M&A tăng nhiệt giữa đại dịch

[ad_1]

Dù Covid-19 bùng phát, những thương vụ M&A của các doanh nghiệp Việt Nam đang bám đuổi sát sao nhóm nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn nhưng các công ty Nhật và Hàn Quốc vẫn tích cực thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập vào Việt Nam, bên cạnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của khối nội. Thông tin trên được ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, chia sẻ tại Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 9/12.

10 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện 133 giao dịch mua bán, sáp nhập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoàn thành lần lượt là 30 và 19 giao dịch. Các công ty trong nước chiếm 1,61 tỷ USD trong tổng giá trị thương vụ và chỉ kém 68 triệu USD so với mức 1,67 tỷ USD của Nhật Bản.

Nếu không kể đến thương vụ Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần của FE Credit trị giá 1,3 tỷ USD, các công ty Việt Nam là đối thủ ngang ngửa với các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ.

Sở dĩ các doanh nghiệp Việt đang bám đuổi khối ngoại sát sao trên thị trường mua bán sáp nhập vì tác động của đại dịch Covid-19 khiến sự hiện diện của các công ty quốc tế trở nên ít hơn. Tận dụng khoảng trống của khối ngoại do việc đóng cửa đường bay quốc tế, các nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội này để mở rộng thị phần M&A, thâm nhập vào các ngành nghề mới, đồng thời hình thành các mối quan hệ chiến lược.

Vingroup, Masan, Hòa Phát, Vinamilk, Novaland đang là 5 đơn vị thuộc khối nội có hoạt động M&A lớn nhất trên thị trường, cả về mặt giá trị và số lượng giao dịch liên tục trong hai năm vừa qua.

Đại diện một trong những doanh nghiệp Việt có hoạt động mua bán sáp nhập lớn trong thời gian qua, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Novaland cho biết, M&A rất cần thiết ở giai đoạn đẩy mạnh chiến lược phát triển các dự án đại đô thị.

Ông Phiên phân tích, thông thường chỉ có 10-20% quỹ đất phát triển dự án doanh nghiệp chủ động được trong khi có đến 80% quỹ đất đến từ hoạt động mua bán sáp nhập. Mặt khác để kiến tạo các dự án đại đô thị cũng đòi hỏi phải cung cấp rất nhiều dịch vụ khác nhau và chủ đầu tư cần có hoạt động M&A đa ngành nghề để hoàn thiện hệ sinh thái này.

Phối cảnh một dự án tại Quy Nhơn quy mô quỹ đất lên đến nghìn ha do doanh nghiệp TP HCM mua lại và phát triển.

Phối cảnh một dự án tại Quy Nhơn quy mô quỹ đất lên đến nghìn ha do doanh nghiệp TP HCM mua lại và phát triển.

Với vị thế dẫn đầu giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam thời gian qua, lý do các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục thực hiện nhiều giao dịch M&A vì không muốn bỏ lỡ cơ hội hấp dẫn tại thị trường mới nổi.

Theo KPMG Nhật Bản, nhiều công ty xứ sở mặt trời mọc đã tiến hành các thương vụ M&A tại Việt Nam ngay cả trong thời kỳ dịch Covid-19 và dự kiến hoạt động mua bán sáp nhập có thể tăng lên khi mở cửa biên giới vào năm 2022. Các tập đoàn Nhật Bản nhắm đến thị trường Việt Nam do vị trí quan trọng ở châu Á, quy mô thị trường nội địa lớn, lực lượng lao động dồi dào và thuận lợi cho chiến lược “Trung Quốc + 1”. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với dân số lớn và trẻ cũng như sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu là miếng bánh màu mỡ phát triển các lĩnh vực: tài chính, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, bán buôn và dịch vụ.

Mặt khác, một trong những nguyên nhân lớn nhất thôi thúc các công ty Nhật hành động, là do dư địa tăng trưởng dài hạn ở thị trường Nhật Bản rất hạn chế và tâm lý sợ bị bỏ lại phía sau bởi các đối thủ lớn ở phương Tây hoặc đối thủ châu Á khác.

Còn theo KPMG Hàn Quốc, các nhà đầu tư xứ sở kim chi vẫn xem Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ triển vọng và tăng trưởng kinh tế ổn định. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung và Hyundai Motors đã thành lập các địa điểm sản xuất hoặc các công ty con của họ ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Ở khu vực miền Nam, các lĩnh vực thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư Hàn Quốc bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và hậu cần.

Sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam ghi nhận ở lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính dựa trên cơ sở triển vọng kinh tế Việt Nam ổn định trong dài hạn và số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn dành nhiều sự quan tâm bao gồm tài chính, ôtô, cả bán lẻ và sản xuất, bảo hiểm ô tô, xây dựng và bất động sản.

Ông Warrick Cleine dự báo, bên cạnh làn sóng mua bán sáp nhập mạnh mẽ khối ngoại, các doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động M&A thời gian tới khi ngày càng xuất hiện nhiều tập đoàn lớn để mắt đến các ngành nghề đa dạng hơn trước.

Trung Tín

[ad_2]