Phó trưởng Ban Kinh tế: Tam nông tiếp tục là ‘trụ đỡ’ của nền kinh tế

[ad_1]

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “địa bàn” chiến lược của Đảng, Nhà nước 13 năm qua và tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế, theo ông Nguyễn Duy Hưng.

Quan điểm này được ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 26 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mới đây.

Theo ông Hưng, Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu “xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, biện pháp cụ thể là chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất lớn, chế biến sâu, xây dựng và tiếp cận dữ liệu trong lĩnh vực nông nghiệp từ cây trồng vật nuôi đến thị trường, giá cả, chất lượng…

“Phải tạo sinh kế cho người dân tại quê nhà. Đây là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp. Trên bàn ăn của người dân chỉ có 20% là giá trị nông sản của bà con nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, còn 70-80% là ở các lĩnh vực khác cho thấy lợi ích kinh tế chưa thật sự hấp dẫn bà con”, ông Hưng nói.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng tại cuộc làm việc. Ảnh: Hiếu Duy

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng tại cuộc làm việc. Ảnh: Hiếu Duy

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo tỉnh An Giang kiến nghị miễn thuế suất 5% đối với gạo tiêu thụ nội địa để doanh nghiệp quan tâm hơn thị trường gạo trong nước. “Việc này cũng tạo lòng tin, tín nhiệm thương hiệu gạo Việt từ người tiêu dùng trong nước”, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nói.

Theo ông Thư, nhà nước cũng cần có các dự án, chương trình hỗ trợ cho nông dân thuộc vùng quy hoạch giữ đất lúa để đảm bảo sản xuất có lợi, nâng cao thu nhập. Cạnh đó, phải tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi; có cơ chế, chính sách đặc thù cho đầu tư, thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch cho nông sản; có hướng dẫn tháo gỡ vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

“Hằng năm, An Giang có sản lượng 4 triệu tấn lúa, cần 28.000 tỷ đồng để thu mua mà doanh nghiệp không thể có số vốn này. Vì vậy, tôi đề nghị có chính sách tháo gỡ việc tiếp cận vốn tín dụng”, ông Thư nói và đề nghị ưu đãi hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như chính sách giao đất, cho thuê đất, thuế, tín dụng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cũng cho rằng, để tam nông phát triển bền vững, nhà nước cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng (Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP HCM); có chính sách kêu gọi, thu hút BOT, tư nhân, các thành phần kinh tế khác vào nông nghiệp, nông thôn.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị chính sách đầu tư thỏa đáng hơn cho nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh đất lúa giảm dần, phải tập trung kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn, gắn với chế biến sản phẩm chủ lực, ngành hàng có chất lượng.

“Cần hoàn thiện chính sách về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc tập trung, tích tụ đất đai, có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở, nhà máy ở vùng nông thôn để thu hút lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ nói.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương thừa nhận, chính sách thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa thật sự hấp dẫn từ đào tạo, thuế, cho thuê đất đến nguồn vốn tín dụng… Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có cam kết nâng nguồn tín dụng cho lĩnh vực này nhưng thủ tục vay vốn còn có vấn đề, tức là chủ trương thì có nhưng triển khai thực hiện lại vướng.

Theo kế hoạch, vào tháng 5/2022, Trung ương sẽ cho ý kiến báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 và một dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 26.

Hoàng Thùy