Suneung – kỳ thi đại học gây nhức nhối ở Hàn Quốc

[ad_1]

Kỳ thi đại học khốc liệt ở Hàn Quốc bị chỉ trích đã biến thành cuộc kiểm tra khả năng học vẹt của thí sinh và độ giàu có của phụ huynh.

Ngày 18/11 hàng năm, sự im lặng bao trùm lên Hàn Quốc khi học sinh toàn quốc tham dự kỳ thi áp lực bậc nhất thế giới – Suneung. Kỳ thi này đang đối mặt với rất nhiều tranh cãi, không chỉ liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần ở giới trẻ, mà còn bị cho là quá đề cao khả năng học vẹt.

Mỗi năm, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (CSAT) hay còn gọi là Suneung diễn ra trong khoảng tám giờ đồng hồ. Thí sinh được cho điểm từ 1 đến 9 với mỗi môn chính – tiếng Hàn, Toán, tiếng Anh, Lịch sử – và các môn phụ như khoa học xã hội, tự nhiên, học nghề và ngoại ngữ thứ hai. Tương lai của học sinh phụ thuộc chủ yếu vào những điểm số này: từ trường đại học cho đến công việc, thu nhập, thậm chí cả những mối quan hệ tình cảm.

Một người mẹ ôm động viên con gái trước khi cô bé bước vào kỳ thi Suneung hôm 18/11. Ảnh: Reuters

Một người mẹ động viên con gái trước khi cô bé bước vào kỳ thi Suneung ở Seoul hôm 18/11. Ảnh: Reuters

Vào khoảng thời gian này trong năm, các cha mẹ, ông bà sẽ đến ngôi đền lịch sử Jogyesa, tại quận Jongno ở trung tâm Seoul, để cầu nguyện cho con cháu. Khung cảnh dễ thấy là trong khi một đám đông đang thi lễ ngoài đền thì bên trong, một nhóm khác kết thúc ngày cuối cùng trong chế độ cầu nguyện Suneung 100 ngày của họ.

Không chỉ những phụ huynh đang cầu nguyện và những học sinh đang căng thẳng mới cảm nhận được áp lực của cuộc thi. Cả xã hội Hàn Quốc thấu hiểu điều đó.

Vào ngày thi, các văn phòng, ngân hàng, thị trường chứng khoán mở muộn hơn một giờ để tránh tắc đường; các máy bay sẽ điều chỉnh lịch trình để tránh gây ồn trong lúc các em thi. Chính phủ cũng tăng cường cảnh sát để hộ tống những thí sinh đi muộn.

Suneung trở thành sự kiện đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mỗi người Hàn Quốc kể từ khi nó bắt đầu tổ chức vào 1994. Nhưng nghi ngờ về hiệu quả của kỳ thi này ngày càng gia tăng. Nhiều người cho rằng đây là một bài kiểm tra sự giàu có và khả năng ghi nhớ.

Các nhà phê bình nói kỳ thi nhìn chung đã trở thành một phép thử về sự giàu có, để đánh giá xem phụ huynh nào đủ khả năng gửi con đến các trường luyện thi tư nhân. Họ cũng đặt câu hỏi về sự chú trọng của kỳ thi đối với khả năng học vẹt và ghi nhớ, thay vì sự sáng tạo của học sinh.

Đồng thời, kỳ thi được cho đã trở thành công cụ để đánh giá bọn trẻ là “thắng” hay “thua” chỉ qua một bài kiểm tra. Trước những áp lực như vậy, các nhà phê bình cho rằng không có gì là đáng ngạc nhiên khi Suneung thường dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, thậm chí là các vụ tự tử ở những người trẻ tuổi.

Một học sinh ở Seoul vội vã chạy đến cánh cổng trường trung học sắp đóng để tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung hôm 18/11. Ảnh: AP

Một học sinh ở Seoul vội vã chạy đến cổng trường sắp đóng để tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung hôm 18/11. Ảnh: AP

“Đó không phải là cách đánh giá công bằng. Kết quả của bài kiểm tra Suneung phụ thuộc vào khả năng theo học các trung tâm tư nhân của học sinh”, Lee Yoon-kyoung, Giám đốc Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia vì Giáo dục chân chính cho biết.

“Bạn không thể ôn thi Suneung ở trường. Bạn phải học ở một trường luyện thi”.

Bà giải thích rằng trong khi trường học bám sát chương trình giảng dạy do chính phủ quy định, các câu hỏi trong bài thi Suneung lại vô cùng khác biệt và không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác kiến thức ở trường. Do đó, thông thường học sinh sẽ chú ý hơn đến các giáo trình chuyên về Suneung do Hệ thống phát thanh truyền hình giáo dục Hàn Quốc thực hiện.

Học sinh lớp 12 cũng thường xuyên kiếm cớ nghỉ học để dành nhiều thời gian hơn ở các trường luyện thi và học thêm. Thậm chí có cả báo cáo về việc sinh viên bỏ học để ôn thi Suneung toàn thời gian.

Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Hàn Quốc, trong số 509.821 học sinh thi Suneung năm nay, 14.277 em đã bỏ học hoặc không đi học thường xuyên.

