Nghiên cứu cơ chế khuyến khích người giàu tham gia bảo hiểm y tế

[ad_1]

Cần có cơ chế khuyến khích người giàu tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bởi gần 10% dân số chưa tham gia chủ yếu là nhóm này, theo Bộ trưởng Tài chính.

Thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết những người giàu chủ yếu tham gia bảo hiểm tự nguyện thông qua công ty bảo hiểm. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế khuyến khích nhóm dân số này tham gia BHYT, đồng thời đổi mới dịch vụ BHYT tốt hơn để phục vụ người dân tốt nhất.

Ông cũng cho rằng sự mâu thuẫn giữa cơ quan quản lý Quỹ BHYT và các bệnh viện thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân bởi Bộ Y tế tham mưu ban hành chính sách, nhưng việc chi là bệnh viện, quản lý lại là Bảo hiểm. Trong khi các bệnh viện thường kê đơn thuốc, vật tư rất lớn, khiến việc chi BHYT có thể thiếu hụt. Vì vậy, các đơn vị đang nghiên cứu quy định để vừa đảm bảo cân đối giữa việc chi cho người tham gia BHYT, vừa bảo tồn, phát triển quỹ.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VGP

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường kể lại khi còn ở địa phương, ông thấy cứ đến cuối năm “các bệnh viện sợ lắm, bởi tiền khám BHYT gần hết”. Họ nói vì khám chữa bệnh BHYT là nhiệm vụ chính trị nên phải chấp hành. Người dân khi đến khám chữa bệnh BHYT phản ánh chất lượng không tốt, chờ đợi lâu, không được đối xử công bằng với khám dịch vụ. “Tôi có cảm giác ở thành phố lớn người dân ít mua BHYT”, ông nói.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, BHXH, BHYT là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân. BHYT giúp tất cả người dân, đặc biệt người nghèo được hưởng các dịch vụ y tế và đảm bảo cơ chế tài chính cho khám chữa bệnh. Nhóm dân số yếu thế trong xã hội rất quan tâm đến vấn đề này bởi khi đi khám chữa bệnh, các dịch vụ được BHYT chi trả. “Đây là chính sách ưu việt của nước ta với việc chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Long nói.

Đến nay, Việt Nam đã bao phủ BHYT được gần 91% dân số và tiếp tục phải tăng độ bao phủ. “Chúng ta thực hiện theo nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người tham gia. Khi phủ được toàn bộ dân số thì việc chia sẻ rủi ro sẽ đỡ gánh nặng”, ông Long giải thích. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ sửa quy định theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận BHYT, thay vì “chỉ khi ốm đau mới đóng hoặc năm đóng, năm không”.

Bộ Y tế tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền, phạm vi được hưởng của người dân với BHYT để người nghèo, vùng sâu được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Phong

Từ kinh nghiệm thiết lập trạm y tế tuyến xã để điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian qua, ông Long cho biết việc này sẽ thúc đẩy khám chữa bệnh từ xa, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Nếu ở cơ sở y tế vùng sâu, bác sĩ chưa bao giờ mổ sọ não, nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì không kịp. Khi có hướng dẫn trực tuyến từ tuyến trên, bệnh nhân được cứu sống. Thời gian qua, tất cả cơ sở y tế tuyến xã trên toàn quốc đã được kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại chưa có quy định việc này.

Về mô hình bác sĩ gia đình, ông Long cho hay các nước châu Âu, Mỹ đã phát triển từ lâu và rất chú trọng cách làm này. Ở Việt Nam, hệ thống y tế được phân cấp về mặt hành chính, đến tận cấp xã. Thời gian xảy ra dịch bệnh, các trạm y tế xã đã phát huy hiệu quả rất cao.

“Vì vậy, các trạm y tế cần được coi là bác sĩ gia đình chung của cả khu vực dân cư. Bản chất của mô hình này đều nhằm giúp người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, tiếp cận dịch vụ y tế gần nhất”, ông Long nói và cho biết Bộ Y tế đang tổng kết mô hình bác sĩ gia đình cũng như trạm y tế cơ sở.

Hoàng Thùy – Viết Tuân