng hoang mang, nghĩ mình “vô cùng bất hạnh” khi biết tin mắc ung thư. Nhưng chứng kiến nhiều em nhỏ hơn mình vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật, Long dần lấy lại niềm tin và yên tâm điều trị.

Trong thư, Long kể cho bà về đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, khiến đội ngũ y tế phải căng mình chống dịch, trong đó có Việt Nam.

Nam sinh lớp 9 trường THCS Xuân Mai B bày tỏ sự biết ơn và ngưỡng mộ với đội ngũ y bác sĩ. Họ chính là những người hùng, không màng nguy hiểm, không ngại khó, vẫn lạc quan yêu đời và hết lòng cứu chữa người bệnh. Long tin với sự đoàn kết, đồng lòng của cả nước, đại dịch sẽ được đẩy lùi. Cuối thư, em hứa viết cho bà kể về chiến thắng đó.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, thành viên Ban giám khảo, cho biết bức thư của Long gây xúc động mạnh trước hết bởi nó tỏa ra hơi ấm tình cảm gia đình mà Long dành cho bà. Trong tình yêu thương vô bờ của đứa cháu bé nhỏ là Long, dường như bà chưa hề đi xa. Hơn thế, đó lại là câu chuyện của một bệnh nhân ung thư kể cho bệnh nhân ung thư khác về những “chiến binh tí hon” đang chống chọi với kẻ thù chung. Ngọn lửa tin cậy và hy vọng cứ thế truyền nhau trong cuộc chạy tiếp sức về phía ánh sáng, phía của sự sống bất diệt.

Bức thư cũng lan tỏa những thông điệp về sự nguy hiểm của Covid-19, về cuộc chiến cam go quyết liệt của bác sĩ nơi tuyến đầu, về lòng biết ơn vô hạn và niềm tin tất thắng dành cho các thiên thần áo trắng.

Theo ông Sơn, điểm nổi trội ở tác phẩm này, ngoài nội dung hấp dẫn, giàu sức thuyết phục, còn là cách thể hiện sáng tạo.

“Mượn hình thức viết thư cho bà, tác giả đã nêu bật được chủ đề muốn nói. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng. Giọng kể mạch lạc, xúc cảm chân thành, lan tỏa năng lượng sống tích cực, nhờ vậy mà tăng sức thuyết phục, xứng đáng giải nhất”, thành viên Ban giám khảo nhận xét.

Long cho hay ý tưởng viết thư cho bà nội xuất phát từ tình yêu và sự nhớ thương bà. Bức thư được viết trong hai ngày, ban đầu dài hơn 1.000 chữ nhưng sau đó rút gọn lại.

Cách đây 7 năm, khi Long khoảng 7 tuổi, bà nội em qua đời. Ngày còn nhỏ, Long thường được bà trông nom cho bố mẹ đi làm. Lúc còn trên giường bệnh, bà gọi Long vào và dặn dò cháu cố gắng học hành, sống khỏe mạnh.

“Kỷ niệm đó về bà mãi in sâu trong em”, Long kể.

Tháng 5/2019, Long bị đau đầu, uống thuốc không đỡ. Bố mẹ đưa em đi khắp các bệnh viện khám, chụp và phát hiện bất thường ở đáy hộp sọ. Sau nhiều cuộc hội chẩn, khối u được đánh giá lành tính và được bác sĩ từ Malaysia sang Việt Nam mổ. Bước ra từ phòng phẫu thuật sau 8 tiếng, các bác sĩ chúc mừng gia đình vì ca mổ thành công.

Nhưng ba ngày sau, gia đình nhận tin sốc.

“Sinh thiết bệnh phẩm của con, các bác sĩ phát hiện có K. Con bị u sarcoma cơ vân. Vợ chồng tôi sốc, suy sụp nhưng vẫn níu lấy hy vọng”, anh Phạm Văn Hoàn, bố của Long, nhớ lại.

Long được chuyển vào điều trị tại khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhi Trung ương, bắt đầu hành trình chiến đấu với bệnh tật. Anh Hoàn và vợ phân chia người đi cùng con, người ở nhà đi làm và chăm sóc cậu con thứ hai. Từ đó, chiếc xe taxi công nghệ của anh Hoàn chỉ phục vụ một vị khách đặc biệt. Từ thứ hai đến thứ sáu, bố con anh ở viện truyền hóa trị, xạ trị. Mỗi đợt dài 72 tiếng.

