Phép thử khó với kinh tế năm 2021

[ad_1]

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, với mức độ hơn cả ba lần trước cộng lại, là phép thử khó khăn cho kinh tế trong năm nay.

Nếu ví nền kinh tế là một cỗ xe, thì “phanh gấp” đang là thực tế diễn ra. Lần bùng phát thứ tư của Covid-19, mở đầu ở các tỉnh phía Bắc nhưng sau đó lan rộng ra các tỉnh thành phía nam theo chiều hướng phức tạp, với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, đã làm thay đổi mọi dự báo.

Cuối tháng 4 và tháng 5, khi đại dịch bùng lên tại Bắc Giang hay Bắc Ninh, các chuyên gia đánh giá kinh tế sẽ bị tác động về mảng công nghiệp, chế biến chế tạo, nhưng bức tranh chung vẫn còn nhiều điểm tích cực. Con số tăng trưởng GDP quý II gấp nhiều lần cùng kỳ phần nào đã củng cố lập luận này. Tuy nhiên, khi TP HCM và các tỉnh phía nam rơi vào vòng xoáy Covid-19, với biến chủng mới Delta, bức tranh kinh tế không còn nhiều gam màu sáng.

“Tình hình này làm cho những người quan sát cảm thấy lo lắng hơn với mức độ lan rộng của bệnh dịch, đặc biệt khi nó đang diễn ra ở khu vực đầu tàu của nền kinh tế”, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nói với VnExpress.

Xưởng làm việc tại nhà máy điều Long An, thuộc chi nhánh công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An, ngày 16/7. Ảnh: Hoàng Nam.

Xưởng làm việc tại nhà máy điều Long An, thuộc chi nhánh công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An, ngày 16/7. Ảnh: Hoàng Nam.

Trong báo cáo cuối tháng 6, các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam cũng đánh giá, việc dự đoán tình hình đã trở nên “rất khó”, do biến chủng Delta. Diễn biến khiến đợt bùng phát thứ 4 nguy hiểm và phức tạp hơn cả ba đợt trước cộng lại, đặc biệt ảnh hưởng tới nhiều khu vực sản xuất và vùng kinh tế trọng điểm như TP HCM, Bình Dương.

Những lo ngại này không phải không có căn cứ. Quy mô kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2020 đạt khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, trong đó riêng TP HCM đóng góp hơn 20%. Đầu tàu kinh tế của cả nước có quy mô GRDP năm 2020 hơn 1,37 triệu tỷ đồng, cao hơn gần 30% so với Hà Nội.

Các tỉnh lân cận TP HCM cũng là trọng điểm về sản xuất công nghiệp, với thành phố này là cầu nối của nhiều chuỗi cung ứng, thậm chí mức độ ở một số lĩnh vực còn lớn hơn các “thủ phủ công nghiệp” phía bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh.

Việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với TP HCM và các tỉnh lân cận là giải pháp quan trọng để “hạ nhiệt” diễn biến phức tạp của Covid-19. Nhưng với cấu trúc kinh tế tới 62% đóng góp bởi mảng dịch vụ, điều này sẽ là đòn giáng mạnh. Sự bù đắp của ngành bán lẻ là không đủ để vực dậy một cỗ xe kinh tế năng động bậc nhất cả nước.

Ngoài ra, một vấn đề lớn hơn là chuỗi liên kết vùng, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị gián đoạn cục bộ. Diễn biến với ngành bán lẻ là một ví dụ, các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đã bị gián đoạn bởi sự lệch pha về quy định phòng dịch giữa các địa phương, dù hàng hóa này được liệt vào nhóm ưu tiên.

“Các bạn thử hình dung một cỗ máy đang chạy, một chiếc tàu hỏa đang di chuyển trên đường ray hay một con tàu trên biển, bị dừng lại đột ngột. Nền kinh tế hay một hệ sinh thái kinh tế cũng y chang như vậy”, TS Nguyễn Hoàng Bảo, Trưởng bộ môn kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển, Trường đại học kinh tế TP HCM, nhận xét.

