Nơi ‘không tồn tại’ ở Australia biến mất vì Covid-19

Sau 50 năm “trị vì”, cuối cùng người đứng đầu công quốc Hutt River đã phải “đầu hàng” chính quyền vì không trả nổi hóa đơn thuế khổng lồ.

Công quốc Hutt River nằm trong lãnh thổ Australia, cách Perth về phía bắc hơn 500 km. Trong những năm gần đây, nó được biết đến là một điểm kỳ lạ, thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Hutt River là một vi quốc gia, mô hình quốc gia tự tuyên bố tồn tại, nhưng không được bất cứ chính phủ, tổ chức nào công nhận. Một cách gọi khác của các mô hình này là “quốc gia không tồn tại”. Nó hình thành vào năm 1970, khi một nông dân có tên Leonard Casley tự phong tước hiệu hoàng tử cho chính mình, và sau đó là tước hiệu hoàng gia cho mọi người trong gia đình. Ông cũng biến trang trại của mình thành một quốc gia độc lập, và gọi đó là Công quốc Hutt River.

Vi quốc gia lâu đời nhất Australia biến mất vì Covid-19

Cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách của công quốc. Ảnh: Shutterstock

Hutt River tọa lạc trên 75 km2 diện tích đất nông nghiệp, lớn gấp đôi Macao nhưng dân số chưa đến 30 người. Dù không được chính phủ công nhận, nó vẫn “quyết” hoạt động như một quốc gia độc lập: có thị thực, giấy phép lái xe, hộ chiếu, tiền tệ, tem, quốc kỳ riêng. Công quốc còn đặt 13 văn phòng đại diện tại 10 quốc gia trên thế giới, gồm Mỹ và Pháp.

Nhưng giờ đây, hành trình đó đã kết thúc. Khi hoàng tử tự phong Leonard Casley qua đời vào tháng 2/2019, ông đã để lại một hóa đơn nợ thuế trị giá 2,15 triệu USD. Và rồi Covid-19 xuất hiện. Tác động kinh tế do đại dịch mang lại, cùng với một hóa đơn thuế khổng lồ, Hutt River buộc phải đưa ra tuyên bố cuối cùng: bán mảnh đất được thừa kế của mình để trả nợ. Điều này được hoàng tử Graeme Casley thông báo vào đầu tháng 8.

Trả lời trên CNN, Graeme cho biết rất đau buồn khi phải giải thể công quốc. “Thật buồn khi chứng kiến cha của mình gây dựng một thứ trong 50 năm, và sau đó bạn phải chấm dứt nó. Đây là thời điểm rất khắc nghiệt về kinh tế, và sức khỏe trên toàn thế giới do Covid-19. Chúng tôi cũng cảm thấy điều đó”.

Dù thất vọng, người thừa kế nói rằng anh rất tự hào về những gì cha mình làm. Anh hy vọng câu chuyện về Hutt River sẽ được ghi nhớ và lưu truyền cho các thế hệ sau. Graeme đã có nhiều kỷ niệm tuyệt vời khi sống ở công quốc. Sau khi mẹ anh qua đời vào năm 2013, anh đã có 5 năm làm việc toàn thời gian cùng cha. Điều đó không chỉ tạo nên tình cảm cha con khăng khít, mà còn là mối quan hệ bền vững trong công việc.

Vi quốc gia lâu đời nhất Australia biến mất vì Covid-19 - 2

Lối vào Hutt River – nơi đã đóng cửa ngừng đón khách từ tháng 1. Ảnh: CNN

Với lãnh thổ rộng lớn, xứ sở chuột túi là nơi rất nhiều vi quốc gia, như Hutt River, tồn tại. Trong những thập kỷ gần đây, hàng chục công dân đã tự tuyên bố độc lập khỏi Australia, thành lập quốc gia của riêng họ. Tuy nhiên không có công quốc nào nổi tiếng như “đất nước” của nhà Casley. Trong suốt 50 năm qua, nó là chủ đề chính của rất nhiều cuộc thảo luận trên khắp thế giới.

Ban đầu, hoàng tử Leonard muốn ly khai với Australia vì không đồng ý với các quy định canh tác mà chính phủ áp dụng. Sau đó, ông biến công quốc thành một điểm thu hút du lịch độc đáo. Du khách đến đây để mua hộ chiếu, tiền tệ và tem.

Nhưng cũng giống như nhiều điểm đến du lịch trên thế giới, công quốc cũng từng bị tổn thương do các tác động kinh tế từ đại dịch. Du lịch là nguồn thu nhập chính của họ, đặc biệt là trong 15 năm gần đây vì Internet phát triển đã giúp quảng bá câu chuyện kỳ quặc về Hutt River trên toàn thế giới.

Trước đây, Hoàng gia Casley đã rất nỗ lực để vi quốc gia của họ trở nên hấp dẫn với khách du lịch. Mọi người đến đây nghỉ dưỡng đều được một thành viên của hoàng tộc đích thân chào đón. Khách khi đến sẽ phải bỏ ra 2,5 USD để được nhận thị thực nhập cảnh Hutt River. Với nhiều người, việc có dấu xuất nhập cảnh, visa của công quốc này trên hộ chiếu khiến họ cảm thấy chuyến thật đáng giá.

Hoàng tử Leonard - người sáng lập ra Hutt River, vi quốc gia lâu đời nhất tại Australia. Ảnh: News Limited.

Hoàng tử Leonard – người sáng lập ra Hutt River, vi quốc gia lâu đời nhất tại Australia. Ảnh: News Limited

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, du khách tham quan các tòa nhà chính của công quốc cùng một “hướng dẫn viên”. Bạn sẽ được nghe về lịch sử địa phương. Sau đó, khách ghé thăm bưu điện của công quốc để gửi thư, hoặc mua tem của nơi này, thưởng thức một bữa ăn nhẹ tại các phòng trà. Du khách cũng có thể đổi tiền Hutt River, với mệnh giá tương đương đồng đôla Australia).

Các điểm tham quan khác gồm nhà nguyện phi giáo phái, bộ sưu tập Nghệ thuật hoàng gia – với 300 bức tranh nằm rải rác quanh tòa nhà, cùng tượng bán thân lớn của hoàng tử Leonard. Trên các bức tường của tòa nhà có gắng các tài liệu, tin tức và ảnh liên quan đến công quốc, bao gồm cả thời điểm hoàng tử Leonard tuyên chiến chống lại Australia vào năm 1977. Khi đó, chính phủ đang truy thu các khoản thuế mà công quốc chưa chịu nộp. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này chỉ kéo dài vài ngày và màn phô trương không thể ngăn cản được sở thuế. Ngoài ra, Hutt River cũng có lực lượng lục quân, hải quân và trường cao đẳng quân sự.

Anh Minh (Theo CNN)

Nguồn