Thí sinh tự do tuyệt vọng vì mất cơ hội vào đại học

[ad_1]

Bất lực khi không thể dự thi tốt nghiệp THPT và không được xét tuyển vào trường đại học yêu thích, Tân bật khóc, liên hệ khắp nơi cầu cứu.

Kể từ khi TP HCM quyết định không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 mà chuyển sang xét đặc cách, Tân, 21 tuổi, quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, mất ăn mất ngủ. “Em đã khóc rất nhiều, liên hệ khắp nơi để được thi và sau đó là xét tuyển, nhưng không nhận được gì. Sau hai năm thi lại đại học, giờ em chỉ muốn buông bỏ”, Tân nói, giọng buồn bã khi biết cơ hội vào ngành Y khoa Đại học Y Dược TP HCM đóng sập.

Tân lần đầu dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học năm 2018. Vì không trúng tuyển ngành và trường yêu thích, em đăng ký học một ngành khác nhưng vẫn nung nấu thi lại để vào bằng được ngành Y khoa. Vừa học đại học, vừa ôn thi, quá vất vả nên kết thúc kỳ I năm nhất đại học, nam sinh quyết định bảo lưu một học kỳ để chuyên tâm ôn thi ba môn Toán, Hóa.

Kỳ thi năm 2019, Tân đi thi nhưng không may mắn, thiếu 0,7 điểm để trúng tuyển. Trở lại trường đại học sau “thất bại” lần 2, Tân tiếp tục ôn thi, nuôi ước mơ. Lần này, điểm của em đã tăng khoảng 2 so với năm trước, nhưng điểm chuẩn của trường cũng tăng mạnh khiến Tân thiếu gần 0,5 điểm.

Ứớc mơ quá lớn, lại đang phải học ngành mình không yêu thích nên dù việc học năm ba đại học rất nặng, Tân vẫn quyết định thi lại lần ba. Dựa trên số điểm những năm trước và quá trình ôn luyện kéo dài, Tân tự tin nắm bắt được cơ hội.

Trước khi kỳ thi đợt 1 ngày 7-8/7, không vướng lịch học trực tiếp tại trường, Tân tập trung ôn luyện ở quê nhà Long An. Nhà chỉ cách trường ở TP HCM hơn 20 km nên ba năm nay em không phải thuê trọ. Em cũng dự tính hôm thi sẽ từ nhà lên điểm thi ở TP HCM như những ngày đi học.

Nhưng Covid-19 bùng phát ở nơi Tân sinh sống khiến địa phương giãn cách theo Chỉ thị 16 giữa thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 diễn ra, Tân đành phải thi đợt 2. Đến ngày 1/8, TP HCM thông báo không tổ chức kỳ thi đợt 2 mà sẽ đặc cách tốt nghiệp cho học lớp 12 do tình hình dịch quá phức tạp. Tân hốt hoảng tìm mọi cách bày tỏ nguyện vọng được thi. Em liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, được hướng dẫn xin chuyển về thi ở hội đồng tỉnh Long An.

Thế nhưng phía Long An không nhận chuyển ngang như vậy. Tân lại tìm cách liên lạc tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng chưa nhận được phản hồi thì chiều tối 2/8 Long An cũng ra thông báo không tổ chức thi. “Em như sụp đổ. Công sức ôn thi bao năm qua coi như đổ sông đổ biển”, Tân nhớ lại cảm giác lúc đó.

Thí sinh mệt mỏi trước buổi thi tốt nghiệp THPT ngày 7/7 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thí sinh mệt mỏi trước buổi thi tốt nghiệp THPT ngày 7/7 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ngày 10/8, Đại học Y Dược TP HCM thông báo bổ sung phương thức xét tuyển để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT cả hai đợt. Đối tượng là thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT, thí sinh tự do như Tân không được nhắc tới.