Theo ông, các mối liên kết kinh tế hay mạng lưới kinh doanh đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Đầu vào cho hoạt động sản xuất bị gián đoạn, không đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, ổn định, cân đối của việc sản xuất hàng hóa. Khi nguồn cung bị gián đoạn, mạng lưới kinh doanh, vốn được hình thành, kiến tạo và tích lũy từ khi doanh nghiệp ra đời, nguy cơ bị lung lay, đổ vỡ.

“Tình hình kinh tế quý III thực sự là không tốt”, TS Nguyễn Hoàng Bảo nói.

Tuy nhiên, ảnh hưởng không chỉ dừng ở các yếu tố vĩ mô. Câu chuyện vi mô, cụ thể là hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đã đứng trước bờ vực vì đợt bùng phát thứ tư.

Công nhân một doanh nghiệp tại Long An áp dụng phương châm ba tại chỗ. Ảnh: Hoàng Nam.

Công nhân một doanh nghiệp tại Long An áp dụng phương châm “ba tại chỗ”. Ảnh: Hoàng Nam.

Khi Covid-19 mới bùng phát trở lại, giới chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp sẽ có sự chuẩn bị nhờ kinh nghiệm những lần chống dịch trước đó. Nhưng bài học kinh nghiệm có lẽ là không đủ khi các biện pháp áp dụng cho lần bùng dịch thứ tư này là điều chưa từng có trước đây.

Như giải pháp “ba tại chỗ”, TP HCM yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp. Một là vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động với phương châm sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ. Hai là đảm bảo thực hiện “một cung đường – hai địa điểm”, tức vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn hoặc chỗ ở tập trung khác). Giải pháp này nhằm ngăn chặn dịch bùng phát phức tạp tại các khu công nghiệp hay môi trường sản xuất. Với những doanh nghiệp lớn, việc xoay xở dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện.

Nhưng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế, những giải pháp này trở thành thách thức rất lớn. Nguồn lực bị bào mòn trong hơn một năm Covid-19 khiến những doanh nghiệp này khó có thể đáp ứng quy định phòng dịch, mà cách lựa chọn khả dĩ nhất là dừng hoạt động.

Thực tế, trong hai đợt bùng phát trước, hầu hết doanh nghiệp chọn cách tạm thời rời khỏi thị trường, nhưng đến nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng gắng gượng. Theo cơ quan thống kê, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục trong nửa đầu năm nay tăng lần lượt 25,7% và 33,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp dừng kinh doanh chỉ tăng 22%.

Vậy ngược lại, còn điểm sáng nào cho kinh tế trong nửa cuối năm? Ông Lê Duy Bình cho rằng, TP HCM, khu vực Đông Nam Bộ còn khó khăn nhưng vẫn còn những vùng kinh tế chưa bị ảnh hưởng. Các tỉnh đi đầu về sản xuất công nghiệp phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang sớm quay trở lại sản xuất sẽ giảm bớt phần nào tác động.

Động lực kéo lại kinh tế cho nửa cuối năm nay sẽ vẫn là đầu tư công. Chuyên gia này tính toán, nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đảm bảo, đạt 95-100% theo dự toán, có khoảng 20 tỷ USD được đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề là giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm nay tiếp tục diễn ra tình trạng chậm, 6 tháng mới đạt hơn 29% kế hoạch. “Nếu đầu tư công giải ngân tốt thì cũng sẽ hỗ trợ rất tốt cho tăng trưởng kinh tế”, ông Bình nhận xét.

Ngoài ra, kỳ vọng từ xuất nhập khẩu, việc sớm khống chế đợt bùng phát thứ 4 cũng sẽ tạo ra tác động tích cực cho kinh tế nửa cuối năm. Tuy nhiên, ông Bình cũng nhìn nhận, kỳ vọng cho kinh tế vẫn có nhưng một yếu tố quan trọng là thời gian khống chế dịch.

“Yếu tố thuận lợi để giữ tăng trưởng là vẫn có chứ không phải mất đi nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nếu không khống chế được thì đáng lo lắng. Khống chế được thì kinh tế vẫn có điểm tựa, cả về kinh tế vĩ mô, thị trường chứ không quá bi đát, bi quan. Nhưng càng để lâu, cơ hội càng mất đi”, ông Bình nhận xét.

Minh Sơn – Phương Ánh

[ad_2]