Quách Thu Phương: ‘Tôi khác Xuân trong Hương vị tình thân’

[ad_1]

Quách Thu Phương nói bản thân thực tế, chính chắn chứ không phù phiếm, trẻ con như nhân vật chị đóng trong “Hương vị tình thân”.

– Vì sao chị nhận lời tham gia phim mới của đạo diễn Danh Dũng?

– Tôi hứng thú khi đọc kịch bản, thấy nhân vật thú vị, mới lạ, dễ tạo ý kiến trái chiều từ khán giả. Tôi cũng không ngại làm xấu bản thân, ăn mặc lòe loẹt để vào vai này. Nhân vật Xuân ban đầu không sinh động như trên phim. Trong quá trình quay, tôi và đạo diễn ê-kíp cùng bàn bạc, sáng tạo, tô điểm cho vai diễn. Tôi định hình đó là người phụ nữ trung niên hy sinh cả sự nghiệp, tuổi xuân để chăm sóc con cái, vun vén gia đình. Thế giới của bà Xuân chỉ quanh quẩn bên chồng con, một vài người bạn. Đó là lý do nhận thức của bà bị hạn chế, cả tin, đánh giá sai Phương Nam và ra sức ngăn cản tình yêu của cô và con trai mình.

Khán giả ức chế vai của Quách Thu Phương trong 'Hương vị tình thân'

Bà Xuân (xuất hiện từ giây thứ 48) trong trích đoạn tập 71 phim “Hương vị tình thân”. Video: TVAD.

– Nhân vật giống và khác với chị thế nào ngoài đời?

– Tôi chính chắn và lý trí. Khi đứng trước một sự việc, tôi sẽ tìm hiểu kỹ, không nghe lời người này người kia rồi vội vàng phán xét. Tôi cũng không áp đặt con cái trong mọi chuyện, từ học tập, lựa chọn công việc đến yêu đương. Chẳng hạn, trước kia, con gái tôi học hai năm ở Đại học Hà Nội nhưng vẫn muốn bỏ để đi du học. Tôi ủng hộ con bởi muốn con biết tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình.

Tuy nhiên, tôi đồng cảm với tình yêu nhân vật dành cho các con. Bà phản đối chuyện tình giữa Nam với con trai cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ nhiều người mẹ ngoài đời sẽ đồng tình chi tiết này. Nam xuất thân phức tạp, có người mẹ lao động. Cô bé khá ngổ ngáo, ăn nói thiếu chừng mực với người lớn. Khoảng cách giữa hai gia đình là quá lớn.

Bà Xuân bị mẹ chồng đánh trong 'Hương vị tình thân'

Bà Xuân bị mẹ chồng đánh trong tập 10 phim. Video: TVAD.

– Những cảnh quay nào trong phim khiến chị ấn tượng?

– Mỗi khi lên cơn lẫn, bà Dần – mẹ chồng Xuân – thường nhầm con dâu là nhân tình của chồng, đánh đập không thương tiếc. Trên sân khấu, chúng tôi thường dùng kỹ thuật trong những cảnh này. Với phim truyền hình, mọi thứ đều phải chân thực hết sức có thể. Sau mỗi cảnh bị mẹ chồng túm tóc, đánh đập, tôi rất đau, ê ẩm cả đầu. Cũng may chúng tôi đều là diễn viên kinh nghiệm, có sự chuẩn bị tốt nên thường không phải quay nhiều lần. Ngoài ra, nhân vật có cảnh nhảy xuống hồ bơi, nhảy cầu tự tử khá vất vả. Bù lại, nhân vật có gì đều thể hiện hết bằng hành động nên tâm lý không nặng nề.

– Chị đón nhận phản ứng thế nào từ khán giả về vai diễn?