Cho dù thuộc đối tượng xét tuyển, Tân không có cơ hội vì điều kiện xét tuyển là có kết quả thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia và có kết quả học tập THPT từng môn trong tổ hợp xét tuyển từ 8 trở lên cho cả ba năm lớp 10, 11 và 12. Em không đủ điều kiện học bạ, cũng không được dự thi đánh giá năng lực do không đăng ký. Và dù có được thi, kết quả khó khả quan do đề thi bao hàm kiến thức nhiều môn trong khi ba năm qua em chỉ tập trung cho Toán, Hóa, Sinh.

“Thực sự em bất lực, nhiều hôm tự vấn xem mình đã làm gì sai và tại sao đã rất cố gắng nhưng rồi không ý nghĩa gì cả. Lúc này, dù cơ hội học ngành Y khoa gần như bằng 0, em vẫn mong các trường thêm thí sinh tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào đối tượng tuyển sinh bổ sung. Đại học Quốc gia TP HCM cho thêm thời gian để thí sinh tự do có thể đăng ký thi đánh giá năng lực”, Tân nói.

Trinh, 19 tuổi, ở quận 7, TP HCM, cũng đang “vô cùng tuyệt vọng”. Trượt nguyện vọng vào ngành Y khoa năm ngoái, năm nay Trinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngành này của hai trường Đại học Y Dược TP HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Em không đăng ký xét tuyển vào Khoa Y của Đại học Quốc gia TP HCM theo hình thức xét điểm thi đánh giá năng lực do chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Hóa, Sinh, trong khi đề thi rộng hơn.

Khi TP HCM thông báo không tổ chức kỳ thi đợt 2, Trinh mong chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường có phương án bảo đảm quyền lợi cho thí sinh không thể dự thi. Nhưng rồi trường mà Trinh nộp hồ sơ chỉ bổ sung đối tượng và phương thức xét tuyển cho thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT và không thể dự thi hai đợt như hướng dẫn của Bộ. “Thí sinh tự do, đã tốt nghiệp năm trước như em, không trong diện được xét tuyển”, Trinh nói.

Xem đề án bổ sung, thấy Đại học Y Dược TP HCM xét tuyển dựa vào kết quả học bạ kết hợp điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, Trinh liên lạc với Đại học Quốc gia TP HCM để đăng ký dự thi, nhưng được trả lời là “không thuộc đối tượng thi đợt 2” do là thí sinh tự do và không đăng ký dự thi đợt 2 trong thời gian từ ngày 4/5 đến 15/6.

Còn Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo xét tuyển theo học bạ không quá 4% chỉ tiêu mỗi ngành, trong đó điểm trung bình tất cả môn 5 học kỳ THPT (không tính kỳ II lớp 12) phải từ 7 trở lên, riêng ba môn Toán, Hóa, Sinh từ 8 trở lên với ngành Y khoa. Trinh đáp ứng điều kiện này, nhưng đối tượng tuyển sinh cũng chỉ là thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 do ảnh hưởng của Covid-19. Nhiều đại học khác không nhắc tới thí sinh tự do trong đề án bổ sung. “Mọi cánh cửa thực sự khép lại”, Trinh nói.

Không chỉ Trinh, Tân, nhiều thí sinh tự do khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong các hội nhóm ôn thi đại học, nhóm học sinh TP HCM trên Facebook, nhiều em chia sẻ hoàn cảnh của mình và xin được xem xét đưa vào đối tượng xét tuyển. Có em gửi mail về Bộ Giáo dục và Đào tạo với hy vọng cánh cửa vào đại học được mở ra.

Đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ với thí sinh tự do. Trong văn bản gửi các trường đại học về việc tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh cuối tuần trước, Bộ đã yêu cầu hai đại học quốc gia có kế hoạch thi đánh giá năng lực cho nhóm thí sinh đủ điều kiện đăng ký dự thi nhưng không tham dự được do giãn cách xã hội, trong đó có cả thí sinh tự do.

“Ngoài thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021, các trường xem xét tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đối với cả thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2021”, văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ. Tuy nhiên, các trường chưa có động thái mới, thí sinh tự do vẫn trong trạng thái lo lắng mất cơ hội vào đại học.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Dương Tâm