Lee nói rằng học sinh ngủ quên trong các giờ học tại trường là do ảnh hưởng của các buổi luyện thi đêm khuya. “Ở khía cạnh nào đó, Suneung đang phá hủy nền giáo dục tại trường học”, Lee nói.

Năm ngoái, lĩnh vực giáo dục tư nhân của Hàn Quốc đạt doanh thu 9,3 nghìn tỷ won (tương đương 7,9 tỷ USD) với 5,35 triệu học sinh sử dụng dịch vụ. Một báo cáo vào năm 2018 của Thống kê Hàn Quốc cho thấy 93,7% học sinh sử dụng các loại hình giáo dục tư nhân khác nhau. Trong số đó, 97% đã tham dự các trường luyện thi và 85% tham gia các lớp học thêm ngay cả vào cuối tuần.

“Cuộc sống học đường của bọn trẻ không khác gì tù đày. Các bậc cha mẹ cũng bị trói buộc, dành toàn bộ tiền lương cho các trung tâm luyện thi tư nhân và dồn tất cả thời gian, năng lượng vào việc chăm sóc con cái. Phụ huynh phải từ bỏ cuộc sống riêng”, Lee tiếp tục.

Đối với học sinh, kỳ thi vừa là nỗi kinh hoàng vừa là lời hứa hẹn cho một tương lai nhẹ nhõm vì cuối cùng sự kiện chi phối tâm trí họ trong suốt hơn một thập kỷ cũng trôi qua.

Yoon Cho-eun, 18 tuổi, cũng tự hỏi rằng tất cả những năm tháng ôn thi, những điểm số liệu sẽ có ích gì cho em trong tương lai. “Em nghĩ rằng hầu hết các bạn chỉ học để làm đúng câu hỏi trong bài kiểm tra để vào đại học chứ không phải nhằm tìm hiểu thứ gì đó mới mẻ”, Yoon nói. “Kết thúc kỳ thi là chúng em quên sạch mọi thứ”.

Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nền kinh tế OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Và trong khi tỷ lệ này đã giảm trong những năm gần đây đối với hầu hết nhóm tuổi 30 đến 80, các vụ tự tử ở những người 9 đến 24 tuổi lại đang tăng. Năm 2019, có 876 người độ tuổi này tìm đến cái chết, nghĩa là cứ mỗi 100.000 thanh thiếu niên lại có 9,9 vụ tự tử.

Trong một số trường hợp, Suneung được coi là nguyên nhân trực tiếp.

Một nhóm sinh viên Hàn Quốc biểu tình bên ngoài một điểm thi Suneung tại Seoul ngày 18/11. Ảnh: David D. Lee

Nhóm sinh viên Hàn Quốc biểu tình bên ngoài một điểm thi Suneung tại Seoul ngày 18/11. Ảnh: David D. Lee

Lee Yoon-kyoung muốn hệ thống tính điểm của bài kiểm tra được thay thế bằng Đạt hoặc Không đạt. Bà tin rằng điều này sẽ giảm bớt một phần áp lực “phải luôn giỏi hơn người khác” cho học sinh.

Lee nói: “Điều quan trọng nhất là những sinh viên không làm tốt trong ngày kiểm tra, hoặc trượt theo cách nói của họ, không nghĩ mình là người thất bại”

Để giải quyết vấn đề này, Song In-soo, cựu giáo viên trung học ở Seoul nay trở thành một nhà hoạt động xã hội, đã vận động thay đổi hệ thống giáo dục trong hai thập kỷ qua. Ông thành lập tổ chức Thế giới Không lo lắng về Giáo dục tư vào năm 2008 để giải quyết nỗi ám ảnh của phụ huynh.

Tổ chức của Song đóng vai trò đáng kể trong những cải cách quan trọng, chẳng hạn như kêu gọi chính phủ chuyển sang hình thức tuyển sinh, tuyển dụng cho các đại học, cơ quan công lập mà không dựa trên nền tảng giáo dục của ứng viên. Tổ chức này cũng nỗ lực vận động để các trường trung học ưu tú chủ yếu dành cho con nhà giàu sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2025, thay thế bằng các trường trung học bình thường – nơi tất cả học sinh đều có thể theo học.

Tuy nhiên, ngay cả khi đó, những vấn đề nhức nhối của kỳ thi Suneung vẫn chưa biến mất. Song nhận ra rằng để có thể giải quyết triệt để, các công ty cần phải thay đổi tiêu chí tuyển dụng nhân sự.

“Sự cạnh tranh quá mức trong các kỳ thi tuyển sinh tồn tại do phương thức tuyển dụng của các công ty. Cách các công ty thuê nhân viên cần phải thay đổi trước tiên”, Song nói.

Phần lớn áp lực đối với Suneung đến từ chỗ không có điểm số tốt, học sinh không thể vào được các trường đại học hàng đầu – vốn là bước đệm để làm việc cho các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc.

Phong trào mới nhất của Song – Mùa xuân của Giáo dục – đang đẩy lùi vấn đề này bằng cách nghiên cứu những lĩnh vực và công ty ít chú trọng hơn vào nền tảng học vấn, từ đó đảm bảo với các bậc cha mẹ rằng còn nhiều con đường khác mở ra cho con cái họ.

Phương Anh (Theo SCMP)

[ad_2]