– Khán giả ngày nay theo dõi phim rất sát, vai của tôi là một trong những nhân vật bị ghét nhất. Tôi có đọc bình luận của người xem trên Facebook, cảm thấy rất thú vị. Họ đặt cho tôi biệt danh “Xuân Cá Cảnh”, “Xuân Em Chưa 18” để mỉa mai tính õng ẹo, trẻ con của nhân vật. Nhiều người còn nói mong Xuân bị bà Dần đánh thật nhiều. Nhiều người còn chế video chồng tát Xuân trong tập 71, để tôi ăn đòn liên tiếp. Tôi thấy cách thể hiện của khán giả rất thú vị. Con gái tôi cũng nói: “Mẹ diễn một vai hoàn toàn khác mình như vậy là đạt rồi. Nhưng bạn con cũng nói là ghét mẹ lắm”. Đến lúc này, tôi và ê-kíp hài lòng vì đã xây dựng vai diễn đúng hướng, tạo hiệu ứng tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ người xem đôi khi phản ứng thái quá, chưa đặt mình vào vị trí của nhân vật để cảm thông.

Quách Thu Phương sinh năm 1977, nổi tiếng với vai Lan trong phim Của để dành. Chị từng là diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, được yêu mến với loạt vai trong các vở Vũ nữ đêm giao thừa, Diễm 500 đô, đặc biệt kịch thơ Kiều Loan được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của thi sĩ Hoàng Cầm. Ảnh: VFC.

Quách Thu Phương sinh năm 1977, nổi tiếng với vai Lan trong phim “Của để dành”. Chị từng là diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, được yêu mến với loạt vai trong các vở “Vũ nữ đêm giao thừa”, “Diễm 500 đô”, đặc biệt kịch thơ “Kiều Loan” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của thi sĩ Hoàng Cầm. Ảnh: VFC.

– Kỷ niệm gì trong quá trình quay phim khiến chị ghi nhớ?

– Chúng tôi làm việc cùng nhau nhiều ngày, quây quần không khác gì một gia đình. Nghệ sĩ Như Quỳnh hơn tôi 20 tuổi, trước đây, mỗi khi gặp nhau, tôi gọi “chị”. Đóng phim chung, chị vào vai mẹ chồng, chúng tôi xưng “mẹ – con” từ trong phim ra ngoài đời. Chúng tôi rất thân thiết, chăm sóc, quan tâm nhau từ bữa ăn miếng uống. Phương Oanh (vai Nam), Mạnh Trường (vai Long, con trai bà Xuân) cũng gọi tôi là mẹ. Tôi đánh giá cao dàn diễn viên trẻ trong phim. Các bạn ấy khiêm tốn, chịu khó lăn xả, học hỏi.

– Ngoài thời gian đóng phim, cuộc sống của chị giờ thế nào?

– Tôi hiện tại thảnh thơi vì các con đã lớn, tự biết chăm lo bản thân. Trước đây, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nổi tiếng với phim Của để dành, tôi nghỉ làm để chăm sóc con, từng trải qua thời gian trầm cảm vì nhớ nghề. Giờ cả hai đều hiểu chuyện, ủng hộ tôi diễn xuất. Các con nói vui vì thấy tôi hạnh phúc, năng động hơn khi được cống hiến cho công việc mình thích.

Những khi không có lịch quay, tôi tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng. Tôi gắn bó với yoga hơn 10 năm, có đi dạy yoga, truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Thỉnh thoảng, tôi tham gia một số chương trình từ thiện.

– Chị hướng đến những dạng vai nào trong tương lai?

– Hồi trẻ, vì áp lực sự nghiệp, kinh tế, tôi nhận khá nhiều phim, có nhiều lúc đóng đến mấy phim một lúc. Ở tuổi trung niên, tôi không còn gánh nặng nào nên thoải mái hơn, chỉ muốn làm thật tốt công việc. Trước đây, tôi từng đóng một vai tính cách mạnh trong Lời thề Hippocrates. Tuy nhiên, thời lượng phim khá ngắn (10 tập), nên tôi chưa cảm thấy “đã”. Tôi thích trải nghiệm dạng vai cá tính mạnh hoặc phản diện, không ngại làm xấu bản thân để thử sức. Các phim truyền hình hiện giờ đều thu tiếng trực tiếp. Điều này khiến diễn viên không thể lười hay ỉ lại vào việc lồng tiếng. Trước mỗi cảnh quay, chúng tôi luôn phải học thoại nhuần nhuyễn, thậm chí thuộc cả phần của bạn diễn để ứng biến.

Hà Thu

[ad_2]