Long kết thúc phác đồ điều trị năm ngoái, hiện sức khỏe ổn định và tập trung học để năm sau lên lớp 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Long kết thúc phác đồ điều trị năm ngoái, hiện sức khỏe ổn định và tập trung học để năm sau lên lớp 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lúc đầu vào viện, Long sợ hãi khi thấy các bạn nhỏ đầu trọc, trên người cắm kim truyền. Anh Hoàn không quên được hình ảnh con trai òa khóc khi vô tình biết mình bị ung thư.

“Con khóc toáng lên và hỏi: ‘Con lại giống bà ư?’. Khi đó con đã lớn, biết bệnh ung thư nguy hiểm đã mang bà đi xa mãi mãi”, anh Hoàn nói.

Nhìn con đau đớn, phản ứng nặng mỗi lần vào thuốc và phải cõng vì không đi lại được, anh Hoàn xót xa. Những ngày tháng đó, đưa con từ viện về là anh đóng cổng vì không muốn ai đến hỏi thăm.

“Nghĩ thương con, chẳng gì có thể bằng tuổi thơ của cháu”, anh Hoàn tâm sự.

Ròng rã hai năm, bố con Long đi lại giữa Bệnh viện Nhi và 108 để điều trị. Anh Hoàn luôn phải tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho vợ con. Nhưng khi ngồi dưới sân đợi con truyền thuốc, anh luôn tìm một góc để khóc.

Sau một thời gian, Long dần quen, không còn sợ hãi mà yên tâm chữa trị. Vừa chữa bệnh, Long vừa cố gắng học. Các thầy cô ở trường cũng tạo điều kiện, luôn hỏi han và giúp Long theo được bài trên lớp. Nhờ quyết tâm và nỗ lực, cậu bé giành danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm.

Long đã kết thúc đợt điều trị năm ngoái và hiện sức khỏe ổn định. Hàng ngày, sau giờ học trực tiếp ở trường, Long tập trung ôn luyện để năm sau chuyển cấp. Cậu thích đá bóng những lúc rảnh rỗi và mơ ước học ngành công nghệ thông tin.

“Em muốn nhắn nhủ đến các bạn cùng cảnh ngộ rằng, trong cuộc sống, mỗi người sẽ gặp những khó khăn riêng và chúng ta cần đứng lên vượt qua thử thách”, Long nói.

Em tâm sự biết ơn bố mẹ vì đã luôn yêu thương và bên cạnh. Long cũng muốn cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực giúp em trở lại cuộc sống bình thường.

“Sau khi con giành giải, gia đình cũng tổ chức liên hoan nhỏ để động viên cháu. Mọi vất vả, khó khăn mà chúng tôi trải qua giờ cũng được đền đáp. Tôi không mong gì hơn ngoài sức khỏe của các con”, anh Hoàn chia sẻ.

Vì một Việt Nam tất thắng” là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ mồ côi do Chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời), Quỹ Hy vọng – BáoVnExpress cùng trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức; VTV Digital bảo trợ truyền thông.

Tại Gala khép lại hành trình ba tháng của cuộc thi diễn ra tối 21/11, ban tổ chức đã trao 2 giải đặc biệt, 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các bạn nhỏ. Ban tổ chức cũng trao những giải phụ gồm 2 giải thí sinh nhỏ tuổi nhất; 2 giải thí sinh có nhiều bài dự thi nhất và 30 giải “gương mặt ấn tượng tuần”.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) – đồng hành cùng chương trình. Từ đầu làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Vietnam Post đã nhanh chóng ghi dấu ấn khi ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ khoảng 300.000 nông dân đưa các loại nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tiêu thụ theo phương thức hoàn toàn mới.

Độc giả quan tâm có thể truy cập landing page https://vnexpress.net/doi-song/viet-nam-tat-thang và lựa chọn ủng hộ bằng cách truy cập vào ứng dụng Mobile banking của các ngân hàng, quét mã VietQR của chương trình. Mỗi sự đóng góp của quý độc giả đều được Quỹ Hy vọng dùng hỗ trợ bệnh nhi, trẻ vùng cao, trẻ yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.

Thư gửi người bà đã mất của nam sinh mắc bệnh hiểm nghèo - 2

Bình Minh

[ad_2]