SẮM ĐỒ NỘI THẤT | TẠP CHÍ NHÀ ĐẸP

Có lẽ quá trình hoàn thiện, trang bị đồ đạc, sắm sửa nội thất cho tổ ấm khi nhà vừa xây xong là việc tạo “phấn khích” nhiều nhất cho gia chủ. Thế nhưng, để thực hiện trọn vẹn điều này, bên cạnh tự tìm hiểu, cập nhật thông tin, gia chủ cũng nên có sự tư vấn, trao đổi chi tiết với người thiết kế để việc lựa chọn, mua sắm đồ nội thất được hiệu quả nhất.

 

 

TRƯƠNG HỒ NGỌC MIN

Thiết kế và kinh doanh nội thất

“LÊN ĐỒ” PHẢI PHÙ HỢP

 

Tôi thấy khá nhiều gia chủ hiện nay sử dụng internet và các showroom nội thất là hai kênh tham khảo nhằm hình thành ý tưởng và hiện thực hóa các ý tưởng trong trang hoàng nhà cửa. Khác với phần xây dựng thô chủ yếu phải cậy nhờ kỹ sư và nhà thầu, phần mua sắm đồ đạc trưng bày nhà cửa luôn thể hiện những gì họ thấy trực quan nhất, khi ngôi nhà đã thành hình cụ thể, hoặc là căn hộ chung cư thì đã bàn giao phần xây dựng cơ bản. Việc mua sắm đồ nội thất còn kèm theo niềm vui được “dạo chợ” ngắm nhìn, được cầm nắm kiểm tra tận tay món hàng, thậm chí có thể đề nghị chỉnh sửa, đặt hàng theo ý riêng… mà khi chọn vật tư ở phần thô hầu như không có. Do đó, nhà chuyên môn sẽ vất vả hơn trong khâu “đi chợ” cùng gia chủ vì hiện nay kênh tham khảo khá nhiều và dễ dàng, đội ngũ bán hàng và tư vấn tại các showroom cũng chuyên nghiệp hơn xưa.

Vấn đề còn lại, nếu có, hay nằm ở xu hướng theo từng thời điểm cụ thể, và đây là vấn đề phù hợp hay không, tùy thuộc nhiều vào xu hướng xã hội, chứ không đơn thuần về thẩm mỹ hay giá cả. Theo quan sát của tôi, tuy có nhiều xu hướng đồ đạc “chưng diện” nhà cửa hay được gia chủ chọn lựa, nhất là dịp lễ hội cuối năm, nhưng gom lại có thể kể đến một số xu hướng đang hút khách hiện nay. Một là khuynh hướng săn đồ “độc” và mang được dấu ấn cá nhân, gia đình, ví dụ như sắm kệ tủ chưng vật lưu niệm hay đồ kỷ niệm khi đi du lịch… là niềm tự hào của các gia đình. Người thiết kế nào cũng cần trân trọng và nên tạo “cơ sở hạ tầng” khéo léo ở phần xây dựng để gia chủ có chỗ xếp đặt được các đồ lạ, đồ độc trong phòng sinh hoạt hay phòng khách.

Hai là xu hướng chọn đồ dùng theo phong thủy, hợp tuổi như kiểu “12 con giáp”. Các vật dụng trang trí theo phong thủy có thể tạm phân ra làm 3 loại chính theo chức năng và cách dùng là vật treo, vật trưng bày và vật sử dụng. Cuối năm cũ đầu năm mới theo tập quán phương Đông chúng ta hay treo hình, đặt tượng con giáp cho năm mới nhiều may mắn, tươi vui, đồng thời những dạng đồ mang tính điểm nhấn đặt chỗ trang trọng như phòng thờ, tiền sảnh mà có ý nghĩa phong thủy cũng hay được gia chủ lựa chọn vào dịp cuối năm. Ba là vật dụng mang phong cách dân gian, đồ có nguồn gốc chất liệu thân thiện môi trường như dừa và lục bình, giấy và nhựa tái chế. Nhóm sản phẩm này có thể thuần túy là đồ trang trí như chân đèn, bình bông, phù điêu… càng giữ nguyên được phong cách chế tác thô mộc càng hút hàng. Các khối vật dụng nhỏ như kệ sách, tủ giày, ghế mây… nếu được thiết kế tinh giản, ít góc cạnh và giảm thiểu chi tiết rườm rà thì cũng được giới trẻ khá ưa chuộng.

