[ad_1]
Tranh tài với 125 thí sinh từ hơn 100 quốc gia, Hà Ngân giành hạng 2 châu Á, hạng 10 thế giới cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ.
Ngày 18/10, Nguyễn Thị Hà Ngân, 20 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), kết thúc chặng đường của mình tại cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ thế giới năm 2021. Lần gần nhất sinh viên Việt Nam vào top 10 thế giới là hơn 10 năm trước. “Nếu ai đó gặp em cách đây 5 năm, nói rằng em sẽ đạt được thành tích này, chắc chắn em không tin. Kết quả này em chưa từng nghĩ tới”, nữ sinh quê Hòa Bình chia sẻ.
Giống đa số học sinh Việt Nam, Hà Ngân vốn theo đuổi tiếng Anh. Khi nộp hồ sơ vào trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, nữ sinh đăng ký lớp chuyên tiếng Anh nhưng không đủ điểm. Giữa những lớp còn lại, Ngân nghe lời mẹ, chọn tiếng Trung. “Lúc đó, em chỉ nghĩ mình cần có môi trường để mở mang tầm nhìn, đi xa hơn nơi mình đang sống. Em không muốn từ bỏ cơ hội vào trường chuyên”, Ngân nói.
Quen với những chữ cái Latin của tiếng Anh và Việt, cô gái sinh năm 2001 vật vã khi tiếp xúc với ngôn ngữ tượng hình. Chữ cái tiếng Trung nhiều nét, khó nhớ thứ tự viết, nhiều chữ em đã tập viết cả trang giấy nhưng hôm sau vẫn quên. Hà Ngân cùng các bạn trong lớp có hai tháng làm quen, đọc phiên âm, sau đó mới học cách viết.
Những bài kiểm tra đầu tiên, Ngân toàn được 3-4 điểm, đến mức cảm thấy những con số này rất quen thuộc mỗi khi nhận kết quả kiểm tra. Chật vật 6 tháng, em dần bắt nhịp được với tiếng Trung, nhớ được các quy tắc viết và cải thiện tốc độ khi đọc và nói.
Biết đến cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ dành cho lứa tuổi học sinh THPT, Ngân đăng ký và có dịp sang Trung Quốc vào năm cuối THPT. Tại trường, em thấy khả năng của mình “cũng không đến nỗi nào” nhưng khi được tiếp xúc với người bản địa, nữ sinh nhận thấy mình còn rất nhiều thiếu sót, đặc biệt là về ngữ âm. Cuộc thi năm đó, Ngân không đạt được thành tích đáng kể nhưng “giải thưởng” lớn nhất cho cô gái 18 tuổi là biết mình cần cải thiện ở đâu.
Mong muốn được học sâu hơn về ngôn ngữ và trở thành giáo viên, Hà Ngân thay đổi nguyện vọng đại học từ Ngoại thương sang Ngoại ngữ vào “phút chót”. Lúc đầu, quyết định của Ngân không nhận được sự ủng hộ của gia đình nhưng em hiểu mình không phù hợp với kinh tế. Nữ sinh kiên định với lựa chọn của mình và dành thời gian thuyết phục bố mẹ.
Tại khoa Ngoại ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Đại học Ngoại ngữ, Ngân được học chuyên sâu về cách viết và dùng tiếng Trung trong các văn bản, sau đó học cách giảng dạy ngôn ngữ này. So với hồi THPT, Ngân đánh giá mình đã chủ động hơn trước, không đợi giáo viên giao bài, đồng thời thay đổi tư tưởng “học để thi” sang “học để dùng”.
Ngay từ khi trở thành sinh viên, Hà Ngân đã đặt mục tiêu phải thi Nhịp cầu Hán ngữ thế giới. “Không cần biết sẽ đoạt giải gì, em muốn làm tốt nhất có thể và vượt qua chính mình trong lần tham dự đầu tiên”, Ngân nói.
Trải qua vòng tuyển chọn tại khoa, cô gái đến từ Hòa Bình cùng một bạn học khác tham dự cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ tại Việt Nam dành cho sinh viên miền Bắc và Trung, được tổ chức vào tháng 9/2021. Ngân cần chuẩn bị một tiết mục tài năng và vượt qua vòng hỏi đáp trực tiếp. Nữ sinh cho rằng mình đã gặp may khi nhận được câu hỏi đúng sở trường và giành điểm cao, trở thành quán quân và giành suất tham dự vòng thế giới.
Vốn nghĩ khoảng hai tuần nữa cuộc thi mới diễn ra nhưng chỉ ba ngày sau khi kết thúc vòng thi tại Việt Nam, Ngân hoảng hốt khi nhận thông báo sẽ tranh tài cùng đại diện hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bốn ngày tới. “Em cuống đến mức vớ được gì đọc cái đó. Cuộc thi chú trọng sự hiểu biết của thí sinh về văn hóa, địa lý Trung Quốc nên em nghĩ mình cần tranh thủ tìm hiểu càng nhiều càng tốt”, Ngân nói.
