Tháng Ba mùa nhót chín

Chao ôi, những chùm nhót đỏ tươi nấp sau tán lá xanh từng là món quà cho lũ trẻ con trong xóm xúm xít lại, chấm mút với thứ muối ớt thơm cay, nồng nàn hòa với nụ cười giòn tan, vô lo vô nghĩ, từng là thức quà quê mỗi khi hè về mẹ đem ra chợ bán, đổi lấy chút đồng quà tấm bánh cho con thơ, nơi bức tường bao ấy, năm nào tuổi thơ tôi đã có biết bao kỷ niệm….

Cây nhót ấy được mẹ tôi trồng từ khi nào tôi cũng không rõ nữa, chỉ biết rằng khi có ý thức, trước cửa đã sẵn giàn nhót sum sê, thay tường rào với nhà hàng xóm, cành nhót vươn lên bám vào những cây xung quanh, mùa nối mùa ra từng chùm quả chín. Từ khi trời vẫn còn mưa xuân lắc rắc, hoa nhót đã nhu nhú những chùm trắng li ti, mùa nhót bắt đầu bằng những cơn mưa phùn lất phất, bảng lảng khi xuân còn sót lại, vấn vương chưa chịu rời đi.

Ảnh tư liệu

Giữa tháng Ba, trái nhót bắt đầu chuyển mình từ xanh đậm sang màu vàng da bò, rồi từ từ chín đỏ. Phủ bên ngoài lớp thịt nhót căng mọng là những hạt phấn trắng li ti. Chính vì đặc điểm này mà nhót khác với những trái cây khác. Những trái cây khác, chỉ cần gọt vỏ thậm chí để nguyên cả vỏ vẫn có thể ăn ngon lành. Nhưng muốn ăn nhót thì phải cực hơn chút xíu, cầm quả nhót chín đỏ trong tay, xoay tròn khắp thân quả, chùi lớp phấn trắng li ti bên ngoài vào áo hoặc quần mới có thể ăn. Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy, có lần háu ăn mà không kịp lau đi lớp phấn trắng nên hôm sau nhẹ thì ngứa họng, ăn nhiều sẽ bị ho. Nên một hai lần sau là thèm mấy cũng phải lau qua loa bớt lớp áo của trái nhót.

Vị của nhót cũng không ngọt ngào, đậm đà như nhiều trái cây khác, nhưng ai đã ăn, đã thích thì hễ trông thấy là khó cầm lòng. Trái nhót ngon là trái có màu đỏ au, chín đều màu, lớp áo ngoài căng mọng. Vị chua tê dại ban đầu nơi đầu lưỡi đúng là khiến người thưởng thức bất ngờ, rồi vị ngọt của nhót cứ thế lan dần nơi cuống họng, chấm muối ăn càng tăng thêm độ ngọt bùi.

Nhót được mùa, trái to nhất dễ bằng đầu ngón chân cái, không thì chỉ đều đều như quả trứng cút thôi. Nhưng một khi sai quả, cành lá có sum sê cỡ nào, cũng không lấn át được với màu đỏ của trái nhót.

Rời quê lên phố học tập rồi có gia đình riêng, giàn nhót quê nhà năm nào cũng bị chặt bỏ để xây tường bao cho hợp với những ngôi nhà cao tầng khang trang nối nhau mọc lên. Tôi tiếc lắm! Thương nhớ bao kỷ niệm xa xưa, thương lũ trẻ trong xóm không được trải nghiệm, quây quần, nô đùa với nhau bên giàn nhót ấy. Giữa lòng phố thị mùa này, cũng thấy những đôi quang gánh đủng đẳng món quà quê đỏ cả góc phố. Những bạn trẻ háo hức cầm trên tay những trái nhót đỏ au, căng mọng, vẫn tiếng cười vô lo vô nghĩ, tự nhiên lòng thấy vui đến lạ!

theo phapluatxahoi.vn

Nguồn