Tất nhiên để “lên đồ” cho nhà đẹp luôn cần hội tụ nhiều yếu tố như có được vị trí và thiết kế ban đầu hợp lý, bố cục đồ đạc với không gian hài hòa, và tạo tính liên kết tốt với toàn nhà.

 

TRỊNH THANH NGA

Thạc sỹ Xã hội học

ĐỒ NỘI THẤT GIÚP “HOUSE” THÀNH “HOME”

 

Theo tôi, một ngôi nhà xây xong dù hoành tráng đến đâu vẫn chỉ mới xong phần xây cất chứ chưa thể gọi là hoàn thiện nếu thiếu phần sắp xếp, chọn lọc, điều chỉnh. Để một house – ngôi nhà thuần túy vật chất – trở thành một home – mái ấm an vui – thì luôn cần lưu tâm vấn đề cộng hưởng giữa yếu tố môi sinh tự nhiên với yếu tố nhân văn của gia đình và cá nhân.

Ngày càng nhiều gia chủ trẻ tuổi và thành đạt chọn không gian sống theo quan niệm hiện đại, đề cao tiện nghi cao cấp, thiết bị công nghệ mới độc lạ… mà thiếu sự điều tiết đúng mức thì có thể tạo ra lệch lạc, khiến cho ngôi nhà chỉ là nơi tập hợp hệ thống vật chất, mà thiếu hẳn quá trình tương tác mang tính xã hội – nhân văn giữa con người với nhau. Các nước đã phát triển hiện nay đều giảm thiểu mang công việc về nhà, đề cao khoảng không gian và thời gian gắn kết với thiên nhiên, tránh tình trạng “ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu”. Hệ thống đồ đạc nếu sắp xếp tốt sẽ giúp mọi thành viên gia đình vừa có không gian riêng tiện nghi đồng thời vẫn được khoảng sinh hoạt chung để chia sẻ, quan tâm nhau nhiều hơn. Ví dụ một căn phòng để nghe nhạc, đọc sách hoặc chơi nhạc cụ, hát với nhau… sẽ tốt hơn là chỉ có chiếc ti vi thuần túy mà khi không thống nhất được chương trình giải trí thì gia đình dễ phân tán theo kiểu “mạnh ai nấy xem”, rút vào góc  riêng của mình hoặc… sắm ti vi riêng để coi cho đã!

Một số gia đình Việt còn có thói quen hay tập trung mua sắm, trang hoàng cho không gian chung theo tâm lý phô trương, nhưng chỉ sử dụng khi có khách, dịp lễ tết ở những chỗ cần “khoe”, còn thường ngày thì sinh hoạt khá co cụm, bề bộn, thậm chí tạm bợ. Kiểu sắm đồ này lâu ngày thành nếp quen, môi trường sống về thực chất lại bị thiếu chăm chút. Tôi đã đọc câu chuyện về “tủ sách của người Do Thái và tủ rượu của người Việt” để thấy rằng sự đầu tư vào “chiếc tủ” nào – văn hóa tinh thần bền vững hay thuần túy vật chất, khoe của nhất thời – sẽ ảnh hưởng đến quan niệm sống, ý chí phấn đấu và cả sự phát triển của một thế hệ.

Mặt khác, các thế hệ lớn tuổi hay chuộng đồ cổ, gỗ quý, tủ trưng bày… trong khi thế hệ trẻ hơn thì lại ưa vật dụng công nghệ hiện đại, cũng gây ra các xung đột ngấm ngầm trong sinh hoạt, lâu ngày thành kiểu gia đình không thể “ngồi lại bên nhau” chỉ vì không thích đồ nội thất hoặc cảm thấy đồ đó có phong cách không hợp với mình.

Tất cả các bất cập nêu trên đều có thể khắc phục được nếu chủ động tính toán từ đầu, đặt ra các tình huống cụ thể để giải quyết, làm nhà cho chính mình chứ không bắt chước dạng thức của người khác. Ví dụ, nhà phố có nhu cầu buôn bán (hoặc cho thuê kinh doanh) thì nên phân bố ngay từ đầu, nên đưa bếp ăn và phòng khách lên lầu để dành tầng trệt cho buôn bán và xe cộ. Hay ở căn hộ chung cư thì không thể tùy tiện ” trồng cây gì nuôi con gì” như ở nhà riêng dưới trệt có sân vườn được. Cách thức bố trí không gian đúng đắn từ ban đầu sẽ dẫn đến việc chọn lựa, mua sắm đồ nội thất có trọng tâm, không dư thừa, đi vào thực chất sử dụng, và gia tăng sự kết nối trong gia đình nhiều hơn.

