Rút khỏi Afghanistan, Biden muốn hướng về châu Á

[ad_1]

Việc chính quyền Biden quyết rút quân khỏi Afghanistan là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tập trung vào chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, theo chuyên gia.

Trong bài phát biểu dài 26 phút ngày 31/8, Tổng thống Joe Biden tiếp tục bác bỏ những chỉ trích về quyết định chấm dứt cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan bằng chiến dịch rút quân vội vã. Ông ca ngợi cuộc sơ tán hàng chục nghìn dân thường Afghanistan và binh sĩ Mỹ là một “thành công phi thường”, đồng thời tuyên bố chấm dứt kỷ nguyên Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự để “giúp dựng quốc”.

“Đã đến lúc phải kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan”, Biden nói, thêm rằng cái giá mà Mỹ phải trả sẽ cao hơn nếu tiếp tục sa lầy trong một cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ.

Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, nói rút quân khỏi Afghanistan là một quyết định đúng đắn của chính quyền Tổng thống Biden, nhưng được thực hiện một cách “thảm họa”.

“Nó được lên kế hoạch sơ sài và không có bằng chứng nào cho thấy sự phối hợp của Mỹ với các đồng minh châu Âu. Những tính toán chính trị rõ ràng đã được ưu tiên hơn sự an toàn của người Mỹ và các đối tác của họ ở Afghanistan”, Schuster chia sẻ với VnExpress.

Rút quân khỏi Afghanistan là một trong những cam kết chủ chốt của Biden trong chiến dịch tranh cử năm 2020. Nhiều quan chức Nhà Trắng tin phần lớn người Mỹ sẽ ủng hộ Tổng thống vì đã thực hiện những gì từng hứa.

“Kế hoạch rút quân lộn xộn của Biden đã dẫn tới cuộc sơ tán hỗn loạn. Tuy nhiên, ông nhận được ủng hộ từ đa số người dân Mỹ và rõ ràng sứ mệnh của Mỹ ở Afghanistan từ lâu đã đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng”, Daniel L. Byman, thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings, nói.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, thủ đô Washington hôm 16/8. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, thủ đô Washington hôm 16/8. Ảnh: Reuters.

Biden tranh luận ông không còn lựa chọn nào tốt hơn rút quân. Ông cho rằng Taliban chiếm Afghanistan là do các lãnh đạo chính trị chạy khỏi đất nước và quân đội không có ý chí chiến đấu. Ông cũng đổ lỗi cho người tiền nhiệm, cựu tổng thống Donald Trump, đã trao quyền cho Taliban thông qua thỏa thuận hòa bình Doha được ký kết hồi năm ngoái, khiến họ có cơ hội “ở vị thế quân sự mạnh nhất kể từ năm 2001”.

Nhận định về lý do Mỹ rút khỏi Afghanistan, Schuster cho rằng cả Washington và đồng minh đều không còn “ý chí chính trị” để tiếp tục sứ mệnh tái thiết quốc gia Trung Á này.

“Xây dựng Afghanistan trở thành một quốc gia dân chủ với chính quyền trung ương mạnh mẽ là một nhiệm vụ có mục đích tốt, nhưng cách thực hiện sai lầm”, ông nói. “Chuyển đổi xã hội này sẽ là một dự án tốn kém qua nhiều thế hệ”.

Tuy nhiên, Schuster cho rằng khi quyết định rút quân khỏi “vũng lầy” Afghanistan, chính quyền Tổng thống Biden đáng lẽ nên tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác, những bên đã sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến hai thập kỷ qua ở quốc gia này. Việc khiến các đồng minh, đối tác của mình bất ngờ sẽ làm giảm tín nhiệm của Mỹ.

“Các đồng minh, đối tác lẫn đối thủ của Mỹ coi đây là minh chứng mới nhất cho thấy Washington đang tìm cách rút lui khỏi các chiến dịch quân sự tốn kém”, tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, chia sẻ.

Dù vấp nhiều chỉ trích, Biden vẫn bảo vệ quyết định rút quân và xem đây là kỷ nguyên mới trong việc sử dụng sức mạnh Mỹ. Ông cho biết Mỹ sẽ tránh các cuộc chiến tranh thực địa với việc triển khai số lượng binh sĩ lớn, thay vào đó ủng hộ cạnh tranh kinh tế, an ninh mạng và chống các mối đe dọa bằng công nghệ quân sự. “Thế giới đang thay đổi” và sự lãnh đạo của Mỹ cũng cần phải thay đổi, theo Biden.

Các chuyên gia nhận định những động thái và tuyên bố mới của Biden là dấu hiệu về những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. “Biden hy vọng Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào châu Á và châu Âu, thay vì Trung Đông và Afghanistan”, Byman nói.

Schuster cũng đồng tình một phần với quan điểm này, khi cho rằng sau khi chấm dứt cuộc chiến hao người tốn của ở Afghanistan, Mỹ sẽ rảnh tay tăng cường sự tập trung vào châu Á, điều mà nhiều quan chức trong chính quyền Biden thường nhắc tới gần đây.

Sau chiến dịch rút quân bị đánh giá là “thảm họa” ở Afghanistan, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ nỗ lực xây dựng lòng tin và mức độ hành động hiệu quả trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương. Để làm được điều đó, Biden sẽ phải xây dựng lại hình ảnh và niềm tin trong lòng các đồng minh, đối tác ở khu vực.

“Biden không thể đi vào vết xe đổ của Barack Obama, trong đó cựu tổng thống cam kết xoay trục sang châu Á nhưng sau đó không tăng cường hiện diện và hoạt động thực tế ở khu vực này”, Schuster cho hay.

Chuyên gia này thêm rằng những lời hứa hẹn và chuyến thăm cá nhân là chưa đủ để tạo dựng lại niềm tin và hình ảnh của Mỹ trong lòng các đồng minh, đối tác ở châu Á, mà Washington cần có thêm những hành động trên thực tế.

“Lần này, sự xoay trục cần phải thực tế và được phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Schuster nói. “Chính sách thương mại là một lĩnh vực ít được Mỹ chú ý nhưng lại rất quan trọng đối với châu Á. Biden nên kết hợp điều đó trong các nỗ lực về chính sách đối ngoại tương lai của ông”.

Thanh Tâm

[ad_2]