[ad_1]
Lãnh đạo các trường THCS tại Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh gần hết kỳ I, học sinh vẫn phải học online, Sở GD&ĐT nên công bố ngay phương án tuyển sinh lớp 10.
Từ năm 2019, Hà Nội quyết định tổ chức 4 môn thi vào lớp 10 công lập, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, để đảm bảo tính toàn diện, tránh học lệch, học tủ. Trong đó ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; môn thứ tư sẽ được chọn trong 6 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học và được công bố vào tháng 3 hàng năm.
Có hơn 400 học sinh lớp 9 chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và phải học online nhiều tháng trong suốt ba năm học qua, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, cho rằng việc tổ chức như vậy chỉ phù hợp trong bối cảnh “bình thường cũ”. Còn với tác động của Covid-19, tâm lý phụ huynh, học sinh và điều kiện học tập bị ảnh hưởng, nếu vẫn giữ nguyên phương án thi và thời gian công bố muộn như vậy là không phù hợp.
“Không nên lý lưởng hóa việc thi môn thứ tư rồi tới cuối tháng 3 mới công bố để học sinh học toàn diện. Việc học online một kỳ đã quá vất vả với các em rồi. Thời gian còn lại rất ít, mà các trường và học sinh vừa phải củng cố kiến thức, hoàn thành chương trình rồi ôn thi vào lớp 10. Chúng ta không nên để các em vất vả hơn nữa”, thầy Khang nhấn mạnh và kiến nghị công bố phương án trong học kỳ I này, tức ngay trong tháng 12, để kịp chuẩn bị.
Bà Đặng Thúy Hà, Hiệu trưởng THCS Tây Đằng, huyện Ba Vì cũng nhận định, sẽ quá tải cho các em nếu phải dồn sức học cùng lúc bốn môn trong thời gian quá ngắn; đặc biệt là trong điều kiện học tập gián đoạn, ở nhà nhiều hơn đến trường như thời gian qua.
Nhiều năm làm quản lý, bà Hà thấy học sinh thường chỉ học môn thứ tư sau khi biết sẽ phải thi, nên Sở càng công bố sớm, việc ôn tập càng dễ đạt kết quả tốt hơn, do các em có thêm thời gian củng cố, nắm chắc kiến thức.
Về phía nhà trường, bà Hà cho rằng biết sớm môn thi thứ tư cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc lên kế hoạch ôn tập và chuẩn bị đề cương cho học sinh. Mọi năm, phải đến tháng 4, tức là sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố, trường THCS Tây Đằng mới có thể tổ chức ôn luyện môn thứ tư cho học sinh lớp 9.
Hiện, do chưa được tổ chức dạy học hai buổi trên tuần, trường THCS Tây Đằng cũng chưa dạy phụ đạo. Thay vào đó, trường tận dụng những tiết tự chọn trong chương trình chính khóa để ôn luyện hai môn Văn, Toán, củng cố kiến thức cho học sinh. “Tôi mong thành phố sớm có kế hoạch chi tiết, để các em định hướng rõ nội dung ôn tập”, bà nói.
Bà Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, cũng mong muốn biết sớm kế hoạch thi vào lớp 10.
Với tình hình hiện nay, bà đánh giá có thể đầu năm sau, tất cả học sinh lớp 9 mới được trở lại trường. Do đó, theo bà, nếu vẫn thi bốn môn, “tôi nghĩ Sở cần công bố ngay để các em có đủ thời gian ôn tập”, bà Giang nói.
Ngoài đề xuất công bố sớm phương án, lãnh đạo các trường cũng chia sẻ mong muốn bỏ môn thi thứ tư vào năm nay.
Thầy Khang nhận thấy các em đang phải đối mặt với bốn tổn thất lớn gồm kiến thức, thể lực, thị lực và tâm lý. Về kiến thức, thầy Khang khẳng định học trực tuyến hoàn toàn là giải pháp bất đắc dĩ, hiệu quả thua xa học trực tiếp. Để giảm tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phải liên tục đưa ra những điều chỉnh chương trình học từ lớp 1 đến 12, chỉ giữ lại những phần cốt lõi.
Về tâm lý, các chuyên gia tâm lý học đường khẳng định việc học online kéo dài, giao tiếp xã hội ít, thời gian sử dụng màn hình nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Thầy Khang nhận được nhiều phản ánh từ phụ huynh và cho rằng vấn đề này có thể gia tăng khi chưa biết bao giờ các em mới được trở lại trường.
Với chỉ hai tổn thất trên, Hiệu trưởng trường Marie Curie đề xuất thêm thành phố giảm tải môn thi, nội dung thi vào lớp 10.
“Thành phố chỉ nên giữ lại ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; thậm chí chỉ cần hai môn là Toán và Ngữ văn như nhiều năm trước đây vẫn có thể đánh giá khách quan, công bằng học sinh trong bối cảnh các em có thể thi trực tiếp”, ông Khang nói, đồng thời lấy ví dụ năm 2020, khi tình hình không phức tạp như hiện tại, Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ tư, việc xét tuyển vẫn diễn ra thuận lợi, đảm bảo chất lượng.
Theo khảo sát của VnExpress với hơn 700 người tham gia, có tới gần 600 người (84%) mong muốn bỏ môn thi thứ tư ở kỳ thi vào lớp 10 năm 2022.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, chia sẻ với đề xuất bỏ bớt hoặc công bố sớm môn thứ tư của học sinh, phụ huynh. Bà cho rằng đề xuất này là phù hợp với bối cảnh học sinh phải học từ xa trong thời gian dài.
Bà Hằng thông tin hiện nhiều phụ huynh đề nghị các trường THCS trên địa bàn xếp lịch dạy ôn tập ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh cho học sinh lớp 9. Tuy nhiên, việc này cần sự cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo nên chưa triển khai được.
“Thời gian tới, quận Hà Đông sẽ lấy ý kiến phụ huynh về mong muốn có nên thi môn thứ tư hay không, sau đó Phòng sẽ đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo để có kế hoạch phù hợp trong thời gian sớm”, bà Hằng nói.
Dương Tâm – Thanh Hằng
[ad_2]