 

ĐINH TRẦN GIA HƯNG

THS. KTS. Giảng viên

PHONG CÁCH VÀ NGÂN SÁCH

 

Theo tôi có 2 yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn, mua sắm đồ nội thất cho tổ ấm, đó là phong cách thế nào và ngân sách ra sao.

Về phong cách: đồ nội thất chọn lựa phải hài hòa với thiết kế và hơn thế nữa, phong cách sống của gia chủ. Trong thực tế các sản phẩm nội thất trong các bản vẽ thiết kế 3D hoặc hình tham khảo đôi khi không có sẵn trên thị trường, không hoàn toàn như mẫu mã mong muốn hoặc thiếu đồng nhất chất lượng giữa các thương hiệu. Một bộ sofa tham khảo có thể là mẫu A nhưng ra thị trường chỉ thấy A’ hay A’’ với chi tiết nào đó khác đi một chút nhưng giảm hẳn giá trị sử dụng và thẩm mỹ, như bọc da khác với giả da hay bọc vải. Câu nói “tiền nào của nấy” luôn đúng, nhưng thậm chí tôi đã từng gặp “tiền nào mà của… không nấy”, tốn kém nhiều mà chất lượng và mẫu mã vẫn không ổn. Thực tế này khiến người thiết kế, nhà chuyên môn phải có sự chủ động, linh hoạt tư vấn lựa chọn cho khách hàng tìm kiếm những sản phẩm phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến thiết kế chung. Chuyện dọn vào ở rồi mà phải mất nửa năm mới chọn lựa được như ý các sản phẩm nội thất cũng là chuyện thường hay gặp, không nên quá nôn nóng làm cho xong.

Bên cạnh việc phong phú về mẫu mã của các sản phẩm nội thất thì chất lượng và xuất xứ của chúng cũng bị phụ thuộc rất nhiều bởi giá thành thực tế. Vì thế cần cân nhắc về tính kinh tế để chọn lựa sản phẩm phù hợp. Có thể lựa chọn sản phẩm từ nhiều thương hiệu với nhiều mức giá khác nhau cho ngôi nhà mình nhằm cân đối về chi phí theo mức độ ưu tiên giữa mẫu mã, chất lượng, độ bền và giá cả. Các sản phẩm nội thất hiện nay cũng có nhiều tính chất như là đồ thời trang vậy, nghĩa là thay đổi theo xu hướng chung, theo mùa và thậm chí theo biến động văn hóa – xã hội. Ví dụ như xu hướng các bạn trẻ ưa sống xanh, dùng sản phẩm tái chế thì sẽ tìm đến dòng sản phẩm nội thất dùng gỗ tận dụng, hoặc phong cách của gia chủ thích thêm bớt phối trộn cho đồ đạc (DIY) thì sẽ chọn những món đồ tự chế. Từ đó yếu tố thiên về “ăn chắc mặc bền” hay “truyền từ đời này sang đời khác” của đồ nội thất thời trước sẽ nhường cho dạng sản phẩm “bền vững một cách linh hoạt” với chữ “bền vững” được hiểu theo nghĩa: ít tác động vào môi trường trong quá trình khai thác nguyên liệu, chế tác và bảo trì, sử dụng. Ngoài các sản phẩm nội thất gắn cố định vào ngôi nhà đòi hỏi chất lượng tương xứng, các sản phẩm rời được phối kết vào không gian thường có vòng đời ngắn, dễ được thay thế sau khoảng thời gian nhất định để cập nhật cái mới, giúp không gian ngôi nhà tươi trẻ hơn, theo kịp xu thế chung. Hiện nay khá nhiều gia chủ đã chọn lựa các dòng sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe người sử dụng, hơn là chạy theo mẫu mã hoặc giá cả thuần túy.

Dĩ nhiên, dù theo tiêu chí nào thì mục tiêu sau cùng khi chọn lựa đồ nội thất vẫn là sự đồng thuận trong gia đình để sản phẩm đem lại niềm vui, sự thoải mái và gắn kết các thành viên gia đình, góp phần “thắp lửa” ấm áp cho tổ ấm của mình.

 



Nguồn