Trong một tháng, cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ thế giới 2021 được chia thành năm vòng đấu với 125 thí sinh đến từ năm châu lục, lần lượt lấy top 30, 15, 10, 5 và tìm ra quán quân. Vì thí sinh châu Á vốn có lợi thế học tiếng Trung hơn, để đảm bảo công bằng, ban tổ chức chia thí sinh theo châu lục và chỉ tiêu cho mỗi khu vực để vào vòng sau là bằng nhau.
Thể thức thi của mỗi vòng cũng khác nhau. Ngoài trả lời câu hỏi kiến thức chung, thí sinh sẽ quay video để giới thiệu về mình, thuyết trình về một bức tranh ngẫu nhiên, chuẩn bị bài diễn thuyết.
Tại vòng top 30, Hà Ngân được xem một bức tranh về khung cảnh Tết và chọn đề tài “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Tuy nhiên, vì thi online, chất lượng âm thanh không tốt khiến micro bị phản âm, tạo ra tiếng vang. Theo thói quen, mỗi khi run hay lo lắng, Ngân sẽ nói rất nhanh. Chưa hết giờ, nữ sinh đã hoàn thành phần thi của mình và nghĩ “thôi trượt rồi”. May mắn, nhờ giành điểm tuyệt đối trong 20 câu hỏi trắc nghiệm, Ngân hơn người xếp sau 9 điểm, “lách qua khe cửa hẹp” để lọt vào vòng trong.
Ở vòng dành cho 15 người xuất sắc, điểm của Ngân bằng một thí sinh khác, buộc ban tổ chức đưa ra vòng thi phụ để chọn một người. Trong ba phút, các thí sinh được yêu cầu nói các thành ngữ liên quan đến màu sắc. Trong khi Hà Ngân nghĩ ra hơn 20 cụm từ, đối thủ gặp khó khăn sau khi trả lời khoảng 10 cụm từ. Giành chiến thắng thuyết phục, Ngân bước vào top 10 thế giới. Khi nghe người dẫn chương trình gửi chúc mừng rằng “sự chờ đợi thực sự đã không uổng phí”, Hà Ngân không kìm được nước mắt.
Đối thủ trực tiếp của Ngân ở vòng chọn top 5 đến từ Mông Cổ, đã sống và học tập 11 năm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Biết khả năng của bạn, Ngân không buồn và cảm thấy tâm phục khẩu phục khi dừng bước tại top 10 cuộc thi. Lần này, Ngân không khóc. “Em mãn nguyện vì đã làm hết sức, cũng không còn gì hối tiếc. Ngay từ khi tham gia, em thực sự không nghĩ mình lại đi xa được như này. Top 10 thế giới là điều gì đó em chưa từng dám nghĩ đến”, nữ sinh nhớ lại.
Suốt một tháng tham dự cuộc thi, nữ sinh luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các thầy cô giáo. Ngoài sự biết ơn, điều này càng thôi thúc và trở thành động lực cho cô gái 20 tuổi tiếp tục theo đuổi ước mơ giảng dạy.
Đồng hành cùng Hà Ngân từ đầu cuộc thi, cô Trần Linh Hương Giang, giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ấn tượng với cô học trò ngay từ năm nhất. Cô Giang đánh giá Ngân nói tiếng Trung tốt, phản ứng nhanh và say mê với ngôn ngữ này.
Tại cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ thế giới năm nay, ban đầu, cô trò chỉ đặt mục tiêu vào top 30 vì nhiều thí sinh Thái Lan, Malaysia, Mông Cổ là người Hoa kiều. Do đó, khi Hà Ngân lần lượt tiến vào top 15 và 10, cô Giang vỡ òa hạnh phúc. “Kết quả nằm ngoài mong đợi nên tôi rất vui và bất ngờ”, cô giáo nói.
Hiện, Ngân đã quay về nhịp sống hàng ngày và đang hoàn thành các bài kiểm tra giữa kỳ. Sau khi tốt nghiệp, nữ sinh dự định du học Trung Quốc, tận dụng cơ hội được “thực chiến” ngoại ngữ trong môi trường bản xứ để cải thiện trình độ, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy.
Nhiều lần Hà Ngân thầm tự cảm ơn mình năm đó đã kiên trì, không bỏ cuộc. “Dù tiếng Trung không phải lựa chọn ban đầu, giờ em vẫn rất hạnh phúc với ngôn ngữ này. Em nghĩ, đôi khi sự lựa chọn tình cờ lại đưa mình đến con đường đúng đắn”, Ngân chia sẻ.
Thanh Hằng
[ad_2]